Biển đêm

Chờ đợi, có gì để chờ đợi
Thời gian vẫn trôi, lòng cũng vơi
Tay chèo vẫn vững nơi mù khơi
Sao chờ cơn gió hướng chân trời?

Lang thang bờ Hồ

Từ lâu rồi tôi đã thích đi lang thang, và giờ cũng vẫn thế. Phố đi bộ bờ Hồ trưa thứ 7 vắng vẻ, chỉ lác đác vài người qua lại. Cảm giác như đây là cả thế giới của riêng mình, ta có thể bay nhảy hò hét thoải mái.


Thực ra đã lâu lắm rồi tôi mới ra bờ Hồ vào lúc trưa thứ 7 như thế này. Đó là khi hội thảo về khơi dòng văn hóa Việt thế kỷ 18-20 ở trung tâm văn hóa nghệ thuật Pháp kết thúc. Tôi đã biết được nhiều điều về lịch sử văn hóa Huế, về dịch thuật, về những người Pháp đã từng sinh sống ở Huế từ thế kỷ 19. Tôi tự hỏi, tại sao không có nhiều người Việt viết về cuộc sống của chính mình trong lịch sử từ những thế kỷ trước. Tại sao lại là những người Pháp vốn mang trong mình tư tưởng thực dân viết về chúng ta? Có thể những người phương Tây họ sẵn sàng viết những gì mắt thấy tai nghe, những suy nghĩ của chính bản thân họ về xã hội Việt Nam lúc bấy giờ mà không hề bị những tư tưởng khác khống chế, hay lo sợ sẽ bị tù đày khi có một vài tư tưởng lầm lạc. Phải chăng đó là sự tự do vốn có của người phương Tây dám đi ngược lại với định kiến hay lối mòn suy nghĩ để tạo ra một nền văn minh vượt trội?. Trong khi đó những người Việt viết lên ý nghĩ của họ qua sự ẩn dụ của thơ ca. Sự ảnh hưởng quá lớn về tư tưởng của đạo Khổng, chữ Nho, nền văn hóa Hán hóa đã sói mòn đi sự tự do sáng tạo và khiến cho nền văn minh của chính người Việt đi xuống. Rồi cuối cùng, chúng ta bị phương Tây thôn tính dễ dàng cả về thực địa và lối sống.

Tuy nhiên đó chỉ là câu hỏi của tôi, một người của thế hệ ngày nay. Tôi không có ý trách móc thế hệ cha ông mình, bởi cách suy nghĩ cách đây 200 năm và suy nghĩ của bây giờ đã khác nhau hoàn toàn. Không thể phủ nhận rằng, chính bản thân tôi đã bị tây hóa, mặc dù tôi vẫn là người Việt. Ông cha ta đã hy sinh quá nhiều để cố gắng gìn giữ những truyền thống văn hóa cũng như bờ cõi của mình. Mỗi thời điểm lịch sử lại có đặc trưng và hoản cảnh riêng, và người Việt phải lựa chọn để đảm bảo cho sự yên ổn của đất nước và chính dân tộc mình. Các cuộc chiến tranh đã tàn phá đất nước quá nhiều và không có ai mong có thêm chiến tranh cả. Sự tranh giành ngôi báu, sự chiến thắng của kẻ mạnh, tất cả đều là những sự kiện lịch sử không thể tránh khỏi. Vì chính lịch sử đã lựa chọn những điều đó để những người xuất chúng xuất hiện và xoay chuyển đất nước sang trang mới. 

Thử hỏi một dân tộc bị Hán hóa (phụ thuộc vào Trung Quốc) thì liệu dân tộc đó còn có những nét riêng. Câu trả lời chính là ở những người dân bình thường, những người lam lũ, không biết chữ Hán. Đó là những người sống phía sau những lũy tre làng nơi mà "phép vua thua lệ làng". Họ không biết chữ Hán, họ không quan tâm đến đạo Khổng nhưng họ luôn một mực giữ gìn những văn hóa lề lối của chính làng quê nơi họ ở và rộng hơn là truyền thống của cả một vùng đất và hơn nữa là tư tưởng của cả một dân tộc. Nếu như những tầng lớp quan lại lúc nào cũng phải khổ luyện chữ nghĩa, thâm thúy Khổng giáo và Nho giáo, trung thành với minh quân để giữ cái ghế hay chờ đợi được thăng tiến, để rồi tự nhận mình là hậu duệ của "Hán nhân" mà không hề có chút xấu hổ. Thì những người dân, họ vốn chỉ quan tâm đến sự yên ổn làm ăn và cuộc sống no đủ của chính mình mà không quan tâm nhiều đến tư tưởng thâm thúy nào cả. Như vậy 98% người Việt khi đó không hề tự nhận mình là hậu duệ Hán nhân hay chấp nhận bị Hán hóa. Và điều đó giải thích cho cái nhìn sai lầm của các tác giả phương Tây khi viết về Việt Nam trong thời điểm lịch sử ấy. Việt Nam khi ấy không phải là Indochina, người Việt không phải là người An Nam. Người Việt không quan tâm đến cách gọi của Trung Quốc hay các đế quốc thực dân khác. Thậm chí chúng ta vẫn tự coi mình là con rồng cháu tiên với rừng vàng biển bạc, đất nước uốn lượn hình rồng. Người Việt chỉ quan tâm đến hòa bình tự do và sẵn sàng hy sinh tất cả vì điều đó.

Vì sao nhà Nguyễn thất bại dễ dàng trước người Pháp? Bởi nhà Nguyễn nắm giữ quyền lực khi chế độ phong kiến đang đến hồi kết thúc. Và chính vì họ cố gắng đi ngược lại quy luật nên đã không thuận với lòng dân. Những chiến binh người Việt ra trận rất dũng cảm nhưng chính họ lại là những người đàn áp nhân dân. Đất nước đã nghèo lại càng nghèo thêm vì sự thối nát của chế độ phong kiến và người dân cần những thay đổi lớn. Người Pháp đã mang nền văn minh của họ đến, những con đường, những cây cầu, hệ thống đường sắt, phân xưởng... đã làm đổi thay đất nước. Mặc dù ẩn sau đó là sự kỳ thị và bóc lột nô lệ tàn bạo có hệ thống của đế quốc thực dân. Trong khát vọng tư do dân tộc, các cuộc khởi nghĩa, phong trào cần Vương theo tư tưởng phong kiến đều thất bại và đến khi xuất hiện Nguyễn Ái Quốc với tư tưởng mới vượt trội, cuộc cách mạng đã thành công. Như vậy cuộc xâm lược của người Pháp cũng là một sự kiện tất yếu của lịch sử, và đường cách mệnh ra đời chính là một tất yếu khác để lịch sử bước sang trang tươi sáng.


Cuộc hội thảo có rất nhiều bạn trẻ có khi trẻ hơn tôi và các bạn sinh viên. Thật vui khi mối quan hệ Việt - Pháp vẫn khăng khít dù cho đã xảy ra những mâu thuẫn đã có trong lịch sử. Thật tiếc là thời gian có hạn để các bạn đặt ra nhiều câu hỏi hơn về những sự kiện trong lịch sử. Bởi đất nước 4 ngàn năm có quá nhiều quãng tối trong lịch sử khi những di tích, thư cảo đã bị thời gian và chiến tranh tàn phá. Và một điều tôi nhận ra rằng, chúng ta, những người Việt Nam ở mọi độ tuổi đều mang trong mình tâm tư của chính cha ông mình bao đời nay đó là khát vọng tìm về nguồn cội, tìm về với những bản sắc riêng mà dân tộc mình đã từng có. 

Lá rơi trong thành phố

Hôm nay tình cờ nhìn thấy cái tên Lê Xuân Khoa trên bìa sách một số cuốn của Osho và Krisnamurtin. Anh đóng vai trò là dịch giả. Nhưng cách đây cũng ngót 7-8 năm anh là tác giả của cuốn tiểu thuyết "lá rơi trong thành phố". Đây là một cuốn sách đã ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ của bản thân tôi khi đó. 


Cuốn sách giờ đã thất lạc đâu đó. Và tôi cũng không còn nhớ nhiều về nội dung của nó nữa. Chỉ nhớ rằng, đó là cuộc hành trình của nhân vật chính là thanh niên 30 tuổi. Câu chuyện mở đầu bằng giọt nước mắt của nhân vật chính ấy khi nhìn về quá khứ và hiện tại. Anh không có gì trong tay, không tình yêu, không tương lai. Anh đã quyết phải sống khác rồi lại buông mình thả trôi theo dòng đời.

Hà Nội hiện lên thật đẹp trong những trang viết của anh. Mình đã từng không yêu mà cũng không ghét Hà Nội. Ngoại trừ nơi đây gắn với quãng thời gian bắt đầu cuộc sống tự lập của mình. Từ một trang giấy trắng, đến trước khi đọc cuốn sách, tôi vẫn thấy mình là kẻ bị bỏ lại phía sau, trôi dạt trong nỗi thất vọng to lớn. Đúng rồi, mọi mong ước đều có thể tan vỡ theo cách nào đó. Và cuối cùng hóa ra không chỉ có tôi, còn có nhân vật chính ấy, bế tắc, buồn chán. Và thật đơn giản, tôi thấy mình trong đó và đã đọc cuốn sách một mạch chỉ trong một ngày, không bỏ lỡ từng câu chữ.

Nhân vật chính có những mối tình lỡ dở. Còn tôi khi ấy có một mối tình đơn phương với một cô gái học cùng lớp. Từ khi ra trường tôi chỉ là một gã lông bông không nghề nghiệp ổn định. Vì thế tôi không đủ tự tin để gặp lại cô gái ấy. Tôi nhớ tim mình đã đập mạnh như thế nào khi đọc thấy một lời hỏi thăm, hay chờ đợi một câu trả lời. Và tôi thấy mình đã rã rời như thế nào khi thấy bức ảnh cô gái mình thích ở bên người khác. Xét cho cùng đó cũng chỉ là tình đơn phương mà chỉ riêng mình tôi cảm nhận. Tổng hợp của những hoàn cảnh bế tắc khi đó khiến cho blog của tôi mang màu sắc u ám và buồn bã. Và tôi không còn ấn tượng gì với Hà Nội nữa cả. Nó giống như việc tôi phải bám trụ ở đây vì không còn một nơi nào khác chào đón tôi nữa. Ngay cả quê hương mình cũng đã từ chối những bản hồ sơ xin việc của tôi.

Nhưng Hà Nội trong trang sách của tác giả Lê Xuân Khoa lại thật thân thuộc. Và nó khiến tôi nghĩ lại về mọi thứ. Quả thật Hà Nội quanh tôi phía sau những dòng người tấp nập và bon chen cũng thật đẹp. Mùa thu lá vàng giăng lối, mùa đông cây bàng đỏ lá, mùa xuân se lạnh ngập sắc đào và mùa hè nắng chói. Kiểu như chỉ cần tĩnh lặng một chút thôi, bạn có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp ấy. Dảo bước đi trên vỉa hè ngắm nhìn dòng người qua lại cũng là một thú vui. Nhân vật chính tìm thấy được cuộc sống yên bình và một tình yêu chớm nở với một cô gái khác: giản dị, mộc mạc.

Hình như là một cái kết mở. Sẽ vấn đó những khó khăn phía trước, nhưng ít nhất đó là một cánh cửa mới tràn đầy những điều tích cực, những đam mê và tình yêu. Và cuối cùng chính sự dung dị mộc mạc của cuốn truyện đã khiến cho tâm hồn người đọc như được xoa dịu. Hiện tại tôi không thể tìm ra cửa hàng nào bán cuốn sách đấy nữa. Dù thế nào tôi tin rằng ngày ấy mình đã gặp may vì được đọc cuốn sách hiếm hoi dành cho chính mình vào chính thời điểm đó.

Phó ban sáng tạo.


Lần đầu tiên mình lên chức phó, không phải do chỉ định mà tự mình xung phong làm. Vậy nên chẳng có vẻ chẳng có gì đáng tự hào cho lắm.

"Bạn nào xung phong làm phó ban nào?"

Vị chủ tịch đưa ra câu hỏi trong cuộc họp với các nhân viên thuộc thế hệ 9x. Mình hẳn phải là người già nhất - một người có năm sing lấp lửng: ngày âm thì thuộc năm 89, ngày dương là đầu năm 90. Anyway, dù thế nào thì mình vẫn coa trong danh sách nhân viên 9x tham dự cuộc họp.

Ngay sau câu hỏi đó, bản thân mình đã có những lời thì thầm thúc giục: đây là chính là cơ hội để thay đổi, hãy giơ tay đi, hãy mạnh mẽ lên. Nhưng nhìn quanh, các bạn 9x làm quản lý và rất nhiều người giỏi đã có kinh nghiệm lâu năm đang im lặng, hoặc cúi mặt. Những người xung quanh, họ đang lo sợ điều gì để không giơ tay lên nhận nhỉ? Vị chủ tịch là người có rất nhiều ý tưởng và luôn thúc giục nhân viên phải nhanh chóng thực hiện ý tưởng đó. Vậy nên sẽ rất áp lực khi có người đứng đầu công ty luôn theo sát phía sau. Hoặc tất cả mọi người đều đang rất nhiều việc, nên họ không muốn gánh thêm một trách nhiệm nào nữa. Hoặc tất cả sợ, sợ không làm được việc, sợ bị va chạm với những sẽ bị phê bình, quở trách. Và còn một cái nữa, không ai muốn nổi bật. Ở tập thể, một ai đó làm khác đi, thì người đó có nguy cơ không được tập thể đó đón nhận như lúc đầu nữa ... Hoặc có thể tất cả đang chờ sự chỉ định, vì nếu có làm chưa tốt thì cũng là vì sếp bắt em làm, chứ em có muốn đâu. Vân vân và vân vân.


Mình từng nghe nói về vị chủ tịch khi làm tổng giám đốc đã từng tạo nên bão tố như thế nào. Nhân viên bị mắng chửi thậm tệ, ngay cả ấm chén cũng không bị thoát khỏi số phận bị vỡ vụn dưới nền nhà. Giờ ông theo đạo phật, chuyển lại vị trí CEO cho người khác. Trong thời gian làm việc mới hơn một năm, mình đã thấy ông làm được nhiều việc to lớn kể cả khi bị người khác phản đối. Vị chủ tịch đã công khai xin lỗi trước toàn công ty về những xử sự trong quá khứ, ông tự nhận mình đã điềm đạm hơn, yêu thương nhân viên toàn công ty hơn, và muốn mọi cá nhân đều có một tương lai tốt đẹp. Nhưng cũng như những người tâm huyết khác, mình biết sự đam mê, năng động luôn đi kèm với máu nóng. Và một khi đã nóng thì họ trở thành những người độc đoán, khắc nghiệt. Tự bản thân mình cũng có những lúc độc đoán, cục cằn như vậy.

Nhưng dù thế nào những điều đó không quan trọng. Quan trọng là mình cần thay đổi, cần bước ngoặt và cuộc phiêu lưu mới. Xét cho cùng, dù được 1 năm, nhưng mình vẫn là nhân sự mới. Khi vào đây, chẳng có gì ngoài tình yêu với sách và một niềm tin rằng mình sẽ đổi đời. Mình đã từ bỏ công việc, bỏ ngoài tai sự ngăn cản của vợ và người thân. Vì thế xét cho cùng thì cũng chẳng có gì để mất. Một năm qua mình cũng đã bắt đầu thấy bản thân có chút rệu rã, đặc biệt là sau ảnh hưởng của dịch covid, cũng như công việc bắt đầu nhàm chán hơn. Vậy đây chính là lúc để thay đổi bản thân rồi đó.

Vì thế, mình giơ tay và tự nhiên trở thành phó ban trước sự ngạc nhiên của mọi người. Có lẽ họ chờ đợi sự chỉ định và bắt đầu tiếc. Ý tưởng sáng tạo của một ai đó nếu được ghi nhận và đưa vào triển khai thì có thể làm nên những thay đổi to lớn. Vì thế đây là việc không hề đơn giản. Quan trọng hơn nữa là mình cũng muốn làm công việc đó và chấp nhận thử thách. Dù chưa có dự án nào, nhưng bước đầu mình cũng có thể tự hào về bản thân một chút chứ.

cảm xúc ngày đầu tuần

Sáng thứ hai, bầu trời vẫn âm u như những ngày trước. Bất chợt một tia nắng hiếm hoi chiếu tới rồi nhanh chóng bị những đám mây ...