Review sách “Con chim xanh biếc bay về”

 “Con chim xanh biếc

Đậu hờ trên tay

Yêu anh đến thế

Giờ thành mây bay.”

Câu thơ của nhân vật Lương – một cô bạn gái tốt của Khuê ở cuối chuyện lý giải phần nào về tựa đề câu chuyện. Thực ra kết chuyện không hề sầu muộn như thế, mà là một happy ending. Con chim xanh biếc có lẽ ý nghĩa về dấu hiệu của một tình yêu đẹp hay một niềm hạnh phúc nào đó, nhưng thật may, con chim chỉ có một vài lúc đậu hờ trên tay chứ không hề bay mất. Bởi tất cả các nhân vật trong câu chuyện, họ đều xứng đáng với niềm hạnh phúc dành cho mình.



Có lẽ câu chuyện sẽ hay nếu như mình đang độ tuổi 22 hay 23, vốn là độ tuổi vừa mới ra trường, mới bước vào ngưỡng cửa cuộc sống tự mưu sinh. Còn hiện tại, mình đã hơn 30 tuổi rồi, nên có vẻ như truyện này không còn hấp dẫn mình cho lắm. Cách đây mấy năm mình cũng có đọc cuốn “ngồi khóc trên cây”, nhưng cũng không để lại nhiều ấn tượng. Nói thực về tác phẩm này, mình nhiều lúc cũng khá nản để đọc tiếp và đọc tiếp, để rồi kết thúc câu chuyện với không nhiều ấn tượng mạnh như nhưng câu chuyện trước đây của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Phải nói rằng, câu chuyện tưởng như chỉ có Quyền là nhân vật chính diện, nhưng về cuối, Quyền đã thay đổi, trở thành con người tích cực và thành đạt hơn. Còn lại, các nhân vật trong chuyện đều là những người tốt. Họ sống yêu thương, chan hòa với nhau. Nổi lên trong đó có những nhân vật có cá tính riêng như Sâm, Khuê, Lương. Câu chuyện cũng có những tình tiết bất ngờ đan xen, tuy nhiên nhiều lúc đọc thấy hơi rối, và cách giải quyết của tác giả lại làm giảm đi tính bất ngờ, lôi cuốn. Dù vậy, tác giả đã đưa vào nhiều triết lý hay về cuộc sống, tình yêu và những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật khá sâu sắc. Tuy nhiên chỉ có một điều rằng: có lẽ nhân vật Sâm quá tốt chăng, tại sao thích Khuê đến vậy, mà đến lúc Khuê đổ đánh rụp rồi mà vẫn còn lưỡng lự, chậm chạp, để cho mạch chuyện cứ lê thê theo suy nghĩ của hai nhân vật này. Kiểu như là người xưa nay hiếm: cơm đến miệng rồi mà không biết… hưởng.

Nhân vật Sâm – nhân vật với áo sơ mi, quần tây, nghiêm túc như một ông giáo làng, mở một nhà hàng nhỏ để kinh doanh. Cách làm việc của Sâm gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ: một cách làm việc đúng quy tắc, đúng tình người, hiếm thấy ở bất cứ một người sếp nào trong thực tại. Cách làm việc này đôi lúc khiến Khuê khó chịu, nhưng rồi dần cô cũng hiểu ra. Và cũng chính vì thế là Khuê yêu Sâm, bởi tính cách chính trực, trong sáng và điềm đạm ở anh. Nhưng phải nói là Sâm cũng cao tay ngay từ đầu, biết Khuê nhưng tỏ ra không biết, thế mới khiến Khuê yêu như điếu đổ, từ giận dỗi đến cảm phục (chứ nếu Khuê Sâm ngay từ đầu thì hỏng việc ngay). Nhưng mọi sự bắt đầu nhập nhằng từ lúc Sâm gặp Tịnh, rồi biết bao chuyện dở khóc dở cười được kể lại. Đến đây thì, chà, tội nghiệp Khuê, không phát điên với Sâm mới là lạ.

Khuê là một mẫu cô gái mà mình thích: mạnh mẽ, chân thành, hết mình vì công việc, hết mình vì mọi người. Trong sự hiểu nhầm về tình cảm của Sâm và Tịnh,  (đọc không hiểu nổi là Sâm cố tình gây hiểu nhầm hay chẳng nhẽ vô tư đến mức vô tình như vậy?), Khuê không hề tỏ ra ghen tức, dù trong thâm tâm cô chẳng khác nào núi lửa đang phun trào. Khuê vẫn đối xử tốt với Tịnh, tự trách mình quá ích kỷ, tự bảo mình tránh xa để nhường lại hạnh phúc cho Tịnh. Đến đây thì mình còn mong Khuê bỏ luôn đi, cuối chuyện đến với Quyền hay anh mặc áo pull xanh hay pull đỏ nào đó cho đỡ khó chịu. Tất nhiên là không có chuyện đó xảy ra, ai về với người nấy và theo đúng motip của bao câu chuyện happy ending khác.

Dù không ấn tượng về câu chuyện, nhưng đọc mỗi trang sách của Nhà văn, mình lại có thể tưởng tượng thêm nhiều hơn về cuộc sống của con người Sài Gòn nói riêng và người Nam Bộ nói chung. Đó là những phẩm chất: hiền lành, chất phác, yêu thương, quan tâm đến nhau. Ngoài bi kịch của mẹ, bà nội nhân vật Sẹo, thì hầu như mọi mâu thuẫn đều được giải quyết ổn thỏa với sự cảm thông sâu sắc mà mỗi con người dành cho nhau. Đóng cuốn sách lại, vẫn đó những gương mặt và tính cách của các nhân vật từ chính đến phụ, vẫn còn đó với nụ cười luôn trên môi dù cuộc sống có khó khăn như thế nào đi nữa. Đó chính là cái hay của nhà văn đã U60 – Nguyễn Nhật Ánh, vẫn như vậy, không hề thay đổi theo thời gian.

Mình vẫn thích các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bởi nó gắn liền với tuổi học trò của mình. Bài viết chỉ là góc nhìn chủ quan của một người đọc đã ở độ tuổi U30, nên không hề có ý chỉ ra những điểm hạn chế của tác phẩm. Ai cũng vậy, đến một độ tuổi nào đó họ lại có một gu đọc sách hay giải trí riêng. Nếu quay lại là một cậu sinh viên, hẳn mình sẽ rất thích cuốn sách này. J

Review sách Lược sử loài người

 Mục tiêu về sách của mình là đọc được 50 cuốn trong năm 2021. Tính ra là mỗi tuần đọc một cuốn. Thực ra là không hề khó khả thi. Có nhiều người nói mình là “mọt sách” nhưng mình đọc đâu có nhiều sách đâu. Hơn nữa sách cũng đã giúp mình rất nhiều trong cuộc sống đấy chứ. Suy nghĩ chín chắn, nói năng gãy gọn, logic hơn, đi từ xa đến gần thay vì chỉ nhìn vào nguyên nhân kết quả trước mắt… từ đó mình có thể tìm cách xử lý được nhiều điều trong cuộc sống. Quả thật thiếu sách thì mình thấy cuộc sống sẽ thật vô vị. Nên thật không sai khi sách là người bạn tuyệt vời, nhưng sẽ là sai nếu ai đó vẫn gọi mình là “mọt sách”.



Không nói dông dài nữa, mình xin đi vào việc review cuốn “lược sử loài người” – một trong những cuốn sách hay nhất mình từng đọc. Sách đã ra từ năm 2017 thì phải, và là một cuốn sách nổi tiếng mà đến giờ mình mới đọc. Thời gian đọc có khi đến hơn 1 tháng vì gần tết công việc cũng bận nên thời gian đọc chỉ có một ít vào buổi tối. Sách dày 560 trang, có thể ai đó sẽ giống mình là ngán ngay từ lần cầm lên đầu tiên. Nhưng khi đọc qua vào chương “sự lừa dối lớn nhất lịch sử” và “cuộc hôn nhân giữa khoa học về đế quốc” mình đã phải mua ngay. Và đó cũng là hai phần mà mình đặc biệt thích.

Đây là không phải là một cuốn sách lịch sử với những sự kiện khô khan, mà tập trung trong đó là những lý luận đầy logic của tác giả về toàn bộ lịch sử của loài người từ thời tối cổ đến hiện đại. Theo cuốn sách, chữ viết được sáng tạo ra không phải nhờ có sự xuất hiện của triết học, nó đơn giản được tạo ra sau cuộc cách mạng nông nghiệp, sự hình thành tư hữu, các vương quốc. Và chữ viết xuất hiện chỉ đơn giản là những ký tự để tính toán thống kê về sưu thuế, sản lượng. Cách mạng nông nghiệp khiến cho con người từ một loài khỏe mạnh, sống nay đây mai đó, ăn uống đủ chất, vô tư hồn nhiên trở thành những kẻ nô lệ của chính mình, sống chết trên mảnh đất ấy, tháng ngày gù lưng ra cày bừa, lao động vất vả, để ăn toàn những thực phẩm thiếu dinh dưỡng. Thiếu đất canh tác từ đó chiến tranh nổ ra từ sơ khai đến quy mô hàng nghìn người. Tổng thể còn nhiều nhiều nữa, khiến cho việc phát minh ra nông nghiệp trở thành chiếc hộp Pandora mở ra đau khổ cho con người (đấy là theo ý tác giả, không phải là ông thích ăn lông ở lỗ hơn là cuộc sống văn minh hiện đại, mà là con người thời đó và bây giờ sự hài lòng về cuộc sống là khác nhau. Sự hài lòng thời săn bắt rất đơn giản là đủ ăn đủ mặc, còn sự hài lòng bây giờ thì kể ra không hết).

Phần thứ hai mà mình ấn tượng chính là sự lập luận logic của tác giả để giải thích tại sao phương tây trở nên vượt trội hơn so với châu Á và châu Phi kể từ thế kỷ 16. Chính sự chấp nhận rằng mình ngu dốt, không biết gì và tinh thần ham phiêu lưu khám phá những vùng đất mới, hay những tri thức mới chính là điểm cơ bản đặt ra điểm xuất phát cho sự phát triển. Từ ý chí của các nhà vua đến ý chí của các nhà tư bản, đã hình thành lên những đội quân xâm lược hoạt động mạnh mẽ nhất từ thế kỷ 16 đến thứ kỷ 19. Châu Âu làm chủ toàn bộ đường biển. Vào trước thể kỷ 16, Trung Hoa là đế quốc mạnh nhất thế giới, cho đến thế kỷ 18 họ vẫn vậy (có thể thấy tự hào rằng Việt Nam nhỏ bé vẫn luôn đứng vững trước áp lực của quốc gia này). So sánh tàu của Columbus – người nhầm tưởng châu Mỹ là Ấn Độ vào thế kỷ 15 và tàu của Trình Hòa – người dẫn đầu đội tàu hùng mạnh 300 chiếc đã đi khắp từ Ấn Độ Dương sang Châu Phi, thì quả là người tý hon và gã khổng lồ. Nhưng vì sao đế chế Trung Hoa giàu mạnh như vậy lại dần tụt lùi, mà bất lực để cho 40 triệu người trở thành con nghiện thuộc phiện sau trận thua đau trước đế quốc Anh. Vì sao một quốc gia có vài triệu dân như Hà Lan lại trở thành đế quốc đánh chiếm hết cả quần đảo Indonesia rộng lớn. Công ty Đông Ấn Anh và công ty Đông Ấn Hà Lan là gì? Từ đâu mà hai công ty này nắm trong mình cả một đội quân viễn chinh đông đảo và những chiến hạm hiện đại tung hoành khắp thế giới? Tất cả nằm ở hai chữ “tư bản”.


                           (Thuyền của Trịnh Hòa to gấp chục lần thuyền của Columbus - thế kỷ 15)

Thực sự loài người đã thoát ra khỏi cuộc sống lệ thuộc vào thiên nhiên như những loài động vật khác, họ đã đi quá xa để có thể quay đầu lại. Họ tạo lên những giống loài sinh trưởng trong đau khổ và tạo nên những sự tuyệt chủng lớn chưa từng có trong lịch sử trái đất. Nhưng rốt cuộc con người sẽ đi về đâu với nhu cầu không giới hạn của mình? Câu hỏi thế nào là hạnh phúc vẫn để đó sau hàng thiên niên kỷ phát triển mà chưa có lời giải. Các quốc gia, các dân tộc với những văn hóa riêng nhưng thực ra loài người đang đi đến một sự thống nhất đó là một Đế chế Sapiens thống trị toàn trái đất. Và cho đến bây giờ với sức mạnh to lớn của mình, loài người vẫn mải mê đi theo những niềm tin tưởng tượng với sự vô trách nhiệm cũng khủng khiếp không kém. Thêm một chút hài lòng, đổi lại là sự phá hoại và nỗi đau khổ của bao giống loài khác xung quanh. Vậy với niềm tin tưởng tượng, con người trong tương lại liệu có thể tự biến thành những vị thần mới vốn chỉ nằm trong thần thoại? Và đặc biệt nguy hiểm là những vị thần này có sức mạnh khổng lồ nhưng lại không hề biết mình muốn gì. Quan trọng không phải là “chúng ta muốn trở thành gì?” mà là “chúng ta muốn mình muốn gì?” – đó là câu hỏi ám ảnh và cũng là lời kết của cuốn sách.

“Rốt cuộc là các anh chẳng biết cái gì cả đâu.” – nếu tự nhiên có một lời nhận xét dành cho loài người thì mình tin là Tự nhiên sẽ nói như vậy với cái cười khẩy trước sự tự đắc của loài người.

Bạn không cần phải có nhiều kiến thức về sử thế giới để hiểu được những ý tác giả đề cập đến. Mình mạnh dạn cho điểm 9/10. 1 điểm trừ vì sách dày và chữ hơi nhỏ. Phần đầu có vẻ hơi thiếu hấp dẫn nhưng khi đã đọc được đến 1/3 thì mình tin là người đọc sẽ thấy rất hấp dẫn. Đây là môt cuốn sách thực sự hay và mình đã có những trải nghiệm thú vị.

Vài dòng khai bút muộn năm Tân Sửu.

Giao thừa năm nay không có pháo hoa. Tôi cùng vợ chạy xe máy ra đường định bụng sẽ ở ngoài đón giao thừa như thường lệ xem nếu không có pháo hoa thì giao thừa sẽ như thế nào. Rốt cuộc chẳng có điều gì khác biệt nhiều so với những đêm khác. Có chăng đường cũng đông hơn mọi ngày, hầu hết là thanh thiếu niên. Đường phố về đêm vui hơn bởi tiếng gọi nhau ý ới, tiếng cười đùa vô tư, thỉnh thoảng vang lên vài tiếng nẹt bô của đám choai choai. Vòng xe vào khu quảng trường, thì thấy các quán nước, quán đồ ăn vặt đang đông nghịt khách. Cũng vẫn là thanh niên. Sân quảng trường rộng, với một bên là sân xi măng rộng rãi và một bên là những ô cỏ vuông với một vài hồ nước nhỏ có vòi phun. Nơi đây, buổi tối thường ngày là nơi tập trung của các gia đình với con nhỏ. Nhưng tầm giờ này không có đứa trẻ nào chạy chơi và những bà mẹ chạy theo lo lắng vòng quanh những hồ nước nữa. Vẫn là thanh thiếu niên mà thôi. Thành phố Bắc Giang gần đêm giao thừa không có khái niệm về giãn cách, một số đình, chùa đã tấp nập khách đến với hàng dài xe máy và oto, tất cả chờ đợi giây phút giao thời để dâng lễ, cầu may. Quán xá chật kín người, cười nói ồn ào. Nhưng đêm 30 năm nay khác với đêm 30 mọi năm, người dân không chen chúc ra đường đợi ngắm pháo hoa, không có những lời chúc mừng năm mới của những người xa lạ. Không có pháo hoa, giờ phút giao mùa có lẽ đất trời không có nhiều thay đổi. Vẫn là những giây phút ấy, chỉ có hai chúng tôi dừng lại để cảm nhận thứ không khí se lạnh này và lục tìm trong năm cũ những niềm vui để kể cho nhau.

Thành phố Bắc Giang có một con phố nhỏ, chỉ dài chừng 200m, gọi là phố đèn lồng. Dây điện được mắc ngang trên những cành cây hai bên vỉa hè. Cứ cách khoảng hai mét là có hai hoặc ba chiếc đèn lồng sáng màu vàng đỏ ngang qua phố. Mỗi cây cũng rực sáng từ những bóng đèn nhỏ được quấn quanh thân và trên cành. Cả con phố rực rỡ màu sắc đủ loại, đúng với không khí của lễ hội. Vẫn là những thanh niên, trai gái trong đó có cả chúng tôi vào đây chụp ảnh, check – in hoặc ghé vào một quán trà sữa hay cà phê nào đó ngồi tám chuyện. Cố gắng đi tìm một cái gì đó của đêm giao thừa đưa chúng tôi đi vào đây một cách tình cờ, và lúc này tâm trạng của tôi cũng bắt đầu háo hức trở lại như những ngày giáp tết vừa qua. Không có pháo hoa cũng thật tốt, tôi sẽ về đón giao thừa cùng gia đình thay vì ra ngoài đường như mọi năm.


Có một vài năm, tôi viết khai bút đầu xuân. Nhưng hình như luôn chung một tâm trạng thì phải. Những ngày tết qua đi cùng với những niềm vui và nụ cười, để rồi còn lại đó trong tôi sự tiếc nuối. Phải một năm nữa tôi mới lại được đón tết, được vui cười và quên đi những muộn phiền. Tôi nhớ rằng mình đã từng đạp xe hay phóng xe máy đi quanh thành phố, đi đến những vùng nông thôn để cảm nhận chút hương vị còn lại của ngày tết. Có những năm tết thì nắng chang chang, có những năm tết thì trời lạnh, nhưng tựu chung tâm trạng còn lại là như nhau. Có lẽ năm nay tôi cũng đã lớn hơn, cũng biết rằng tết đến đơn giản chỉ là niềm tin mà con người dành cho nhau. Chẳng có nhiều dịp để gia đình đoàn tụ, bạn bè quây quần, và cũng chẳng có mấy dịp con người quên đi những vất vả mà trao nhau niềm vui ngày năm mới. Trong một năm, có rất nhiều những niềm vui khác nữa, đâu chỉ có mỗi riêng ngày tết. Tôi cũng hiểu rằng, chỉ khi tôi tận hưởng giây phút này thì sẽ chẳng có nỗi buồn hay sự tiếc nuối nào cả.

Hơn nữa, việc có người vợ bên cạnh đã thay đổi suy nghĩ của tôi nhiều hơn. Việc phải chia sẽ những ngày tết ở bên nội và bên ngoại khiến cho tôi cũng được trải nghiệm nhiều hơn những niềm vui khác nhau. Ngồi quây quần bên bữa ăn, chúc nhau những chén rượu, ly bia, cuộc sống vô tư ở vùng quê của vợ cũng là một sự thú vị. Suy nghĩ của tôi cũng không còn bị bó hẹp, tôi chịu khó dắt xe ra đi ra ngoài thăm thú nhiều hơn, trải nhiệm những điều hấp dẫn mà trước khi lập gia đình tôi không hề có. Và vợ tôi, một cô gái vô tư, vui tươi như một mảnh ghép mà tôi đang thiếu. Cô gái ấy mang đến thứ không khí mới xóa đi những nỗi buồn vu vơ mà tôi hay có. Quả thật, tôi cảm thấy mình thật may mắn.

Khi ta xa nhà, ta chỉ muốn trở về. Nhưng ở nhà mãi, ta lại muốn ra đi. Sự thật cứ trớ trêu như vậy. Nhưng điều trớ trêu ấy kỳ thực lại tạo nên những niềm vui và hạnh phúc trên con đường mà ta đã chọn. Tất cả là những khoảnh khắc, là những kỷ niệm mà ta không bao giờ quên. Chỉ cần ta muốn trở về, chỉ cần ta muốn đi đâu đó và cứ thế ta đi và rồi lại trở về. Cứ như vậy, nhà trở thành một tổ ấm mà không niềm hạnh phúc nào bằng việc được trở về nhà.

Tết đến với cây đào, bánh chưng, ly rượu vang…, nhưng Tết quan trọng hơn là khoảng thời gian đầu năm mà con người trao đến nhau niềm tin bằng những nụ cười và lời chúc.

Chúc tất cả mọi người năm mới Tân Sửu mạnh khỏe, hạnh phúc và bình an.

 

Cuộc sống tươi đẹp (2)

 


Vậy làm thế nào để tìm ra hạnh phúc đây, các triết gia lại có một nhận định: hạnh phúc là khi tìm thấy được ý nghĩa cuộc sống. Cha mẹ nào cũng kêu ca phàn nàn về việc chăm sóc và nuôi dạy con cái. Nhưng rốt cuộc các bậc phụ huynh đều có chung một kết luận rằng con cái chính là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời họ. Như vậy họ đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của mình trong việc nuôi dạy con cái, cũng giống như việc hạnh phúc là khi người nhận thấy cuộc sống ý nghĩa và đáng giá. Giống như một người trung đại sống trong khốn khổ, đói kém nhưng luôn tin vào cuộc sống tươi đẹp ở thế giới bên kia, vì thế họ cho rằng cuộc sống của họ là có ý nghĩa. Hay một nhà khoa học tin rằng ông ta đã mang lại tri thức cho cả thế giới mà tự cảm thấy hạnh phúc về một cuộc sống xứng đáng. Nhưng tất cả sẽ rơi vào tàn lụi và lãng quên nếu niềm tin xã hội hiện tại thay đổi hay một phát kiến mới được tìm ra. Tất cả nhưng ý nghĩa mà con người nhận thấy đều là một niềm tin tưởng tượng chung của một tập thể. Sống xa rời tập thể, tự bản thân cá nhân con người sẽ cảm thấy mình vô nghĩa. Cuối cùng ý nghĩa cuộc sống lại là một sự ảo tưởng do sức mạnh của niềm tin tập thể cho đến khi ảo tưởng đó sụp đổ để rồi niềm tin khác lại được xây dựng lên.

Cuối cùng, có người nói rằng, hạnh phúc không đến từ ngoại cảnh mà nó đến từ bên trong chính mình: Hãy sống một cuộc sống tự do, hãy quan tâm đến cảm xúc. “Những gì tôi cảm thấy tốt – thì nó sẽ là tốt, những gì tôi cảm thấy xấu – thì nó sẽ là xấu”. Vì thế chủ nghĩa tự do thời hiện đại có vẻ như là niềm tin thần kỳ để mỗi cá nhân có thể chạm đến được hạnh phúc. Nhưng con người sẽ sống trong sự rối loạn của những cám dỗ. Quan hệ tình dục bừa bãi, sử dụng chất kích thích, giết người, gian lận… tất cả sẽ kéo mọi thứ đi xuống thay vì loài người cùng nhau hạnh phúc. Khi đó, cám dỗ sẽ nắm quyền lực và là một điều nguy hiểm. Vì thế xã hội vẫn cần phải được chính phủ kiểm soát. Vậy hạnh phúc đến từ bên trong không nên bị hiểu sai là các phản ứng hóa sinh hay việc ra ý nghĩa cuộc sống hay sống thả phanh theo cảm xúc, mà đó là “hãy hiểu chính mình” nhưng các tôn giáo đã nói đến. Trong đó Phật giáo chính là tôn giáo đang được mọi người hướng đến thông qua phương pháp thiền định.

“Hiểu chính mình” chính là câu thần chú tuyệt diệu nhưng không phải ai cũng có thể tiếp nhận được hết. Bởi hầu hết mọi người không ai hiểu chính mình. Con người sa lầy trong mớ hỗn độn giữa cảm giác dễ chịu, đau khổ, lo lắng, tức giận để rồi tự định nghĩa lên con người mình. Chúng ta sống chủ yếu trong một cuộc đuổi bắt vô tận sự sung sướng và kèm theo bên mình tâm trí không bao giờ thỏa mãn. Vì thế, điều ngược lại lại bao trùm lên cuộc sống của chúng ta: sự bất mãn, căng thẳng. Như vậy “hiểu chính mình” chính là sống với hiện tại: chấp nhận những cảm xúc: niềm vui, nỗi buồn, giận dữ, ham muốn như chúng vốn là. Dừng thèm khát và theo đuổi, bởi không sinh sẽ không có diệt, không có khoái cảm sẽ không có trống rỗng. Điều đơn giản là sống cho hiện tại thay vì mơ mộng vào tương lai. Theo quan điểm của Phật giáo, hạnh phúc độc lập với điều kiện bên ngoài và cũng độc lập với chính bên trong con người. Càng gán cho xúc cảm những cái nhãn như dễ chịu hay khó chịu thì còn người sẽ lại càng khổ tâm. Như vậy “cái biết về chính mình” không phải là suy nghĩ, cảm xúc, sự thích hay không thích mà là sự kết hợp giữa tâm trí và cơ thể để chú tâm và chấp nhận hiện tại này đang diễn ra như là nó vốn vậy.

Cũng như ta đang ngồi trên bờ biển, hãy tận hưởng những ánh nắng, những cơn sóng và hãy đứng vững trong bão tố với sự tập trung nhất quán tâm trí và cơ thể. Đó chính là buông bỏ tất cả và sống với hiện tại, vốn chìa khóa của hạnh phúc.

  

 

Cuộc sống tươi đẹp (1)

 


Thử tưởng tượng về một người đàn ông đang ngồi trên bờ biển. Bãi cát vàng trải dài trong nắng, nhưng lại trở nên xám xịt lầy lội vào ngày mưa gió. Những con sóng nhẹ nhàng xô bờ ngày đẹp trời bỗng đục ngầu trong cơn giông bão. Nhưng người đàn ông đã quên mất mục đích của mình ở đây. Anh ta cố gắng đón lấy những con sóng tốt, cố nắm giữ lấy chúng, rồi lại cố gắng chạy càng xa càng tốt hay xua đi những con sóng xấu. Vì thế người đàn ông bắt đầu lo lắng rằng liệu những ngày êm ả có còn ở đó không và rồi khi nào anh ta sẽ phải đối mặt những ngày mưa gió. Những con sống dù tốt hay xấu, chúng vẫn cứ xô đến và rồi rút đi như lẽ thường tình, những bãi cát sẽ cứ khô ráo óng ả và rồi lầy lội bẩn thỉu như nó vẫn vốn thể. Và rồi người đàn ông cứ cố gắng giữ lấy những điều gì tốt nhất nhưng rồi nhìn lại, lại chẳng có gì ở lại trong bàn tay mình. Vì thể, bên bờ biển ngày đẹp trời này, anh ta vẫn thấy buồn bã và lo lắng. Rốt cuộc chẳng còn đâu thời gian để tận hưởng nữa.

Các chính trị gia luôn tìm mọi cách đo lường hạnh phúc của con người bằng hàng loạt các câu hỏi, hay những chỉ số về nhịp tim hay huyết áp… Từ đó họ để ra những chính sách để cuộc sống người dân trong quốc gia mình luôn được đầy đủ, và họ có thể được hưởng những phúc lợi tốt nhất. Nhưng nếu như so sánh mức độ hạnh phúc của một người hiện đại và một người thời trung cổ, thì một sự thật đáng ngỡ ngàng rằng, mức độ hạnh phúc vẫn như nhau. Một người sống trong trong một căn hộ chung cư ấm áp, có đầy đủ tiện nghi, với ban công mở tầm nhìn ra những tòa nhà cao tầng phía trước; còn một người nông dân thời trung đại với mảnh ruộng và túp lều tranh vách đất, đủ để anh ta tránh được mưa nắng và cánh cửa duy nhất nhìn ra ruộng đồng với những cây lúa đang kỳ trổ bông; liệu ai sẽ là người hạnh phúc hơn ai. Hơn bao giờ hết, người hiện đại có một niềm tin về chuẩn mực hạnh phúc khác với người trung đại, một bên có nhà, có xe, có công việc thu nhập cao và một bên là cuộc sống đủ ăn, có tích lũy đủ lương thực và mùa màng bội thu. Những niềm tin về hạnh phúc mỗi thời là khác nhau, con người vốn đã có rồi lại muốn nhiều hơn nữa với nỗi thèm khát vô tận. Rốt cuộc chính quyền có làm gì đi nữa thì mức độ hạnh phúc của con người là vẫn không thay đổi, thậm chí người nghèo bắt đầu ghen ghét với người giàu. Xã hội hiện đại, cộng đồng đã trở thành một quốc gia chứ không còn là một cộng đồng riêng lẻ nữa. Điều đó nói lên rằng, ngày xưa ở những cộng đồng riêng lẻ ít người, nơi con người sống cả đời trong đó, sự so sánh trở nên rất đơn giản. Một cô gái sẽ chỉ lo lắng rằng mình không thể xinh đẹp hơn mười cô gái còn lại trong cộng đồng, sự cố gắng nỗ lực của cô gái nằm trong bàn tay cho phép. Nhưng trong cộng đồng hàng triệu người, cô gái hiện đại phải vươn tới chuẩn mực của những ngôi sao, thì những nỗ lực dù có cải thiện hơn cũng không bao giờ khiến cho cô ấy bằng lòng với chính mình. Vì thế, tiền bạc vật chất có thể khiến con người hạnh phúc trong chốc lát để rồi phía sau đó lại là khoảng trống để những lo âu, phiền muộn về những khao khát mới lại lấp đầy. Bởi xét cho cùng, cái gì đã thành thông lệ thì nó không còn gì đặc biệt cả. Có người nói hạnh phúc là hài lòng với những gì mình đang có, nhưng chẳng mấy ai làm được.

Các nhà sinh học đã có những phát hiện gây sốc. Theo họ, chính những hợp chất sinh hóa trong cơ thể như: serotonin, dopamine và oxytocin cùng hệ thống phức tạp các dây thần kinh và các nơ ron là nhân tố tạo nên cảm giác dễ chịu và khó chịu. Như vậy, hạnh phúc chính là khi con người cảm thấy dễ chịu và vui sướng. Nhưng trớ trêu thay, hạnh phúc lại dao động lên xuống như một biểu đồ hình sin. Lý do là vì quy luật chọn lọc tự nhiên, vốn được tự nhiên áp dụng để tạo nên sự cân bằng, tức là con người sẽ không quá hạnh phúc và không quá đau khổ. Điều này có vai trò quan trọng trong việc khiến cho con người vì say mê vào việc này mà quên mất việc khác gồm việc ăn khi đói và uống khi khát. Giống như một chiếc điều hòa, luôn cố gắng tăng giảm để nhiệt độ trong phòng luôn ở mức vừa phải và mỗi cá nhân có một mức vừa phải riêng. Con người từ xa xưa đến nay dù khác nhau về hoàn cảnh sống nhưng vẫn có chung một mức thang cảm giác đó. Đó là vì người hiện đại không thể chịu đựng nổi sự đau đớn và đói khát giống như người trung đại, bởi khả năng thích nghi mỗi thời khác nhau. Điều đó lý giải vì sao một người hiện đại và một người trung đại lại có mức độ cảm giác dễ chịu và đau khổ như nhau. Như vậy, để kéo dài cảm giác dễ chịu, con người chỉ còn một cách là tác động vào quá trình sinh hóa bên trong mình bằng việc dùng chất kích thích hoặc dùng thuốc. Nhưng đó là con dao hai lưỡi và chắc chắn không phải là giải pháp sáng suốt.

Đã lâu rồi tôi không đọc một cuốn tiểu thuyết…


Thực ra là một cuốn tiểu thuyết đúng nghĩa theo ý tôi. Những tiểu thuyết trinh thám, dường như nó cần sự logic, lý trí, sự lạnh lùng, tỉnh táo… nhưng có vẻ nó không mang lại cho tôi nhiều hơn những ấn tượng sâu sắc. Những ấn tượng giống như một vài cuốn sách nào nhỉ? “Bụi lý chua máu”, “triệu phú khu ổ chuột”, “lá rơi trong thành phố”,… Nhưng những điều sâu sắc để lại cho độc giả, chúng cũng cần một hoàn cảnh nhất định. Có những nỗi buồn và kể cả niềm vui nào đó mà chỉ có người đó cảm nhận, khi người đó đóng cánh cửa lại và sống với chính mình. Vì thể chúng có một dẫn nhập dễ dàng và đơn giản để đi được vào trái tim anh ta.

Sự cảm nhận chỉ sâu sắc khi nó được kết hợp với không gian yên tĩnh, giản đơn và điều không thể thiếu, đó là một lỗ hổng nào đó trong tâm hồn. Chính lỗ hổng hay sự thiếu sót đó là nơi mà cảm xúc sẽ lấp đầy. Một cốt chuyện ý nghĩa nhưng nếu thiếu đi một công cụ cốt yếu thì cũng không thể tạo nên xúc cảm. Đó chính là ngôn ngữ và văn phong. Ngôn ngữ tạo nên xúc cảm không giống như ngôn ngữ triết học, vật lý học hay các ngành khoa học khác. Nó có những nhịp điệu riêng, khi nhanh, khi chậm, và đến những lúc cao trào thì tự nó đã bộc lộ hết sức mạnh của mình: chúng ta sẽ hụt hẫng, sẽ cười ha hả hoặc rơi nước mắt. Và không hiểu từ lúc nào, chúng ta đang trải nghiệm chính cuộc sống ấy, khóc và cười y như mình là nhân vật chính. Cuối cùng thì khi gập cuốn sách lại, những điều ta vừa đọc, chúng đã trở thành một kỷ niệm. Lúc nào đó trong cuộc sống ta gặp phải hoàn cảnh như vậy, ta biết một điều gì đó quan trọng, hình như mình đã từng trải qua nó rồi thì phải?

Có nhiều cuốn sách mang lại cho ta kiến thức, thỏa mãn trí tò mò, hay giúp ta có những kỹ năng sống tốt hơn nhưng chúng vẫn là chưa đủ. Người đọc cần trải nghiệm những điều sâu sắc hơn, bởi bất cứ ai trong sâu thẳm đều có thiếu sót. Vì thể mà tiểu thuyết vẫn luôn phát triển mạnh mẽ như vậy. Hãy bỏ qua những cuốn tiểu thuyết trinh thám hay giải trí, có những cuốn tiểu thuyết không bán chạy nhưng nó lại mang theo trong mình năng lượng thay đổi. Chúng đánh thức trong người đọc những xúc cảm đã ngủ quên, từ đó họ sống với niềm cảm thông, với niềm vui được khơi dậy và biết quên đi những nỗi buồn. Chỉ có cảm xúc mới khiến con người nhớ mãi, sống với lòng biết ơn và cảm thông.

Đọc tiểu thuyết vẫn bị coi là ủy mị, là việc vốn chỉ có phụ nữ hay làm. Đó là điều sai lầm, chính vì niềm tin sai lầm đó đã khiến cho bao nhiêu cuộc đời không thể thay đổi, bao nhiêu xúc cảm yêu thương bị bỏ quên. Người ta mải tìm chân lý rồi lại quên đi những điều sâu thẳm trong chính mình. Tại sao ta cứ phải tranh đấu với cuộc sống, trong khi niềm hạnh phúc là ở trong chính mình?

Đã lâu rồi, tôi không đọc tiểu thuyết. Có lẽ chính vì thể mà cuộc sống của tôi thiếu đi khoảng lặng, và cứ thể, tôi bắt đầu xa rời với chính mình, xa rời những người xung quanh.

YÊN TỬ

"Cõi trần vui đạo cứ tùy duyên,

đói bụng thì ăn mệt ngủ liền

Báu vật trong nhà thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm khỏi hỏi thiền."

                               - Phật Hoàng Trần Nhân Tông -

“Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ” do một họa sư người Việt hay Trần Giám Như người nhà Nguyên vẽ đến nay vẫn chưa đi đến thống nhất. Nếu như theo dõi trên Wikipedia thì những lời bình của các danh sĩ đương thời không hề nhắc đến Trần Giám Như, đơn giản chỉ có một con dấu lạc khoản ghi tên ông được đóng lại trước khi được đưa vào cung nhà Thanh. Hoặc cũng có khi ông và họa sư người Việt vô danh ấy là một. Cũng giống như nhiều vấn đề lịch sử, câu chuyện xung quanh danh tác này vẫn đang bị phủ lên một màn sương mờ. Trong tranh thể hiện Thượng hoàng Trần Nhân Tông trong bộ trang phục của một vị sư, tai to, mày dài, tay lần tràng hạt. Thần thái bình an của ông đã toát lên vẻ đẹp yên bình cho cả bức họa. Trong đoàn chào đón có vua Trần Anh Tông cùng quan văn võ và đội tùy tùng đông đảo. Bức họa theo phong cách thủy mặc của Trung Hoa với không gian gồm mây núi và những cây cổ thụ - vốn là cây tùng đặc trưng trong quần thể lăng, chùa và rừng quốc gia Yên Tử.



Chùa Hoa Yên trầm mặc giữa lưng chừng núi. Từ sân chùa nhìn lên thì thấy vào mùa này mây mù đã phủ kín cả đỉnh núi. Tuyến cáp treo liên tục lên xuống và biến mất vào trong màn mây trắng xóa. Từ sân chùa có thể nhìn ra xung quanh bốn bề rộng mênh mông, được bao quanh bởi rặng núi nhấp nhô, bên phải và bên trái được phủ xanh bởi rừng cây thuộc khu bảo tồn rừng quốc gia Yên Tử. Phía trước chùa có những cây đại, cây tùng tuổi đời hàng trăm năm. Có lẽ khi vua Trần Nhân Tông giảng đạo, ngài đã thấy mây giăng xung quanh mà đặt tên chùa là Vân Yên. Rồi khi vua Lê Thánh Tông đến thưởng ngoạn, có nhiều hoa, nhiều mây mà vua cho trùng tu và đặt tên là Hoa Yên. Để đi lên chùa, chúng ta sẽ đi qua và dừng chân lại ở tháp tổ Huệ Quang. Tháp do vua Trần Anh Tông và Đệ nhị Tổ Pháp Loa cùng các tăng môn Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xây dựng vào năm Kỷ Dậu (1309). Tháp có năm tầng, tầng một có tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông - vốn là vị vua sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Tháp tổ có chứa bên trong xá lợi của ông. Khu vực lăng được trùng tu vào thời Lê. Vẫn còn đó bệ đá vân mây được lưu giữ từ thời Trần. Nếu bỏ qua cáp treo, tiếng nhạc, những đồ lễ vật hay những vị khách khác, ta như đang sống trong thời điểm cách đây 700 năm. Một thời điểm với niềm tự hào đang cao ngất sau hai lần chiến thắng giặc Nguyên Mông, khi mà hào khí Đông A vẫn đang hừng hực khắp giang sơn. Hãy yên lặng để có thể hít thở bầu không khí cổ kính, lắng nghe và tưởng tượng cuộc sống của xưa kia.



Cần đi thêm khoảng 500m nữa để đi đến tuyến cáp treo thứ hai. Đây là tuyến cáp sẽ đưa bạn đến lối đi lên chùa Đồng, vốn nằm trên đỉnh núi Yên Tử. Đúng như nhìn thấy ban đầu, tuyến cáp đi thẳng vào làn mây vốn đã phủ kín đỉnh núi. Du khách không thể nhìn ngắm xung quanh vì mây mù trắng xóa bao trùm. Xuống đến nơi, ta có thể trực tiếp chạm vào mây, hít thở thứ không khí mát lạnh mà dưới đồng bằng không thể có được. Từ đây mây sẽ theo bạn đi đến tận đỉnh núi. Đến gần với tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, bạn sẽ đi qua tượng cổ An Kỳ Sinh. Nghe nói tượng cổ đã đứng ở đây hàng nghìn năm, tượng có dáng một đạo sĩ đang chắp tay, trải qua năm tháng tượng đã mòn, rêu phủ lên nhiều. Không rõ tượng do bàn tay con người tạc hay do tự nhiên tạo ra rồi ai đó đã dựng lên. Cái này bạn có thể lên google tìm kiếm thêm thông tin, sẽ có khá nhiều truyền thuyết bí ẩn xung quanh. Đi đến những bậc thang rộng, thấp thoáng trong sương mù là bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông – một bức tượng đồng nguyên khối, cao hơn 12m, đã được ghi vào kỷ lục Châu Á. Sương mù càng làm nổi bật lên sự uy nghi của Phật Hoàng, như Đức phật trên những tầng mây nhìn xuống thế gian. Lối đi lên bắt đầu hiểm trở hơn, càng lên cao sẽ không còn những bậc đá an toàn nữa, thay vào đó là những phiến đá lớn lởm chởm, những bậc nhỏ được con người tạo ra để du khách có thể đi lên dễ hơn, nhưng vẫn phải cẩn thận. Thời tiết mây mù ẩm ướt nếu đi những giày đế trơn rất dễ bị trượt ngã. Và rồi chùa Đồng hiện ra trên đỉnh núi. Ở đây có thể nhìn thấy Bắc Giang ở phía tây nhưng xung quanh đã trắng xóa một màu rồi. Chùa Đồng trước là một am thờ nhỏ được đúc bằng đồng từ thời Lê – Trịnh, tuy nhiên đã bị gió bão quật đổ. Chùa hiện tại mới được làm gần đây, cũng được đúc bằng đồng nguyên khối và cũng là chùa bằng đồng lớn nhất Châu Á. Hai bên chùa có quả chuông và khánh đồng. Ở độ cao hơn 1000 mét này, trời lạnh hơn rất nhiều, mưa cũng bắt đầu rơi như mưa phùn ở dưới đồng bằng, nếu không đội mũ, nước sẽ động lại như sương tuyết ở trên tóc. Ở trên đỉnh núi, xung quanh chỉ là màu trắng xóa, dưới chân là thấp thoáng những phiến đá lô nhô. Nhưng đây hẳn là trải nghiệm mới mẻ và thú vị đối với những ai chưa từng leo núi đến độ cao này.



Khi đi xuống du khách nên cần thận nhìn vào biển chỉ dẫn. Đi qua tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông  sẽ có 3 lối đi. Một lối chéo bên phải, một lối đi thẳng và một lối rẽ trái. Tuy nhiên biển chỉ dẫn chỉ có 2 mũi tên là đi thẳng và đi chéo nên du khách khá dễ nhầm với lối đi xuống bộ và lối đi về trạm cáp treo (thực tế là mình đã bị nhầm). Thực ra đi cáp treo sẽ đỡ mệt, nhưng ta lại mất đi cái thú “tắm rừng”. Đi bộ, đi qua rừng trúc, rừng tùng với những bậc đá cũ hay bắt gặp rễ cây lớn nổi trên mặt đất, sẽ mang lại những tưởng tượng thật hơn về cuộc sống những vị sư ngày xưa. Từ đó mới hiểu ra được phần nào rằng tại sao trường phái thiền trúc lâm lại được sáng tạo ra từ đây mà không phải nơi nào khác. Thiền viện trúc lâm hay còn gọi là chùa Lân, tên chữ là Long Động Tự, chùa được vua Trần Nhân Tông tôn tạo năm 1293, từng là một chùa lớn, khang trang để nhà vua đến đây giảng đạo, độ tăng. Chùa bị phá hủy thời chống Pháp, chỉ còn 23 mộ tháp cổ vẫn còn nguyên vẹn. Chùa được tôn tạo, xây dựng lại vào năm 2002 với sự khởi xướng của hòa thượng Thích Thanh Từ, Viện trưởng thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Trong sân chùa có quả cầu lớn có tên là Như ý báo ân Phật, được ghi nhận kỷ lục là quả cầu đá hoa cương lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó chùa có cây đa cổ thụ 700 năm tuổi, cành lá xum xuê, bên cạnh là phòng trưng bày một số mẫu vật khảo cổ như gạch ngói, bát, tượng rồng, một số công cụ sắt… từ thời Lý, Trần, Lê rất giống với những cổ vật ở Hoàng Thành Thăng Long. Có một hình ảnh ấn tượng là lũ chim bồ câu xà xuống mổ thóc dưới gốc cây đa cổ thụ. Ánh nắng buổi sáng xuyên qua những tán lá cây, khiến cho cảnh tượng lung linh, có lẽ đã quen thuộc từ hàng trăm năm nay. Một chú chim bồ câu đi theo vị sư thầy vào trong chánh điện, cái đầu ngúc ngoặc, chân đi mạnh mẽ đầy tự tin. Hình ảnh tạo một cảm giác yên bình kỳ lạ mà bất cứ ai cũng cảm thấy trong lòng. Ngoài ra có một điều khá thú vị là bức tượng Bồ Đề Đạt Ma quảy phía sau lưng một chiếc giày. Không nhiều người biết được lý do tại sao (lại lên Google nhé), chỉ biết một chiếc khác được thờ tại chùa Thiếu Lâm ở Trung Hoa theo như truyền thuyết.

Người Việt có nhiều danh sĩ tài giỏi, nhưng những thư cảo, tác phẩm đều bị tàn phá hoặc bị giặc Minh cướp mất. Bởi hầu hết những lời bình đều là các danh sĩ thời nhà Minh, nên liệu có thể làm tăng thêm tính tin cậy cho giả thiết rằng tác giả là một người Việt, bức tranh được vẽ vào thời của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông rồi bị lấy đem sang Trung Quốc trong thời kỳ giặc Minh đô hộ? Hoàn toàn có thể.  Năm 1922, Vua Phổ Nghi – vị vua cuối cùng của triều nhà Thanh đã bí mật tuồn ra hơn 1300 bảo vật trong đó có bức họa, đến năm 1949, bức họa mới được đem về lưu trữ tại bảo tàng Liêu Ninh. Năm 2012, bản phục chế của bức họa được bán với giá 1,8 triệu USD. Vậy là lịch sử đã đi qua được gần 700 năm, những gì còn lại xung quanh vị vua yêu nước và anh minh trong lịch sử vẫn còn lưu dấu vết trên núi Yên tử hùng vĩ, và Ngài vẫn còn hiện lên sinh động với thần thái yên bình trong bức tranh vô giá mà hậu thế đang được chiêm ngưỡng.  

cảm xúc ngày đầu tuần

Sáng thứ hai, bầu trời vẫn âm u như những ngày trước. Bất chợt một tia nắng hiếm hoi chiếu tới rồi nhanh chóng bị những đám mây ...