FRANZ KAFKA

 

Franz Kafka

Quả thật những tác phẩm ly kì, hài hước vẫn được công chúng đón nhận tại thời điểm này, vẫn có thể sẽ rơi vào quên lãng trong tương lai. Nhưng những tác phẩm khó đọc, khó hiểu thì thời gian đầu lại vô cùng chật vật để được đăng trên các trang báo hay tạp chí chứ chưa nói đến việc được nhà xuất bản ký kết hợp đồng, nhưng rồi bỗng trở nên nổi tiếng khi tác giả đã mất đi. Truyền thông có vẻ vẫn mang lại ảnh hưởng, nhưng có lẽ sẽ là vô ích nếu tác phẩm đó không có gì sáng giá. Và một khi chúng là tác phẩm sáng giá thì không cần gì đến truyền thông cả, bởi năng lượng trong chính chúng đã có sức lan tỏa rộng lớn rồi. Nhà văn Franz Kafka cùng các tác phẩm của ông là một ví dụ như vậy. Thậm chí đến bây giờ người ta vẫn còn gọi là trường phái văn chương Kafka hay các tác phẩm của ông mang linh hồn của thời đại. Có lẽ giá trị của tác phẩm trường tồn không phải là tạo ra phút giây giải trí của hiện tại, mà giá trị của nó là xuyên suốt, bởi con người xét về bản chất và tính cách thì dù lịch sử thăng trầm thế nào vẫn là như nhau. Các nền văn minh ngày một tiên tiến thì đi theo nó ý thức của con người cũng phát triển. Nhưng khi ta bỏ qua ý thức sang một bên thì có thể thấy, chúng ta vẫn vậy, vẫn mang những bản chất của những người của hàng ngàn năm trước: hiếu thắng, đố kỵ, nhân hậu, dũng cảm… vẫn là những tính cách đó. Và cuối cùng thì bên cạnh triết học, khoa học tâm lý, tâm linh, khảo cổ học…văn chương chính là công cụ để chúng ta soi rõ chính bản thân mình, những người bạn, những kẻ thù, mà trong một thế giới đầy sắc màu này vẫn có những hệ quy chiếu đang tồn tại lâu dài qua hàng thế kỷ.



"...Bạn cùng phòng với tôi ở trong một tình hình khác, một nhân vật cương quyết, một thuyền trưởng. Anh ta nhìn tình cảnh của mình như một nhà thám hiểm vùng cực đang bị đóng băng  trong một vùng băng tuyết ảm đạm nào đó nhưng chắc chắn sẽ được giải cứu, hay đúng hơn là đã được giải cứu.  Và bây giờ có sự phân ly như sau: việc anh ta sẽ được giải cứu đối với anh ta không còn nghi ngờ gì, bất kể ý chí của anh ta là gì. Nhưng với tính cách kẻ chiến thắng của anh ta, bây giờ anh ta có nên mong chuyện đó hay không? Anh ta mong hay không mong cũng không ảnh hưởng gì, anh ta sẽ được giải cứu, nhưng vẫn còn đó câu hỏi anh ta có nên mong chuyện đó hay không..." (Franz Kafka)

Có lẽ nhà văn đang viết về một người mà danh dự của họ như một tảng đá lớn không thể dịch chuyển. Một sự giải cứu, nó giống như một sự cứu giúp mà anh ta đã lường trước khi mắc phải trở ngại này. Sự giải cứu không phải là một vật mà người đó có thể vứt bỏ, thậm chí anh ta cũng không thể từ chối. Không ai muốn để một kẻ cố chấp vào đường cùng vì sự cố chấp của anh ta cả. Vì thế nó bắt buộc phải diễn ra và nhân vật của chúng ta bắt buộc phải được giải cứu. Vì thế vấn đề không nằm ở việc giải cứu nữa, mà nó nằm ở người được giải cứu. Hóa ra cuộc giải cứu vô tội ấy lại khiến cho nhân vật của chúng ta rơi vào suy nghĩ về bản thân theo hai chiều hướng: xấu hổ vì mình một kẻ yếu kém (mặc dù những người đưa tay ra cứu giúp anh ta không hề có ý nghĩ như vậy), hoặc tôi muốn mình mắc kẹt như thế đấy, sao các người cứ cố cứu tôi làm gì. Chuyện tưởng chừng như vô cùng đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp đối với nhân vật “bạn cùng phòng với tôi”: anh ta có nên mong mình được giải cứu hay không.

Nếu xét theo chiều hướng suy nghĩ thứ nhất thì đây sẽ là bài học tích cực cho anh ta. Danh dự - đôi khi nó lại là cái cớ hữu danh vô thực thì đúng hơn, chỉ những kẻ ngốc vẫn cứ cố bám chấp vào mà từ chối mọi sự giúp đỡ. Đoạn văn khiến ta liên tưởng đến hình ảnh một người chới với trên miệng vực sâu. Một cánh tay xuất hiện để kéo họ lên, còn người kia thì còn đang lưỡng lự. Bức tranh có một lời bình ngắn gọn "đôi khi bạn cần đến sự giúp đỡ". Hay thậm chí đúng hơn là “đôi khi, hãy mạnh dạn lên, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ”. Nhân vật của chúng ta - một người muốn chiến thắng, tin tưởng bản thân xứng đáng với chiến thắng, đang ở một tình thế tiến thoái lưỡng nan, giờ đây lại trở thành kẻ loay hoay với chính cái tôi của mình, mà thời gian thì đâu có chờ đợi. Cái tôi với một số người, có sức nặng ghê gớm. Thật buồn thay, cái tôi càng nặng, nó lại càng đại diện cho một con người kém phát triển. Vậy đó, trong khi những người đang trực chờ để giúp đỡ anh ta lại đang phải sốt ruột, còn anh ta đi làm những việc không đâu. Anh ta thử nghiệm mọi thứ mà mình có thể, với một cái búa nhỏ chẳng hạn, những thứ vô vọng nhằm cứu vãn lại sự kiêu hãnh của mình. Trong khi nhìn xem, đội cứu hộ đang ngán ngẩm nhìn bạn kìa.



Xét về chiều hướng thứ hai, rõ ràng anh ta muốn mắc kẹt trong cái đống băng tuyết lạnh lẽo ấy với một ý chí rằng anh ta cần phải tìm kiếm chiến thắng. Có lẽ cuộc sống ngoài đời được bao bọc quá dày khiến cho anh ta không có được nhiều cơ hội đua tranh. Mọi thứ quá đơn giản và dễ dàng. Nếu nhà thám hiểm mà cứ thế mà đi khám phá mà không có trở ngại gì thì thật không còn là nhà thám hiểm nữa. Cuộc sống mà tất cả dọn sẵn ra, không có chiến thắng, không có thất bại thì thật nhàm chán xiết bao. Có thể bạn đang thấy điều này thật kỳ lạ, nhưng quả thực nó lại là như vậy, đặc biệt là với người luôn muốn chiến thắng mà trong tay chẳng có gì. Lại nói về cái búa nhỏ, nó như một công cụ tội nghiệp gánh vai trò tăng thêm sức nặng cho câu chuyện. Cái búa nhỏ yếu ớt thì có thể làm được gì trước cái đống băng cứng đơ kia chứ. Vì thế một lần nữa, phải nói rằng, cái búa đại diện cho sự vô vọng. Vô vọng cho nhân vật của chúng ta, chiến thắng vẫn chẳng thể đến nếu một niềm tin sắt đá đi kèm với chỉ một cái búa nhỏ. Băng tuyết vẫn cứng đơ đó trêu ngươi. Và rồi thì chẳng chóng thì chày cuộc giải cứu vẫn phải diễn ra. Thế đó, số phận vẫn cứ sắp xếp một cách êm thấm cho những người muốn chiến thắng nếu xét theo chiều hướng thứ hai này.

Vậy đấy, chỉ một đoạn văn thôi cũng đủ khiến cho người đọc phải đau đầu suy nghĩ và phân tích. Và rồi khi ngẫm ra, kể cả viết ra rồi vẫn thấy cả một mê cung trước mắt. Mê cung thường vẫn sẽ mang đến sự bối rối, nhưng chẳng phải chúng ta vẫn luôn muốn mình là người khám phá hay sao. Dù thế nào sự bối rối này luôn có cách giải quyết theo cách nào đó, theo cách của bạn, theo cách của tôi, dù thế nào nó cũng là sự giải quyết. Hoặc rồi thì tất sẽ có cuộc giải cứu. Chỉ có điều sự bí ẩn cùng lời giải phía sau thật là sự hấp dẫn khó cưỡng. Giờ đây, sau tất cả những thử nghiệm vẫn không dẫn đến một sự giải quyết, câu hỏi đặt ra là: chúng ta có nên mong một sự giải cứu hay không?

 

6 nhận xét:

  1. "... văn chương chính là công cụ để chúng ta soi rõ chính bản thân mình, những người bạn, những kẻ thù... "
    Đúng thế!

    Trả lờiXóa
  2. Đã nghe nhiều về cái khó và rất khô khan trong văn của FRANZ KAFKA nhưng chưa được đọc một tác phẩm nào của nhà văn. Đọc xong bài viết đầy cảm xúc này của bạn, lòng cảm thấy thật tiếc. Cảm ơn bạn thật nhiều !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiểu thuyết của Kafka đa phần dang dở. Anh có thể đọc Vụ án, hoá thân, lâu đài... vẫn đang có nhà phát hành
      Chúc anh ngày vui nhé

      Xóa
  3. Chúng ta rất khó để nhìn nhận và sắp xếp vị trí đứng của bản thân mình cho đến khi mọi thứ được ghi lại và những trải nghiệm, hồi ức dù là tiếc nuối hay tự hào đều giúp chúng ta nhớ lại mình là ai trong quá khứ và mình đã trở thành người thế nào ở hiện tại.
    Văn, thơ chính là minh chứng hiện hữu cho những gì chúng ta đã quên và tạm quên.
    Viết cũng là một cách để chúng ta nhìn thấy sự thay đổi của chính mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hơn nữa, văn thơ cũng khiến ta đối diện với nhiều vấn đề một cách sâu sắc hơn và tự đặt ra nhiều câu hỏi cho chính mình.
      Hơn nữa viết cũng là để thoả mãn một nỗi day dứt.
      Em cảm ơn chị nhé.

      Xóa

Anhnh.thienloc@gmail.com

cảm xúc ngày đầu tuần

Sáng thứ hai, bầu trời vẫn âm u như những ngày trước. Bất chợt một tia nắng hiếm hoi chiếu tới rồi nhanh chóng bị những đám mây ...