Thành phố buồn

 

Thành phố buồn

Có một thời mà đối với tôi, thời gian là thừa thãi. Ngày đó tôi chỉ phải lo cho mỗi bản thân mình, hàng tháng bố mẹ chu cấp tiền, chỉ cần lo học hành, ăn uống đầy đủ, ngủ nghê điều độ. Nhưng rốt cuộc chẳng việc gì tôi làm ra hồn. Cuộc sống cứ thế trôi đi trong sự lông bông, buồn chán.

Tôi nhớ cách đây cũng hơn chục năm, vào một buổi tối Noel, tôi đã nhắn tin rủ một cô bạn gái đi chơi. Trời khá lạnh, phải dũng cảm lắm tôi mới dám gửi tin nhắn đó đi và chờ đợi. Một lúc sau, có tin nhắn trả lời. Cô bạn ấy nói có việc bận. Cũng không nằm ngoài dự đoán, nhưng vì vẫn có chút hy vọng nên lúc đó tôi vẫn thấy buồn. Mới mấy hôm trước tôi còn nghe lỏm được cô bạn ấy ngồi nói chuyện với nhóm bạn mình về việc không có anh nào để cùng đi chơi vào đêm noel.


Tôi hôm đó, tôi vẫn dắt xe máy ra ngoài và phóng xe đi lang thang trên mấy con phố trong Hà Nội. Trời rất lạnh, và tôi bị tắc đường trên phố Đội Cấn khi đi hướng về phía đường Lê Hồng Phong. Tôi định sẽ cứ thế đi thẳng ra Điện Biên Phủ, rẽ vào Hàng Bông và ra hồ Hoàn Kiếm. Nhưng mới hơn 7h tối mà phố Đội Cấn đã tắc đường như vậy rồi. Vậy nên sau khi cố nhích từng chút một đến ngã tư, tôi rẽ trái vào phố Ngọc Hà và rẽ vào hiệu sách Tiền Phong. Hiệu sách cũng chật kín xe, mặc dù có khoảng sân rộng ở phía trước. Tôi lại thay đổi kế hoạch một lần nữa, đi ra phố Hoàng Hoa Thám, tìm một quán phở và thưởng thức một đĩa phở xào – món ăn yêu thích của tôi, nhưng chỉ dành cho những hôm ngẫu hứng, bởi ngày đó, không phải lúc nào cũng rủng rỉnh tiền để ăn quán xá như vậy. Một tiếng đồng hồ trôi qua, tôi vẫn chưa biết cảm giác đi chơi đêm noel như thế nào. Chỉ biết cái lạnh của mùa đông, cùng những cửa hàng bán đồ phụ kiện, những ông già noel với túi quà sau lưng phóng xe máy đi trên phố, những cặp đôi ôm nhau ấm áp… tất cả tạo nên một không khí noel trong Hà Nội. Còn thời gian thì chẳng quan tâm đến điều gì cả. Nó cứ thế mà trôi thôi. Và tôi khi trở về nhà thì thay quần áo và mở bài “Thành phố buồn” của Đàm Vĩnh Hưng ra nghe. Sau đó tôi chui vào chăn và để đầu óc lang thang gặm nhấm một nỗi buồn vô hình mà đến bản thân mình chẳng thể gọi tên nổi.

Thành phố nào, nhớ không em

Nơi chúng mình tìm phút êm đềm

Thành phố nào vừa đi đã mỏi

Đường quanh co quyện gốc thông già…

Tôi cũng từng làm thơ, viết ra giấy với tất cả nỗi lòng chân thật và trong sáng nhất của mình. Nhưng rồi khi đọc lại, tôi lại xé chúng đi. Tôi sợ phải đối mặt lại, tôi sợ ai đó sẽ đọc được và nhận ra tâm can mình. Nhưng bồng bột và nông nổi, có lẽ chỉ có tuổi trẻ mới có thể, nhưng chính vì thế mà chúng tạo nên ý nghĩa. Khi mà giờ đây, tôi phải sống với sự bó buộc nhiều hơn, tôi cảm thấy mọi thứ trong bản thân mình đang mất dần ý nghĩa. Thật đáng buồn, nhưng phải chấp nhận là như vậy, tôi không còn là gã sinh viên của ngày ấy nữa, khi chỉ có mỗi bản thân để lo cũng không xong. Tôi đã không còn làm thơ với những xúc cảm dạt dào của tuổi trẻ, của tình yêu đơn phương mãnh liệt. Tất cả bay biến hết đi rồi.


Tuổi trẻ luôn tồn tại trong đó thứ tình cảm trong sáng. Ngày ấy, khi lần đầu tiên chỉ có tôi và cô bạn gái ấy (người mà tôi rủ đi chơi buổi tối noel). Tôi cầm ô, chạy đến che cho cô bạn ấy khi cô đang đi tới cổng ký túc xá. Trời mưa lâm thâm, chúng tôi xắn quần và lội qua những vũng nước và đi tới hành lanh khu ký túc xá sinh viên. Tôi nói rằng đó là thứ tình cảm trong sáng là bởi khi đó, tôi tin vào định mệnh, nhưng những bộ phim và những câu chuyện mà mình đã đọc, sẽ gắn kết tôi và cô ấy. Chúng tôi sẽ cùng nhau bước qua quãng thời gian sinh viên, sẽ là vợ chồng và hướng tới cuộc sống hạnh phúc, như gì nhỉ, phim “Hoa cỏ may”, “phía trước là bầu trời”, “xin hãy tin em”… Thật buồn cười là tôi đã nhìn cuộc sống tương lai qua những bộ phim như vậy. Đó chẳng phải là rất trong sáng không tì vết hay sao.

Một sáng nào, nhớ không em

Ngày chủ nhật ngày của đôi mình

Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa

Người lưa thưa chìm dưới sương mù…

Nhưng ít nhất, tôi đã có một “nàng thơ” ở trong tim mình. Nàng thơ mang hình hài của cô gái ngoài kia nhưng tính cách thì lại khác biệt. Tôi viết tất cả mọi thứ xung quanh nàng thơ ấy. Thật kỳ lạ, nó khiến tôi có được triết lý của riêng mình: làm mọi thứ mình muốn để không phải hối tiếc. Tôi đã làm, với tất cả sự nhiệt tình và bồng bột của mình. Giống như để cưa đổ cô bạn gái kia, tôi đã làm mọi cách mà mình có thể từ việc luôn nhận lấy phần thuyết trình về mình trong những buổi thảo luận, luôn đứng lên đưa ra quan điểm phản biện, chơi đàn, hát hò…cố gắng làm mình nổi bật nhất có thể. Dù kết quả là thất bại, tôi vẫn luôn muốn được ở bên để che chở và giúp đỡ cô bạn ấy mà không đòi hỏi đền đáp. Những cảm xúc của ngày xưa cùng sự vô tư ấy đến hiện tại tôi chẳng còn giữ. Hiện tại của tôi là sự khô khan, ích kỷ và tính toán. Thậm chí tôi chẳng còn triết lý nào cho cuộc đời mình cả.

Và vẫn khoảng thời gian ấy, những ngày cuối tuần, tôi dậy muộn và nằm co ro trong chăn. Ánh nắng mùa đông chiếu qua cửa sổ không khiến cho nhiệt độ bớt lạnh đi là bao. Tôi nghe bài thành phố buồn để thấy Hà Nội chẳng muốn níu giữ mình điều gì cả. Tương lai giống như những ngày đầy mây, u ám và mù mịt. Đành thả mình buông xuôi cùng thời gian vốn đang thừa thãi khi những ngày thi chưa tới.

Cho đến bây giờ, cũng đã một vài lần tôi gặp lại cô bạn ấy. Nhưng hiện tại đã không còn giống với những kỷ niệm cũ, bởi chúng vốn đã tươi đẹp trong suy nghĩ của tôi. Có một lần cách đây khoảng 5-6 năm, cô mời tôi đến dự sinh nhật, bởi tôi ở trọ cùng một người bạn trong nhóm bạn cả nam cả nữ của cô. Tôi đã vô cùng hồi hộp, và dành cả một tiếng đồng hồ để đến hiệu sách chọn quà tặng. Buổi sinh nhật được tổ chức trong một quán lẩu nào đó mà tôi không còn nhớ rõ trên phố Dịch Vọng Hậu. Khi ngồi vào bàn, tôi mới nhận ra mình lạc lõng như thế nào. Một buổi sinh nhật, nhưng hầu như tất cả chỉ nói về công việc, về thu nhập, bởi đa số họ đều làm ngân hàng. Tôi vừa ổn định công việc được một năm và chẳng có gì để nói cả. Đến lúc đó tôi mới thực sự nhận ra: cô ấy mời mình đến dự sinh nhật là bởi mình ở trọ cùng với một người bạn trong nhóm của cô ấy. Bởi không mời thì cũng không hay, nhưng khi đã đến đó rồi, tôi nghĩ rằng, nếu mình không được mời thì có khi còn hay hơn.

Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui…

Kỷ niệm hóa ra lại là của riêng chúng ta, nó giúp chúng ta hiểu rằng, những gì đã qua luôn mang đến ý nghĩa. Vì thế nếu ai đó hỏi tôi rằng có tiếc quá khứ không, tôi sẽ nói là có tiếc, vì tôi đã không dành nhiều tình yêu thương cho gia đình mình. Tôi đã có những sự giận dỗi trẻ con hay những câu nói khiến bố mẹ đau lòng. Tuổi trẻ bồng bột là vậy, nó có hai mặt. Còn hiện tại, tôi phải bù đắp lại những gì mà mình đã gây nên và sống trưởng thành

Sau khi đọc xong Osho Đàn ông

Phụ nữ khổ nhưng đàn ông cũng đâu có sướng gì. Một điểm chung là cả hai đã phải sống trong định kiến suốt hàng nghìn năm. Mình xin chia sẻ một vài suy nghĩ sau khi đọc xong cuốn Osho đàn ông: 

Xã hội hiện đại đang cố đạt đến sự bình đẳng giới. Nhưng nếu chỉ ở việc để phụ nữ gánh vác một vài nhiệm vụ vốn dành cho đàn ông thì cũng chỉ là giải quyết bề nổi mà thôi. Chúng ta cần đi từ căn nguyên để cả hai giới có thể sống hạnh phúc và hòa hợp. 

Mọi khổ đau, mâu thuẫn bắt nguồn từ khi ta còn là cậu bé biết nhận thức. Khi bạn khóc bố mẹ thường nạt: "Đừng có khóc như con gái thế!". Và từ đó, không cậu bé nào khóc nữa, không phải vì mạnh mẽ hơn mà vì cảm thấy xấu hổ. Vì khóc là đặc quyền của phụ nữ, không phải là của đàn ông. Điều đó cũng mặc định rằng phụ nữ là yếu đuối. Nhưng số tuyến lệ của đàn ông và phụ nữ là như nhau, nếu đàn ông không khóc tại sao tạo hóa vẫn giữ nó lại? 

Phụ nữ cũng tức giận, hung hãn và nguy hiểm không kém gì đàn ông. Đó là vì bất kỳ người phụ nữ nào cũng có một phần đàn ông trong đó. Tương tự một người đàn ông cũng có một phần phụ nữ. Đó là điều ta phải trung thực với chính bản thân mình. Chính vì mặc định rằng phụ nữ là phái yếu, đàn ông không thể chấp nhận được mình yếu kém hơn họ. Hơn nữa phụ nữ bao dung, chăm chỉ, kiên trì hơn và có khả năng sinh con nên họ quan trọng hơn. Vì vậy đàn ông luôn cố gắng tìm mọi cách thống trị người phụ nữ thậm chí là đối xử vô nhận đạo để chứng tỏ mình lúc nào cũng phải đứng trên họ. “Trai trên gái dưới” là định kiến không phải là quy luật.


Người đàn ông càng hiện đại càng sống phức tạp hơn, bị nhiều hệ thống tinh vi đè nén nên họ căng thẳng, mệt mỏi. Đàn ông phải che dấu nhiều thứ hơn và dễ bị cám dỗ, nghiện ngập hơn. Ganh đua ngày càng khốc liệt, không có chỗ nào cho sự bao dung, dộ lượng. Bên cạnh đó, đàn ông cũng phải ít nói, không được tâm sự nhiều, vì thế mà giữ kín nỗi buồn trong lòng... Hàng tỷ lý do khiến cho đàn ông đau khổ. Định kiến nặng nề khiến  đàn ông phải làm đàn ông 24/24, phía bên kia phụ nữ phải là phụ nữ 24/24, đó là điều quá sức. Chúng ta chỉ là con người bình thường mà thôi. 

Vì thế bình đẳng giới là điều cần thiết để đàn ông và phụ nữ sống hạnh phúc và hòa hợp. Nhưng đừng đợi sự ban phát, chúng ta cần thay đổi chính mình:

- Trở lại là một người bình thường, thế giới này cũng đã quá mệt mỏi rồi. Đừng là một người đàn ông 24/24, đừng là một người phụ nữ 24/24. Đàn ông nên đôi lúc hay yêu thương, bao dung như một người phụ nữ, phụ nữ nên đôi lúc hãy cứ giận dữ, phản kháng như một người đàn ông. 

- phản ứng nhiều hơn, đừng phản xạ. Khi cô ấy nói những điều không vừa lòng, hãy tìm những cách khác nhau để phán ứng, đừng để thói quen làm cho các cuộc cãi vã cứ kéo dài mãi mãi.  Bao dung, coi trọng người phụ nữ, bạn sẽ nhận ra, điều cô ấy cần chỉ có như thế thôi.

- Đừng sống mộng du như một cái máy. Đàn ông cần là một chiến binh, một kẻ "đánh bạc", dám đặt cược tất cả để biết điều mình chưa biết. Dù thất bại thì ít nhất bạn sẽ không phải tiếc nuối vì đã không làm.  Có thể bạn chọn sống như một người kinh doanh, cũng cho đi nhưng chỉ muốn nhận được lợi ích nhiều hơn, nhưng điều này không tạo nên ý nghĩa mà người đàn ông tìm kiếm.

- Phần động vật luôn ở trong tiềm thức dù người đó là đàn ông hay phụ nữ và không có cách nào chối bỏ nó. Xem JAV, ngắm phụ nữ đẹp… là chuyện hết sức bình thường. Các bạn gái hãy thông cảm. Nếu không vượt quá giới hạn thì không có gì là xấu xa cả. 

- Bỏ đi "cái tôi đàn ông", lắng nghe và chấp nhận sự yếu kém của mình trước mặt phụ nữ. Đàn ông và phụ nữ có thể khóc, không vấn đề gì cả, nhưng đừng để mình trở nên yếu đuối.

- Đừng dạy con cái mình là chỉ có con gái mới khóc nhè, hãy giúp con cái mình trở thành người chiến binh, ra quyết định và có trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh, dù là con gái hay con trai. 

- Lắng nghe, đồng cảm với người phụ nữ. Tạo điều kiện để họ được sống với những ý thích và đam mê của họ, chăm sóc họ như một báu vật. Đó cũng là phẩm chất chiến binh của người đàn ông đấy. 

- Sống nổi loạn một cách thông minh, không chỉ cho mình sự tự do mà còn tạo điều kiện cho người khác tự do. Bạn sẽ không bị rơi vào cuộc sống hôn nhân buồn chán. 

Nói tóm lại, đàn ông hiện đại cần phải là người trung tính, phụ nữ cũng vậy. Cả hai cần biết thay đổi khi nên sống với phần đàn ông, khi nên sống với phần phụ nữ. Đừng quá sức và gồng mình lên, bạn chỉ mệt mỏi thôi. Giống như một trò chơi đổi vai, bạn chơi tốt với những gì mình có, bạn sẽ tạo ra thế giới tươi đẹp cho chính mình.

Sau khi đọc cuốn "Chiến thắng con quỷ trong bạn"

 “The phantom of the Opera is here, inside my mind” (Con quỷ trong nhà hát chính là ở đây trong tâm trí tôi). “Chiến thắng con quỷ trong bạn” là cuốn sách mang đến tư tưởng như vậy.

Mình từng đọc ở đâu đó về một người phụ nữ đau khổ tâm sự với bạn mình: “Có một đêm tôi mơ thấy một điều đáng sợ: tôi mở cửa và nhìn thấy trong nhà có hai người đàn ông giống hệt nhau, họ nói và hành động y như nhau, một người thì có vẻ không gây hại gì, nhưng người còn lại thì rất xấu xa, độc ác. Điều kỳ lạ là, tôi thấy cả hai đều là chồng tôi, nếu thiếu một người thì không còn là anh ta nữa…”

Quỷ dữ luôn đem đến sự sợ hãi: nghèo đói, chết chóc, khổ đau… Chính sự sợ hãi đó đã hủy hoại đi những khả năng và ước mơ của con người. Chúng ta không dám phản kháng, không dám sáng tạo, không dám đi một lối đi riêng. Con người chọn sống trong vòng an toàn để không phải cảm thấy sợ hãi nữa. Nhưng nỗi sợ hãi vẫn không bao giờ buông tha, dù tầm nhìn có xa xôi thì vẫn không ai dám vươn tới. Rồi khi nhìn vào xã hội, ta lại thấy một nỗi cay đắng rằng, con quỷ đã tạo ra một hệ thống tinh vi những phương thức và phương tiện để vây kín lấy chúng ta. Đáng buồn thay cha mẹ, thầy cô cũng nằm trong hệ thống đó. Nhưng ta sẽ nhận ra đổ lỗi cho môi trường xung quanh là điều ngu ngốc.



Nỗi chán nản, căm ghét bản thân chỉ dành cho những người sống buông thả. Nhiều khi mình ngồi đờ ra sau khi dành cả một buổi sáng để ngủ, rồi lại ôm cái điện thoại nằm ườn đến chiều (đó là khi mình chưa lấy vợ). Thời gian trôi đi vô ích, cơ thể mệt mỏi lại càng khiến mình thêm lười biếng. Điều đó thật khó chịu, nhưng chính mình đã chấp nhận nó ngay từ khi tắt chuông báo thức và tiếp tục ngủ vùi. Một lần ta buông thả, đó cũng chính là một lần con quỷ đang chạm tới ta. Rồi đến lần thứ hai, thứ ba… thì nó đã trở thành một thói quen, nó khó chịu đấy nhưng ta vẫn tiếp tục chấp nhận. Như một hiệu ứng domino, nhiều điều khác nữa ta cũng sẽ buông thả và rồi cuối cùng khi sự khó chịu đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống thì ta đã chính thức trở thành nô lệ của con quỷ. Tinh thần, sức khỏe của con người cứ thế bị hủy hoại dần cho đến khi họ chỉ như cái bóng vật vờ trong cuộc đời. Họ chấp nhận sự thất bại cuối cùng trước con quỷ và để cho năng lượng u tối chiếm lĩnh lấy cơ thể.

Nhưng vẫn có những phương thức để hóa giải và đưa con người sống dậy với phẩm chất chiến binh của mình. Con người sẽ trở thành chiến binh khi họ thấy mình cần đạt tới điều gì đó rõ ràng. Khi ta thích một cô gái chẳng hạn. Ta bỗng thấy một mục tiêu rõ ràng và xác định phía trước: cưa đổ cô gái đó. Và sau một chuỗi tính toán phức tạp với tốc độ ánh sáng trong não bộ, ta vạch ra một kế hoạch cực kỳ rõ ràng và chi tiết để đạt được mục tiêu đã đề ra. Một niềm tin trỗi dậy, một người chiến binh đang thức giấc tạo ra nguồn năng lượng để hành động theo kế hoạch. Con quỷ u ám kia tạm thời bị lấn át. Tinh thần và sức khỏe được cải thiện nhanh chóng, cái bóng vật vờ ngày nào trở thành một con người đầy năng lượng và tinh tế. Những người có năng lượng sẽ thu hút những điều họ muốn, trên thực tế, ta sẽ thu hút cô gái kia.

Nhưng đừng quên rằng, ta còn có rất nhiều đối thủ và quỷ dữ thì không bao giờ chết. Vậy nên nếu không nhận được tình cảm của cô gái kia cũng là điều bình thường, có thể ta chưa đủ nỗ lực hoặc kế hoạch chưa đúng. Ta sẽ phải lựa chọn đi tiếp hoặc dừng lại. Ở đây có một câu rất hay: “Cuộc đời sẽ trả cho bạn tất cả những gì mà bạn xứng đáng”. Nếu ta dừng lại và buông xuôi, con quỷ sẽ quay lại, và lần này nó sẽ độc ác hơn. Nhưng nếu ta điều chỉnh và đi tiếp với niềm tin kiên định, chính ta sẽ là người soi sáng cho chính mình. Đến lúc ta sẽ không còn phải ngạc nhiên rằng tại sao các cô gái cứ vây quanh lấy mình nữa. Cuộc đời đâu có quên ta, cuộc đời vẫn mang đến cho ta những gì mà ta xứng đáng.



Nhưng đến lúc đó, ta lại phải bước vào cuộc chiến mới với cấp độ lớn hơn: vượt qua những cám dỗ, tỉnh táo trong men say. Ta cần một mục tiêu xác định mới và một kế hoạch rõ ràng mới. Chỉ có điều đó mới khiến con quỷ một lần nữa bất lực. Nếu không nó sẽ lại xâm chiếm lấy ta với sự xấu xa hơn trước gấp nhiều lần. Cần nhớ rằng quỷ dữ không bao giờ thôi ý định xâm chiếm lấy con người. Nó vẫn ở đó, dưới những mê lộ trong tầng hầm nhà hát.

Quỷ dữ ban phát cho con người những cái họ muốn một cách dễ dàng để rồi lấy đi của họ những gì tốt đẹp nhất. Đó là quy luật không thể thay đổi. Cuộc sống luôn là sự đấu tranh giằng xé giữa quỷ dữ và người chiến binh trong chính chúng ta chứ không phải nơi nào khác. Hãy tự khen ngợi hay tự phê phán chính mình, bởi đó chính là những lời trung thực nhất. Đây là một cuốn sách được viết bởi một tác giả còn có nhiều tranh cãi về cuộc đời ông. Nhưng để điều đó sang một bên, tác phẩm này chứa đựng nhiều tư tưởng có giá trị về tư duy và cuộc sống, dù nó không hề dễ đọc. Quan trọng là mình thích khá nhiều quan điểm trong đó.

Có một điều hay ho là cuốn sách khiến mình nghĩ ngay tới bản nhạc “The phantom of the Opera” đầy ma mị của Nighwish. Bạn có thể nghe thêm “Ngày chưa giông bão” bản của Tùng Dương cũng ma mị theo kiểu Việt Nam, bao phê không kém.

 

 

Bản ngã

Một chút chia sẻ về bản ngã sau khi đọc được một phần cuốn Osho đàn ông:

Bản ngã chỉ xuất hiện khi ta biết hay còn gọi là nhận thức. Khi đó ta đã là một cá nhân thực sự và tách mình ra khỏi dòng chảy của vũ trụ, ta đứng ra bên ngoài và nhìn vào cuộc sống của chính mình.
Nếu xét từ góc nhìn đó thì cuộc sống chia làm hai giai đoạn
- Giai đoạn trước khi bản ngã xuất hiện
- Giai đoạn sau khi bản ngã xuất hiện


Giai đoạn trước khi bản ngã xuất hiện là giai đoạn mà ta không nhận thức hay còn gọi là không "biết". Khi còn trong bụng mẹ, ta hít thở, lấy chất dinh dưỡng nhờ người mẹ. Tức là ta vẫn đang sống theo dòng chảy của vũ trụ. Từ khi ra đời cho đến khi ta được ba hoặc bốn tuổi, không có ai nhớ được khoảng thời gian đó đã diễn ra như thế nào. Đó là khi ta vẫn là chưa ở trạng thái "biết" hay chưa nhận thức. Chính vì thế ký ức không có. Một đứa trẻ khóc hay cười đều là phản xạ. Những hành động của chúng đều thường là bản năng hoặc bắt chước người mẹ, người cha hay bất cứ ai mà chúng gần gũi. Đó vẫn là giai đoạn của trạng thái sống theo dòng chảy vũ trụ.

Giai đoạn sau khi bản ngã xuất hiện, thường là từ ba hoặc bốn tuổi trở đi, đó là giai đoạn mà ta bắt đầu "biết" hay còn gọi là nhận thức. Lúc này đứa trẻ sẽ có những hành động khác dựa trên cái "biết" của mình. Nó đã là một cá nhân thực sự. Bản ngã đã tách đứa trẻ ra khỏi dòng chảy của vũ trụ. Đứa trẻ không đói thì ăn nữa mà chúng sẽ ăn bất cứ thứ gì mà chúng thích. Lúc này ký ức mới xuất hiện, nhờ bản ngã đã tạo ra chỗ cho ký ức neo đậu. Con người như đứng ngoài nhìn vào cuộc sống của mình, điều chỉnh nó sao cho phù hợp với suy nghĩ hay định kiến và luật lệ xã hội...

Cũng giống như Adam và Eva đã ăn trái cấm và trở thành những con người bình thường và bị đuổi khỏi vườn địa đàng. Từ đó họ phải chịu sự khổ sở của cuộc sống trần tục mà không thể quay lại. Loài người có thể trách cặp đôi đó. Nhưng nó lại điều tất yếu, trái cấm không mang nghĩa là "tình dục" mà giống như sự trưởng thành. Con người không thể không ăn trái cấm, họ phải trưởng thành, phải có bản ngã, đó là điều tất yếu. Điều đó làm cho con người trở nên khác biệt với các loài động vật vốn sống thuận theo dòng chảy của tự nhiên. Nhưng cũng khiến con người khổ sở hơn khi phải che dấu đi phần "con" trong chính mình.

Vì thế xã hội càng văn minh, có nghĩa là dân số "trưởng thành" nhiều, con người càng phải che dấu phần "động vật" đi nhiều hơn. Ở mặt tiêu cực, nó chính là sự đè nén.
Có thể nhìn xã hội Nhật Bản là một xã hội văn minh, nhưng ngành công nghiệp tình dục lại phát triển rất mạnh. Linh mục càng nhiều thì văn hoá phẩm đồi truỵ càng phát triển.

Vậy thì quay lại cuộc sống tự nhiên không có bản ngã thì sẽ hạnh phúc? Đến bây giờ thì chẳng ai có thể quay lại cuộc sống tự nhiên mà ko có chút liên quan gì đến xã hội hiện đại. Và nếu không có bản ngã thì con người cũng không biết thế nào là hạnh phúc cũng không biết khổ đau. Nói chung là sẽ không biết gì cả. 

Vậy chỉ có một đứa trẻ được sinh ra và lớn lên cùng bầy sói mới không cảm thấy khổ đau. Nhưng như đã nói, đứa trẻ đó cũng ko biết hạnh phúc và nó cũng không thể sống hòa hợp với xã hội loài người. Chỉ có thiên nhiên hoang dã và bầy sói mới là vườn địa đàng của đứa trẻ ấy.

Beertalks

Beertalks

Hơn 10 giờ đêm, tự nhiên xem đi xem lại MV “một màu” của Cá hồi hoang. Rồi tôi tự tưởng tượng ra, một ngày nào đó, đúng 5h sáng, vơ lấy ví và chìa khóa, ra đường bắt xe buýt đi đến một thành phố nào đó và lang thang nguyên cả một ngày ở đó. Bỏ lại tất cả phía sau, ngắm nhìn thành phố mới mẻ với sự thảnh thơi, dốc tâm sự vào một ly rượu ở một quán bar nào đó khi đêm về. Một mình làm tất cả với âm nhạc quanh quẩn bên tai, ru ta vào một cơn mơ của sự tự do tự tại.

Chỉ đơn giản là tự mình đi đến nơi nào đó, lang thang ngắm nhìn những con người bận rộn với công việc hàng ngày. Vậy mà vẫn chưa một lần tôi tự tạo cho mình cái cơ hội đó và thực hiện mong muốn đó. Quay lại 10 năm trước, tầm này là mình chuẩn bị lấy bằng tốt nghiệp đại học. Ngẫm lại thời điểm đó, thật kỳ lạ, mình chẳng có lấy một chút niềm vui hay niềm tự hào nào cả. Chật vật để vượt qua các kỳ thi, các bài tiểu luận với mong muốn điểm số cao, nhưng rồi khi nhận tấm bằng loại khá, trong lòng lại tự hỏi, sau 4 năm học hành, tấm bằng này liệu có ý nghĩa gì nhỉ?



Giá như tôi có thể uống một lon bia để rồi thấy bia thật chẳng thấm tháp vào đâu và bật thêm một lon khác hay hút một điếu thuốc để thấy cái vị nhạt thếch thấm trên đầu lưỡi. Nhưng tôi chẳng làm những điều đó, một lon là đã đủ nóng mặt, một lần rít thuốc cũng đã đủ ho sặc sụa. Tôi không đủ mạnh mẽ theo cách đó, vì thế những tâm sự cứ thế giữ trong lòng và trải ra với con chữ. Giây phút thảnh thơi nhất trong ngày là gì, thực ra rất đơn giản, ngồi trên bàn làm việc, vừa nhấm nháp chai yakult sau bữa ăn vừa nghe một bài hát yêu thích nào đó. Rất có lợi cho tiêu hóa.

Tôi nghĩ về những bài học, quả thật không dễ để ta có thể nhớ lại mà áp dụng vào một hoàn cảnh nào đó. Không có nhiều những hoàn cảnh tương tự nhau xảy đến với ta trong thời gian qua. Chẳng hạn, dịch bệnh hiện tại khiến ta chẳng thể đi đâu, chưa ai hay bất cứ đâu trên thế giới đã tìm ra được giải pháp, ta chưa bao giờ phải đối mặt với nguy cơ tiềm tàng ngay gần đến vậy. Hay một công việc giờ đây lại đang trở thành một điều nhàm chán, nhưng ta vẫn chẳng thể đi đâu khác nữa, bởi hoàn cảnh hiện tại không cho phép… giờ đây, trong một ngày hè oi ả, ta ngồi đây tìm lại trong ký ức những bài học giá trị nhất, hầu giúp ta vượt qua hoàn cảnh này để lấy lại niềm hứng thú.

Với một trí nhớ có giới hạn, bộ não cần một chất xúc tác. Và đó, một bài hát với những cảm xúc cũ đưa ta về với căn phòng với những bức tường đóng kín. Hóa ra ở đó, ta đã dường như tìm ra một thế giới với những điều thú vị. Những bài học quan trọng nhất là ở đó, ta tìm thấy chính mình giữa một thế giới bế tắc. Ta tìm thấy lối thoát giữa những giai điệu và ngôn từ, và cả tương lai nữa, tương lai mà ta muốn nắm lấy từng giây phút. Những phút suy tư ngày ấy thật dài rộng, còn giờ đây, khi cả khối thứ quanh quẩn trong đầu, ta không còn nhìn thấy con người mình phóng khoáng đến vậy. Những bài học mà giờ đây ta nghĩ đến, chỉ còn là giải quyết vấn đề nào đó, nhưng những bài học sẽ đưa ta đến với tương lai thì vẫn còn đó, giữa vô vàn những hỗn độn.

Thế giới mở ra giống như tôi đã từng ở trong khách sạn nào đó trong một chuyến công tác ở một thành phố khác. Màn đêm buông xuống khi những cơn gió mát đi vào căn phòng qua ô cửa sổ. Ở bên dưới con phố nhỏ yên tĩnh, chìm trong ánh đèn màu cam, những người phụ nữ với quầy hàng rong đang bắt đầu trở về phòng trọ. Họ nói với nhau cái gì đó mà tôi không nghe ra nổi. Quán nhậu vẫn đông những người ngồi đó gà gật với cốc bia trên tay. Một chiếc xe chở đầy hoa quả đi rẽ vào và dừng lại ở một sạp tạp hóa đang đóng cửa. Đây đó những tiếng rao đồ ăn đêm. Hay một khung cảnh khác, ở một nơi khác, cũng vào ban đêm và cũng từ ô cửa sổ, tôi nhìn ra khoảng khuôn viên phía sau khách sạn. Vẫn ánh đèn bao trùm, nhưng là bao trùm lên sự yên lặng. Một dãy dân cư phía bên kia vẫn sáng đèn, những ánh đèn leon buồn tẻ. Ở phía phòng bên kia, những người bạn cùng lớp với tôi đang chơi tá lả và uống bia, mùi khói thuốc lá lan sang đến tận ô cửa sổ mà tôi đang ngồi. Tôi hiểu rằng, mình vẫn đang vui nhưng là vui theo cách khác, đó là sự cảm nhận xung quanh, suy tư về mọi thứ, và nỗi cô đơn chẳng bao giờ có thể len lỏi vào. Đám đông, sự ồn ào hóa ra càng khiến tôi mệt mỏi và cô đơn hơn nhiều. Thế giới bên ngoài kia có thế nào, thì mình vẫn là vậy mà thôi.

Ta đã từng phóng khoáng như thế, từng vô tư như thế, từng sâu sắc như thế khi đối diện với chính mình. Tôi đã từng có nhiều thời gian cho bản thân và tôi đọc sách. Tôi viết ra những cảm nhận và tự coi đó là những bài học. Tôi có thể thích vài cô gái mà không cần phải cảm thấy tội lỗi.

Đó là quá khứ. Giờ đây ta sống với trách nhiệm vì bản thân và gia đình mà ta là trụ cột. Và dù sao thì nó cũng đang đưa ta đến với những điều thú vị mới đấy chứ. Ta sẽ có những chuyến đi mới mà không phải chỉ một mình mình, ta sẽ có những động lực mới để đi đến thành công… Hiện tại và tương lai: đó chính là  điều quan trọng hơn cả.

Beertalks cũng là một MV hay. Chúng ta không hề hoàn hảo, đó là một điều tốt. Nó càng khiến ta tập trung làm được điều mà mình mong muốn mà quên đi xung quanh. Chỉ cần giữ khao khát ấy trong tim, và ý chí sẽ chỉ lối. Đó là màu sắc khác biệt trong thế giới này, tôi tin vào điều đó.

Sáng thứ hai

Sáng đầu tuần, nhưng mình lại có chút rảnh rỗi. Vì thế như một thói quen, lại nháp nháp một chút một câu chuyện nào đó trên phần mềm ghi chú trên điện thoại. "Writer block" hay "sự bí" đã đeo đẳng đến suốt một tuần qua mà vẫn chưa thôi nguôi ngoai.

Nghe một bạn trẻ sinh năm 94 tự nói cậu ta đã già rồi, vậy không biết một gã như mình thì thế nào. Mình đã hơn ba mươi, vợ thì đang ốm nghén, giờ bỗng tự ngẫm lại không biết mình đã làm được gì quan trọng trong hơn mười năm qua. Giờ đây tự nghĩ giá mà mình mới hai bảy hay hai tám hoặc chưa vợ, chắc mình còn bay nhảy nhiều hơn nữa. Dù sao thì thời gian cũng ko thể quay trở lại, mình cũng ko còn những mong muốn viển vông. Tự sắp xếp lại những điều quan trọng, hóa ra lại là một dấu hiệu của một người đang "lớn hơn".


Công việc, gia đình, bản thân đang giữ mình đứng trên mặt đất thay vì nằm ườn trên giường. Thử nhớ lại cảm giác trước đây xem, sáng ngủ quá một chút là không muốn thức dậy, đi làm về nằm một chút là chỉ muốn nằm đến tối. Khi gặp "bí", thay vì lên giường nằm, mình lại ra chống nẩy, uống nước, ngắm cá... đó là điều tích cực của khoảng thời gian này đấy chứ. Chăm sóc vợ hóa ra lại là một cách hay để cải thiện bản thân. 

Có một điều đơn giản mà mình mới hiểu thêm: người ta thường khen người nấu ăn nhưng quên mất người nghĩ đến những món ăn nấu vào bữa tối và đi chợ. Đó mới là người xuất sắc. Đến khi làm rồi mới biết, những công việc hàng ngày của vợ mình chẳng đơn giản chút nào.

Sáng thứ hai hôm nay trời đã mát mẻ hơn. Con đường đưa vợ đi làm rồi đến công ty không có những cái ngáp dài dù đã dậy từ 5h30 sáng. Khi nghe chuông báo thức, hãy tỉnh dậy, đừng ngủ cố thêm một chút, nó sẽ càng làm ta thêm mệt mỏi. Luôn có những điều ý nghĩa kéo ta thức dậy mỗi sáng, giữ cho đôi chân ta luôn đứng trên mặt đất, giữ cho đầu óc ta tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực... Đó là niềm hạnh phúc đấy chứ

Kiên nhẫn

Nhìn những người bạn tươi cười hớn hở với những thành công, lại thấy chạnh lòng với bản thân mình. Điều gì đang xảy ra với mình vậy? khi mà mọi người đang bận rộn với công việc của mình thì ta lại đang đờ đẫn lướt facebook trong sự trống rỗng.

Ai đó sẽ nói là họ gặp may mắn, nhưng may mắn chỉ đi cùng với sự cố gắng. Khi ta chưa cố gắng thì đừng đòi hỏi những vận may. Rõ ràng mình chưa thực sự cố gắng.

Ở trên cao thì gió to nhưng lại được chiêm ngưỡng phong cảnh đẹp, bản thân mình đã dám nghĩ đến một ngày được ở trên cao chưa? Thật tiếc, bản thân chưa bao giờ nghĩ mình ở trên cao, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm chủ và đứng trên mọi người, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là một doanh nhân hay một vị CEO thành đạt. Đó là sự thật, ta không hứng thú với những điều đó. Liệu điều này có thật kém không?


Định kiến xã hội khiến cho con người dễ trở nên căng thẳng vì địa vị của mình. Và rồi ta cũng dần như vậy. Dù đã từng cố gắng nhưng rồi lại nhanh chóng chán nản, không phải vì thất bại mà là vì, dường như nó không phải là ta, sự cố gắng ấy có gì đó không đúng. Mình muốn sống trong tập thể, có những người anh em luôn vui vẻ, mỗi người có một tài năng riêng và hướng đến mục tiêu chung, như một đội bóng.

Mình đã lựa chọn, ít nhất cũng là pha lựa chọn không ai có thể tưởng tượng được: làm việc tại một công ty sách - một sự rẽ ngang bất ngờ. Chỉ đơn giản là vì một điều duy nhất: tình yêu sách, yêu thế giới tuyệt vời ấy và muốn lan lỏa những giá trị của sách đến cộng đồng. Bởi một xã hội mà tri thức được nâng tầm, mọi mặt khác sẽ được nâng lên. Hơn hết, tôi muốn trở thành người có ích theo một cách khác. Nó thật lớn lao nhưng dường như xã hội chưa đạt đến mức đó. Mọi người cần dành thời gian kiếm tiền, giải trí và chăm sóc gia đình hơn là đọc sách. Nhưng tình yêu, lòng đam mê thôi thì chưa đủ.

Hơn 2 năm trôi qua, tôi lại thấy mình càng trở nên cô đơn hơn và "nghèo hơn". Không còn những cuộc đi chơi xa của hai vợ chồng, không còn những buổi tối ăn uống ở nhà hàng nào đó..., thay vào đó là sự tiết kiệm tốt nhất có thể vì tương lai khi có những đứa con. Khi sự tự tin đi xuống, không thể đổ cho hoàn cảnh, ta chỉ có thể tự trách mình và tìm cách thay đổi. Facebook cũng mang đến thông điệp tích cực: hãy kiên nhẫn, điều đúng đắn sẽ đến vào đúng thời điểm. Ít nhất thì câu châm ngôn đó đang cứu rỗi mình ngay lúc này.


Mình chuẩn bị làm bố và cũng phải suy nghĩ nhiều đến tiền bạc để lo cho gia đình mình. Không thể nghĩ cho bản thân mình, vì thế nên không thể có thêm một lựa chọn mạo hiểm nào khác. Nhưng hãy luôn nhìn vào mặt tích cực của hoàn cảnh, như đã đọc cũng trên fb, những ngày tháng qua, ta biết mình phải trở nên mạnh mẽ hơn nữa. 

Vẫn có một điều luôn đeo đẳng trong tim lâu nay, nó mang đến niềm hạnh phúc và cả sự tuyệt vọng. Vậy chỉ có cách là tiếp tục làm việc và kiên nhẫn thêm chút nữa thôi. 

Những ngày đầu tiên

 

Những ngày đầu tiên.

Dịch giã thế này gặp nhau thì đúng là không ổn. Thế là một vài bạn học khác lớp với mình hồi đại học tự nhiên up ảnh họp nhau từ trước dịch để ôn lại kỷ niệm cũ. Thế là thành một cái trend nho nhỏ. Thấy các bạn vào comment cũng thấy vui vẻ dù không gặp được nhau mà trò chuyện trêu đùa. Lớp mình thì chẳng thấy ai up gì cả. Bản thân cũng không phải là người giỏi hô hào, sôi nổi nên cũng chỉ lục lại những cái ảnh mà mình chụp hoặc có tag tên để tự ôn lại một mình thôi. Thực ra thấy cảm xúc về ngày xưa ùa về cũng dạt dào ra phết.

Trong mấy cái ảnh thì mình xem nhiều nhất là ảnh của D - cô bạn gái hình như hơn mình một hay hai tuổi gì đó. Kỳ lạ thay, đó lại là cô gái mình thích đầu tiên từ ngay năm đầu tiên của cuộc đời sinh viên. Mà là lại cô bạn đầu tiên mình mạnh dạn chủ động nhắn tin nói chuyện hỏi thăm mới hay chứ. Hình như hồi đó cũng là vì D có vẻ kha hiền, lại dễ gần nên mình mới dám, chứ ngược lại chắc còn lâu. Mới năm thứ nhất mà có một môn học mình đăng ký muộn hơn so với lớp, nên đành phải đăng ký học tín chỉ với lớp khác. Thế là ngay từ ngày học chung đầu tiên, mình đã cùng nhóm thảo luận với bạn ấy. Chẳng là ngày xưa mỗi môn học, giáo viên thường tách lớp ra các nhóm thảo luận khác nhau, sau đó giao cho mỗi nhóm một đề tài để các nhóm thảo luận dần. Cuối môn học, trước đợt thi là thời gian dành cho các nhóm lên thuyết trình về đề tài mà mình được giao. Đó là một cách giảng dạy khác, mà mình lại đặc biệt thích, hơn cả là được đứng ra làm tổ trưởng, thu quỹ nhóm để in tài liệu và đứng lên thuyết trình trước cả lớp. Cuối cùng là tổ chức cuộc liên hoan nho nhỏ (nhưng càng làm tổ trưởng một vài lần, mình càng thấy bản thân không có khả năng làm lãnh đạo).



Bạn ấy hình như cũng không phải là thành viên nhiệt tình cho lắm nhưng lại ... xinh nhất lớp (trong mắt mình). Ít nhất thì cũng có lý do để có số điện thoại (thời đó còn dùng máy Nokia 8250 cùi bắp từ năm 2001 có màn hình xanh lè và có trò chơi giun huyền thoại). Vậy là bắt đầu có đối tượng để nhắn tin. Một thời gian thì biết D tham gia cuộc thi mẫu ảnh do trường tổ chức, mình đã bầu chọn cho bạn, rồi cũng bắt đầu thấy tự ti. Xong cũng mặc kệ, vẫn nhắn tin hỏi thăm (lúc đó dùng điện thoại, chưa có máy tính để chat trên yahoo). Không nhớ là mình tốn bao nhiêu tiền điện thoại, nhưng mà cũng không thấy xót xa gì.

Cho dù thời gian ngày đó không kéo dài quá lâu. Chỉ nhớ rằng mình đã biết làm gì khác với cái điện thoại ngoài việc nghe gọi, hay ngồi chơi giun, đó là “nhắn tin”. Mặc dù giờ mình không nhớ nổi là đã nhắn tin nói chuyện với D những gì nữa. Nhưng giá mà D biết, ngày đó đi xe buýt về nhà, nhìn dòng xe ngược xuôi, nhìn cửa hàng cửa hiệu tấp nập buổi tối, mình hay nghĩ đến bạn. Hình ảnh của bạn cũng hay đến cùng những suy nghĩ miên man về tương lai. Ngày đó, tất cả mọi thứ thật màu hồng, mình đi học mà vẫn vô tư như một tờ giấy trắng. Giá mà ngày ấy mình vui vẻ, hài hước hơn, hay mạnh bạo hơn thì chắc mình cũng sẽ không buồn đến thế và D hẳn sẽ thích làm bạn với mình hơn. Thời gian của những tin nhắn qua lại không kéo dài lâu. Những tin nhắn gửi đi bắt đầu rất lâu mới có hồi âm trở lại, cho đến khi mình không nhắn tin nữa. Thậm chí mình còn giận dỗi, xóa số điện thoại của bạn đi, cho khỏi nghĩ đến, vậy mà sau lại xin lại số. Thật trẻ con quá nhỉ. ^^. Ba năm học tiếp theo, chúng ta cũng vài vẫn vài lần cùng nhóm. Không còn nhắn tin, chỉ trao đổi với nhau mấy chuyện bài vở, mình cũng không còn hứng thú đứng lên nhận làm tổ trưởng. Hình ảnh của bạn trong đầu mình cũng không còn như lúc đầu, (mình nhận ra là bạn không được chăm chỉ học cho lắm, lại hay ngại nữa. ^^). Rốt cuộc mình và D vẫn là bạn học cùng khóa với nhau. Hơn nữa lúc đó, bạn cũng không còn là đối tượng cưa cẩm của mình nữa. ^^



Có vẻ D đang gặp khó khăn trong hôn nhân. Mình xin lỗi khi có tọc mạch đôi chút chuyện đời tư của bạn trên facebook. D không còn chụp ảnh với chồng, mình cũng đọc một số comment nên đoán già đoán non cuộc sống một mình nuôi con của D thôi. D vẫn thế, như hồi sinh viên (dù có già dặn hơn), nụ cười vẫn vậy, giờ thì có vẻ buồn và nhiều ưu tư hơn. Dù vậy, chẳng có gì là sai khi bạn đã dũng cảm lựa chọn con đường khác để tìm đến hạnh phúc. Thật hay khi luôn có những người bạn để tâm sự và ủng hộ những lựa chọn của chúng ta.

Một ngày, chợt nhìn thấy bức ảnh của D, minh có chút cảm xúc hoài niệm về những ngày còn là gã sinh viên ngô nghê, chân ướt chân ráo ra HN học. Mà chính sự ngô nghê lại khiến cho những ngày ấy thật đẹp. Chiếc điện thoại di động đầu tiên giờ cũng trôi dạt ở đâu, mình cũng không nhớ nổi. Ngày đó, bộ nhớ hay đầy nên mình hay phải xóa bớt tin nhắn, nhưng vẫn giữ lại những tin hay ho để đọc lại, rồi cười một mình (có vẻ hơi dị với một gã thanh niên). Giá mà giờ vẫn giữ chiếc điện thoại ấy để đọc lại được những tin nhắn thì hay biết mấy.  Đã 14 năm trôi qua, những kỷ niệm ấy có lẽ D cũng không để ý. Bạn vẫn xinh đẹp như ngày nào và thật tốt nếu bạn tìm thấy hạnh phúc mới cho cuộc đời mình. Mình thì cho dù đã lâu lắm rồi không gặp, mà cũng chẳng có lý do gì để gặp lại, nhưng từ trong tim, mình vẫn luôn mong D hạnh phúc.  

Review//: Quyền lực thứ tư

Sách đi mượn nên mình dự định đọc nhanh để trả cậu em ở cùng công ty. Đây là một cuốn sách cũ xuất bản từ năm 2000 (tức là cách đây 21 năm), bìa sau có dán giá 40k, chắc được mua từ cửa hàng bán sách cũ nào đó. Sách dày gần 800 trang, và phải mất gần 1 tháng mình mới có thể đọc hết. Lý do cũng giống như “Hai số phận”, cần phải có nền tảng kiến thức về kinh doanh, tài chính, luật pháp để có thể hiểu hết được toàn bộ câu chuyện – vốn đầy tình tiết lắt léo những mưu mẹo, gian dối trong kinh doanh, mua bán, sáp nhập.

Giống như “hai số phận”, Quyền lực thứ tư là câu chuyện dài về cuộc đời hai nhân vật xuất chúng với hai số phận khác nhau. Richard Amstrong sinh ra trong gia đình nghèo xơ xác, phải trải qua bao đau khổ hiểm nguy, nhưng ông đã vượt qua không chỉ với sự thông minh, tài năng mà còn nhờ sự khôn ngoan, mưu mẹo. Townsend thì may mắn sinh ra trong một gia đình giàu có, từ nhỏ đã ham mê cá cược hơn là việc học tập, sau đó cũng nhờ vào sự tài năng và sự “lươn lẹo” của mình (ông nhận ra mình luôn đỏ mặt khi nói dối), ông đã giữ lại cơ nghiệp của cha và từng bước tạo dựng nên đế chế truyền thông hùng mạnh trải dài từ châu Úc, châu Âu đến châu Mỹ.
Có thể tổng kết những điểm giống và khác nhau giữa hai nhân vật chính vốn là hai kẻ thù không đội trời chung như sau:

Điểm chung thứ nhất, đó là sự quyết đoán và tham vọng không bao giờ dừng lại. Họ tham lam, lấn át hết tất cả mọi thứ, bằng bất kỳ giá nào để so kè nhau trên thường trường.
Thứ hai, cả hai thất bại trong việc cân bằng công việc, cuộc sống và gia đình: Amstrong không nhớ mình có mấy đứa con, Townsend đã bỏ trốn trong ngày thành hôn ngay trước mặt người vợ sắp cưới đầu tiên của mình.
Thứ ba là xung quanh họ đều có những người tài năng và trung thành: những người bạn, luật sư, thư ký kể cả người lái xe.
Thứ tư là tầm nhìn thiên tài và tài năng kinh doanh vốn đã được thể hiện khi họ còn trẻ.
Thứ năm: họ không có thì giờ cho ngay chính bản thân mình, dù là chỉ một vài phút tận hưởng nho nhỏ. Amstrong ăn như thuồng luồng, Townsend ăn mặc còn xoàng xĩnh hơn cả lái xe riêng của mình.
Thứ sáu: họ mờ mắt vì tham vọng đến mức không còn một xu dính túi (dù Townsend may mắn hơn khi thoát được).

Sự khác nhau giữa họ là ở chỗ: Amstrong tự tay xây dựng lên cơ nghiệp của mình, Townsend thì thừa kế cơ nghiệp của cha và phát triển nó thành một đế chế truyền thông. Amstrong luôn độc đoán, mưu mô, quỷ quyệt như “một con quái vật”, còn Townsend thì đỡ hơn về các khoản đó (như dáng vẻ thư sinh của ông) và lại được nhiều người xung quanh giúp đỡ, đặc biệt là vợ chính thức của ông, Kate hay Breadford, người phụ nữ quyền lực nhất đối với Townsend, người đã cứu ông khỏi sự phá sản.

Quyền lực thứ tư giúp người đọc hiểu thêm nhiều hơn về thương trường khốc liệt của ngành báo chí truyền thông. Câu chuyện diễn ra từ những năm 20 của thế kỷ XX với sự bùng nổ của sách và báo giấy, rồi sau đó đến ngành phát thanh và truyền hình cho đến những năm 90 của thế kỷ XX- khi internet vẫn chưa phát triển. Tiến trình đó diễn ra khốc liệt với sự lớn mạnh và lụi tàn của các công ty truyền thông, cùng những vụ sáp nhập, mua bán từ lớn đến nhỏ. Nhưng cho dù ở giai đoạn nào, truyền thông cũng vẫn thể hiện được thứ quyền lực to lớn mà người ta vẫn gọi là quyền lực thứ tư. Thứ quyền lực ấy dẫn dắt dư luận, xây dựng và hủy hoại bất cứ thứ gì mà ngôn từ của nó đề cập đến. Nếu như địa điểm quyết định thành bại trong kinh doanh thì độ phủ là yếu tố then chốt trong truyền thông. Đọc cuốn sách, người đọc hiểu thêm về xã hội tư bản Mỹ trong thế kỷ XX: những con người không thể tìm ra được thời gian nghỉ ngơi , tiền luôn là trên hết và giá trị tình cảm đi xuống nghiêm trọng. Có điều đặc biệt trong nền kinh tế Mỹ là luật sư không bao giờ hết việc, việc kiện tụng gây ra nhiều rắc rối nên không ai dám làm trái luật, đặc biệt là câu chuyện có đề cập kha khá tới việc bản quyền phát hành (mình sẽ nghiên cứu nhiều hơn về vấn đề này ở Việt Nam).

Đọc cuốn sách rất khó tránh khỏi việc bị chóng mặt về các tình tiết đan xen liên tục. Mạch chuyện diễn tiến với tốc độ cao, đậm chất tiểu thuyết Mỹ. Nếu người đọc là người có kinh nghiệm trong kinh doanh đặc biệt là mua bán sáp nhập có thể đọc cuốn sách khá nhanh mà không cần phải tìm hiểu thêm trên google. Tóm lại đây là một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, khó mà rời ra để đến hôm sau đọc tiếp được. Hiện sách không bán trên Tiki, shopee, người đọc có thể tìm mua sách trên fahasa hoặc các hiệu sách trên phố Đinh Lễ.

Cung ma kết

"Có phải em thuộc cung ma kết không?"
"Đúng rồi, chị cũng cung ma kết à?"
"Không, vì chị thấy mọi người đều bảo em rất nghiêm túc."
...
Hay có người nói tôi rất là "hộp" (theo nghĩa đóng kín).

Từ khuôn mặt, lời nói, giọng điệu, không phải là tôi cố tỏ ra mà là, một cách rất tự nhiên, cho dù tôi có đang rất thoải mái thì tất cả đều mang vẻ nghiêm túc. Đó là ý kiến người khác vẫn nói. Còn khi soi gương kiểm tra lại mình, tôi lại thấy điều ngược lại, thêm vào đó là chút tự hào, mình đâu đến nỗi nghiêm nghị vậy. Chẳng nhẽ cùng là một tôi, cái mà tôi tự nhìn thấy và cái mà mà mọi người nhìn vào tôi lại khác nhau đến vậy. Hay chiếc gương được thiết kế ra để nịnh chủ nhân của nó, vậy thì tôi biết tin vào điều gì đây?


Sự nghiêm túc không phải là thứ năng lượng tốt và tích cực. Cho dù việc nói rằng hãy nghiêm túc, hãy nghiêm chỉnh trước vấn đề thì đó cũng chính là biểu hiện của sự căng thẳng. Và khi căng thẳng, ta sẽ mất đi cảm giác yêu quý mọi thứ xung quanh, bắt đầu lười biếng ngay cả việc hít một hơi thật sâu để lấy lại tinh thần trước khó khăn. Vấn đề vì thế mà lớn dần lên, trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, biểu hiện ra ngoài của sự căng thẳng ấy khiến cho xung quanh ta cũng bị mất năng lượng tích cực. Sự lộn xộn, quần áo xộc xệch, mọi người xa lánh... đó là biểu hiện mà bất cứ ai khi chú ý hơn đều có thể thấy. Hài hước một chút sẽ cứu vãn tất cả.

Hài hước chính là tự thả lỏng chính mình thay vì gò bó vào một khuôn mẫu cố định. Và ta chỉ hài hước khi bản thân có nhiều năng lượng, kiểm soát tốt bản thân và không lo sợ bị cười nhạo. 

Khi tinh thần cân bằng trở lại, tôi mới hay để ý kỹ hơn khuôn mặt mình trong gương. Dường như mọi cái nhìn về bản thân tôi đều vô nghĩa, chỉ có điều, khi tôi nghĩ về chính bản thân mình, có lẽ tôi đã không quan tâm nhiều đến những việc quan trọng hơn. Chính sự bí bách đó đã làm lên một tôi đơn độc, khô khan và thèm khát một hòn đảo xa cách với thế giới. Hoặc nếu tự đặt một câu hỏi quan trọng thì câu hỏi sẽ là: có phải tôi cảm thấy tự ti về việc quan trọng mà mình luôn muốn làm và luôn xếp nó sang một bên để làm những việc được xã hội đánh giá cao hơn?


Tôi nghĩ về những nhà thơ và cái cách mà họ vẫn luôn nói lên tiếng nói từ trái tim mình trong cuộc sống bộn bề này. Họ có thể bị coi là ngoài lề cuộc sống nhưng họ không bao giờ tin là mình đang ở ngoài lề cuộc sống của chính mình. Họ đang làm những việc quan trọng, để cho tôi hay ai đó khi đọc được những vần thơ ấy có thể cảm thấy tâm hồn mình được cứu rỗi. Tôi khâm phục họ với sứ mệnh mà họ mang đến.

Cuối cùng thì những gì tôi muốn thay đổi không phải là cung ma kết (với cách lý giải mà tôi cho là có tính giải trí là nhiều)   hay sự nghiêm túc mà mọi người vẫn nói. Điều mà tôi muốn thay đổi đó chính là cách nhìn về chính bản thân mình. "Bạn là tất cả những gì bạn nghĩ", đúng, chính là như thế, khi tôi tự tin nhìn chính mình trong gương với sự chỉn chu cùng những điều tươi đẹp mà tôi luôn nghĩ đến.

Vậy chúng ta nhận được gì từ việc đọc sách (2)

Việc đọc sách giống như việc nhìn một cái cây từ khi nảy mầm đến lúc lớn lên. Một khi đã hiểu được cái cây ấy, chúng ta sẽ biết cách làm cho nó trở nên tươi tốt. Từ đó ta biết dùng nó là phục vụ cho chính mình và cho xã hội.

Diễn giả nói về những người tù đọc sách. Một điều thần kỳ là không cần đến những hình phạt hay chương trình cải tạo mới, những người tù năng đến thư viện hay mượn sách thư viện về đọc thì có sự chấp hành tốt hơn, thời gian cải tạo nhanh hơn, siêng năng lao động và luôn muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Điều này được giải thích một phần nào đó từ sự suy nghiệm, thay vì những lời khuyên hay mệnh lệnh, đọc sách đem lại cho họ khoảng thời gian tĩnh lặng để nhìn nhận mọi thứ. Ngoài sự thức tỉnh, đối với người bình thường, việc đọc nhiều sách càng khiến họ hiểu rằng, tri thức chỉ là tương đối, mọi thứ đều có thể bị phủ định và những điều mới mẻ vẫn liên tục được khám phá và sáng tạo ra. Càng nhìn được sự vật sự việc ở nhiều góc cạnh, con người lại càng trở nên sáng suốt và điềm tĩnh hơn. Và như một thói quen, họ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nói và hành động.


Nền giáo dục mà luôn hướng con người đến với chân lý đã định sẵn trong sách giáo khoa, những lời dạy của giáo viên luôn là đúng đắn nhất, thì đó là nền giáo dục tạo ra những con robot lười suy nghĩ và sáng tạo. Chẳng có gì dễ dàng hơn là cứ đi theo lối cũ, nhanh nhất, dễ dàng nhất và từ đó tạo ra những con người sống như một cái máy. Giáo viên không cho phép học sinh phản biện, cha mẹ luôn nhất nhất con cái phải nghe theo lời mình thì đó là cách giáo dục độc hại. Những học sinh “cá biệt” – luôn phản biện, không chấp nhận chân lý – lại mang những mầm mống của sự thông minh và sáng tạo. Vì thế nền giáo dục cần đồng thời làm hai việc: một là kiểm soát suy nghĩ và hành vi, việc thứ hai là kích thích suy nghĩ và hành vi cho học sinh. Đừng để những tài năng bị thui chột vì những định kiến và chân lý lỗi thời, kích thích học sinh yêu thích môn học để từ đó để chúng tìm tòi, sáng tạo, chính là việc của những người giáo viên cũng như các bậc phụ huynh hiện tại. Vậy trong nền giáo dục, ngoài sách giáo khoa thì sách khác đóng vai trò gì? Đó là tài liệu tham khảo mở rộng, mang đến chân trời tri thức mới với sự hấp dẫn thú vị để đem đến cho học sinh tình yêu với bất cứ môn học nào. Từ đó, tài năng sẽ sớm được phát hiện, ươm mầm và phát triển trong tương lai. Đó là sự thành công của giáo dục.

Chúng ta hay mỉa mai những người có thói quen đọc sách là những “mọt sách”. Điều này cũng giống như bất cứ việc đánh giá sai lầm nào nếu chỉ nhìn vào bề ngoài. Ta không thể đánh giá một tảng băng thấp mà không biết phần chìm của nó, cũng như con mèo nghịch ngợm một cái đuôi mà không biết đằng sau bức tường là một con rắn hổ mang. Sử cũ đã ghi lại những con người kiệt xuất như Gia Cát Lượng, Nguyễn Trãi, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm…họ đều là những người quân sư ham học, thông tỏ nhiều điều về lịch sử và thực tế chính trị. Đó là đại diện cho những con người trí thức muốn đem trí tuệ của mình để thay đổi hoàn cảnh của cả quốc gia, dân tộc. 

Khi nhìn con trẻ, chúng ta chợt hiểu ra những gì mình đang có đều bắt đầu từ những câu hỏi tại sao. Cho dù đó là những câu hỏi ngây ngô, nhưng đó lại là lúc mà ta đang vận dụng mọi giác quan và não bộ đang tư duy. Cha mẹ, thầy cô, những người đi trước, không ai có hết tất cả câu trả lời cho các câu hỏi. Trong khi đó, thế giới xung quanh ta lại hữu hạn, khả năng của 5 giác quan cũng hữu hạn trong cái không gian và thời gian ấy. Vì thế câu trả lời đã được ghi lại ở đâu đó ngoài kia, càng kích thích sự tò mò của ta hơn. Chữ viết xuất hiện chính là cách để lưu lại và truyền bá những kiến thức và kinh nghiệm ở những không thời gian khác nhau. Qua hàng ngàn năm, sách có sứ mệnh ghi lại sự phát triển của nền văn minh loài người. Như đã nói, thông tin trên Internet giống như một món ăn nhanh giàu calo khiến cho người ta nhanh no, nhưng lại độc hại và thiếu dinh dưỡng. Trong khi sách giống như một bữa ăn với đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất, vừa đủ muối, vừa đủ đường, nhưng cần con người ngồi thưởng thức với sự thảnh thơi. Những bữa ăn như vậy mới mang đến cho con người sức khỏe tốt nhất. Đọc sách không mang lại giá trị hữu hình trước mắt nhưng nếu mưa dầm thấm lâu, thói quen này sẽ mang đến cho con người não bộ và tâm hồn khỏe mạnh. Và với tinh thần ung dung, hạnh phúc, chúng ta cũng dễ dàng đạt được sức khỏe tốt.


Vậy phương pháp đọc sách nào là tốt. Diễn giả nói về việc đào giếng. Muốn giếng sâu thì ban đầu người ta phải đào giếng rộng. Đọc sách cũng vậy, muốn đạt được tầm hiểu biết sâu, thì khi bắt đầu người ta nên đọc rộng, rồi sau đó họ sẽ chọn lọc và lựa chọn ra những điều mà mình quan tâm nhất. Rồi dần dần họ sẽ đạt tới được sự hiểu biết và hình thành nên trí tuệ sâu sắc. Càng đọc nhiều cái mà mình quan tâm, họ lại càng đọc nhanh hơn, hiểu nhanh hơn, như một kỹ năng được rèn luyện hàng ngày.  

Và một điều nữa, chúng ta có công nhận rằng, nếu xung quanh có những người bạn ham đọc sách thì việc tiếp xúc với họ luôn mang đến sự thú vị và hấp dẫn mới mẻ phải không?

Chúng ta nhận được gì tự việc đọc sách? (1)

Trước hết ta có thể đi sơ qua về việc đọc sách cũng như xu hướng tương lai của ngành xuất bản ở Việt Nam.

Cafe Trung Nguyên 52 Hai Bà Trưng chắc chắn dành cho những vị khách thích không gian yên tĩnh, trầm lắng. Nằm phía sau thư viện Quốc Gia, đây là không gian mà một phần nào đó giống cho nơi gặp gỡ trong tương lai giữa ngành công nghiệp cafe đang phát triển mạnh mẽ và ngành công nghiệp tri thức vẫn còn đang chờ đợi bùng nổ. Sách tuy không nhiều, được bày có lẽ để trang trí nhiều hơn là để dễ dàng cho khách chọn lựa. Ánh đèn vàng dịu, màu đen của giá sách, bàn ghế càng khiến cho không gian bên trong thêm phần lịch lãm, sâu lắng. 

Trong buổi tọa đàm về sách ở Việt Nam, diễn giả hỏi một câu hỏi đã quá quen thuộc với bất cứ ai làm việc trong ngành sách: "Bây giờ tôi hỏi các bạn đang ngồi đây, có bao nhiêu bạn có bố mẹ, anh chị em thường xuyên đọc sách? Hay những ai có cô dì chú bác, ông bà và thậm chí là bạn bè, hàng xóm thường xuyên đọc sách thì hãy giơ tay?" Chỉ có một hai cánh tay nào giơ lên. Tác giả cười tươi như kiểu đó tôi biết ngay mà. Trong những người có mặt ở đây, thậm chí những người thường xuyên đọc sách có khi còn ít hơn và quanh họ thì hầu như không có mấy ai quan tâm đến sách. Như vậy thị trường sách ở Việt Nam nhỏ bé đến như vậy ư? Con đường nào để ngành công nghiệp này phát triển đây?


Nhật Bản có dân số rơi vào khoảng 126 triệu dân, có 3000 nhà xuất bản lớn nhỏ, trong khi ở Việt Nam với 100 triệu người, số lượng đang dừng ở 60. Năm 2018, doanh thu toàn ngành xuất bản ở Nhật đạt 9 tỷ euro với số lượng bản sách phát hành ra là 942 triệu bản, số lượng đầu sách mới ra là xấp xỉ 72 nghìn đầu (trung bình là 200 đầu sách phát hành/ngày). Năm 1977, ở xuất bản tại Nhật đạt đến đỉnh cao là 1,6 tỷ bản sách được bán ra (nguồn: Internet). 9 tỷ euro (tương đương với 225 nghìn tỷ VNĐ) là một con số khổng lồ, tuy nhiên cũng tại thời điểm năm 2018, doanh thu này lại đang trên đường giảm sút do sự phát triển bùng nổ của Internet với lượng thông tin khổng lồ và các loại hình giải trí đa dạng. Như một tất yếu, các nhà xuất bản ở đây cũng phải tìm mọi cách để tồn tại để phát triển trong hoàn cảnh khó khăn mới. Hiệp hội xuất bản Nhật Bản hiện gồm 413 thành viên (trong số hơn 3000 nhà xuất bản lớn nhỏ) có văn phòng tại tòa nhà Publisher club building, nằm ở trung tâm Tokyo. Trọng tâm hiện tại của hiệp hội là thúc đẩy việc xuất khẩu bản quyền sách của Nhật ra thế giới.  

Việt Nam đang là nước nhập siêu bản quyền sách từ nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn, Trung Quốc.  Cũng giống như Nhật Bản, Hàn Quốc thời kỳ đầu mới phát triển, họ cũng là nước nhập siêu văn hóa và khoa học từ nước ngoài, đặc biệt là phương Tây và Mỹ. Ban đầu cũng là sự bỡ ngỡ, ồ ạt, đa dạng, tuy nhiên sau một thời gian ngắn, những thứ được du nhập được bắt đầu được chọn lọc theo những tiêu chí phù hợp với văn hóa và thị trường trong nước. Từ nền tảng chọn lọc và thích nghi, các quốc gia này bắt đầu sáng tạo lên những thứ cho riêng mình mà ngày nay đã được xuất khẩu trở lại ra thế giới. Nhưng bí mật đằng sau sự phát triển của ngành xuất bản các quốc gia này là gì? Đó chính là thói quen đọc và viết.


Nhật Bản, tuy có dân số già, nhưng đây là nơi mà người ta có thể viết bất cứ điều gì để được xuất bản. Ở Mỹ thì nổi tiếng với hình ảnh những nhà hùng biện trước đám đông, hay các sinh viên chất vấn lẫn nhau trong các cuộc thi. Để viết được, nói được thì cần phải đọc, mà để viết hay và nói hay thì lại càng phải đọc nhiều thể loại hơn và càng phải trải nghiệm nhiều hơn. Diễn giả hỏi rằng: ở Việt Nam liệu bạn có thể tìm được ở đâu một quyển sách nói về đọc diễn văn trong đám cưới hay không? Chắc chắn 120% là không, thậm chí nhiều người còn cho điều đó là ngớ ngẩn. Nhưng Nhật Bản thì có, một hiệu sách lớn có thể đáp ứng hầu hết những nhu cầu của người mua. Sự chuyên nghiệp là họ nghiêm túc đối diện với mọi vấn đề của đời sống và từ đó tìm mọi cuốn sách để học hỏi, nghiên cứu.

Càng đọc và suy ngẫm nhiều, người đọc lại càng muốn truyền tải thông điệp của mình nhiều hơn. Từ đó tạo nên thói quen viết, trao đổi. Tất cả các vấn đề mà họ biết và có kinh nghiệm đều được chia sẻ và truyền tải. Từ một nhóm nhỏ ban đầu, họ sẽ được thúc đẩy truyền tải thông điệp đến những nhóm lớn hơn. Từ đó các tác phẩm được xuất bản, được phân phối và truyền thông. Nền kinh tế càng phát triển, nhu cầu đọc và truyền tải thông điệp ngày càng mạnh mẽ hơn, nhờ đó ngành xuất bản cũng ngày càng phát triển. Việc tạo nên một hệ sinh thái cho việc “đọc – suy ngẫm – nói – viết” chính là một yếu tố cơ bản cho sự phát triển của ngành công nghiệp xuất bản của một Quốc gia. Hiện Việt Nam có rất nhiều diễn đàn để bàn luận các vấn đề về lịch sử, kinh tế, triết học… Tuy nhiên chưa có đơn vị nào đầu tư đúng mức cho sự phát triển của những diễn đàn này để chúng có thể mở rộng ra toàn xã hội. Bên cạnh đó đã có một số đơn vị xuất bản trực tuyến có lợi nhuận như Waka hay Ipub. Tuy các tác phẩm vẫn chỉ dừng lại ở thể loại truyện dài hay tản văn, nhưng có thể thấy các bạn trẻ Việt cũng có nhiều ham mê về đọc và viết. Tất cả đều đang ở bước đầu và cũng giống như chọn lọc tự nhiên, những tác phẩm có giá trị sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển để định hướng cho người viết tiếp tục con đường ngày càng chuyên nghiệp hơn của họ. 

Có một khó khăn chung cho ngành xuất bản trên toàn thế giới đó là sự phát triển bùng nổ của Internet và các phương tiện giải trí khác. Internet chứa kho dữ liệu khổng lồ, bất cứ điều gì cần tìm hiểu, trên Internet đều có, nhưng nó cũng là một bãi rác cũng khổng lồ không kém. Nếu như sách (sách giấy, ebook, audio book…) cần có sự kiểm định về nội dung, cần sự nghiên cứu, kinh nghiệm của có khi cả một lịch sử dài để tạo nên tác phẩm thì Internet có quá nhiều thứ được cóp nhặt và hầu hết đều được xuất bản tự do nên không thể đạt được chất lượng tốt về mặt nội dung. Bên cạnh đó đọc trên internet ngay cả ebook hay audio book giống như là ta đang tiêu dùng thông tin hơn là một sự thực hành tư duy – vốn chỉ diễn ra khi ta tập trung và không bị sao nhãng khi đọc một cuốn sách giấy. Tác hại của ham mê game, hay xem những video nhảm trên youtube hoặc ngồi lâu trước màn hình Tivi để giết thời gian đã được khoa học chứng minh rõ ràng: chúng không phục vụ cho tư duy chủ động. Vậy nên thói quen đọc ở đây không phải là chỉ đọc đơn thuần, nó là thói quen đọc với sự tập trung, suy ngẫm và đánh giá. Dù không thực hành trên thực tế, nhưng khi đọc sách, tức là ta đang ở bước đầu tiên của thực hành đó là tư duy trong não bộ. Đây là điều mà các thông tin trên Internet vốn có nhiều thứ gây mất tập trung không thể làm được. Khả năng tập trung chính là một trong những yếu tố tạo nên thành công. 


Điều cuối cùng, người Việt đang ưa chuộng những sách gì? Có thể nhìn ngay trên Tiki, những cuốn sách thuộc top bán chạy thường là sách kỹ năng, sách tâm linh, tiểu thuyết. Trong khi đó, tại Nhật Bản, sách thuộc top bán chạy là những cuốn sách tri thức nền tảng như lịch sử, triết học, y học, kinh tế, chính trị… Mình không đánh giá sách kỹ năng, tiểu thuyết đặc biệt là những dòng sách từ Trung Quốc là không có giá trị, nhưng dường như từ tên sách và trang bìa, tất cả cố gắng chạy theo xu hướng của giới trẻ là thích “mỳ ăn liền”, trẻ, đẹp, nhanh gọn nhẹ, không phải nghĩ. Tuy nhiên, có thể thấy nhiều sách về lịch sử Việt Nam và thế giới hay những cuốn sách về triết học hay kinh tế từ dễ đến khó vẫn đang được âm thầm tái bản thường xuyên dù không cần đến sự thổi phồng quá mức của truyền thông. Điều này cho thấy, các sản phẩm của thị trường xuất bản đang dần được chọn lọc cẩn thận hơn, người đọc sẽ dần hướng đến những tác phẩm có giá trị hơn và cần suy ngẫm nhiều hơn.

Do đó việc đánh giá làm việc trong ngành xuất bản là thu nhập thấp, sách khó bán, không ai đọc… là sai lầm của những người không tìm thấy những giá trị từ sách, hoặc đã đọc nhầm những cuốn sách vô giá trị. Ngay trong gia đình, cha mẹ cần có một không gian đọc sách cho con, ở nhà trường, giáo viên thay vì chỉ dạy từ sách giáo khoa, cần tham khảo thêm những từ những cuốn sách có giả trị để khởi dậy lên niềm đam mê từ học sinh. Sinh viên cần được tạo điều kiện để thường xuyên trao đổi, phản biện về các vấn đề được đưa ra. Hội xuất bản Việt Nam cần liên kết các nhà xuất bản, các công ty liên kết phát hành để tạo ra môi trường để hệ sinh thái “Đọc – suy ngẫm – viết – nói” của người đọc được phát triển. Và như các ngành công nghiệp khác, trước khi nói tới việc xuất khẩu bản quyền ra thế giới, với thị trường 100 triệu dân, ngành xuất bản Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Do đó, người làm sách không nên bi quan mà cần tiếp tục làm ra nhiều điều có giá trị hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và thích ứng với môi trường công nghệ hiện tại.

Áo số 9

Sự nghiệp bóng đá bắt đầu với chiếc áo số 9 kèm quần đùi hoa chạy tung tăng trên sân, khiến nhiều người tưởng thanh niên ở bãi biển nào đi lạc vào đây.😆


Đã từng chơi các vị trí tiền đạo, tiền vệ, trung vệ, kể cả thủ môn, nên cái gì cũng biết một ít, nhưng chốt lại không biết mình giỏi ở vị trí nào (biết nhiều quá cũng khổ). Bị cận nhưng cũng nhảy lên không chiến đầy mạnh mẽ xong xin dừng trận đấu để nhờ thủ môn đội bạn tìm hộ cho cái kính bị bắn đi đâu mất.

Cũng từng vùi dập một số đội và cũng bị một số đội vùi dập nhưng đa số là ngang cơ. Đá có thắng có thua, còn chẳng may có vài tình huống bóp team thì như cơm bữa. Có trận chung kết hết hiệp 1 đang dẫn 3-0, cùng anh em hò reo cầm cúp giơ lên như những nhà vô địch, sang hiệp 2 bị đội bạn dập lại bốn quả, anh em trở thành đội về nhì mà chưa kịp hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Đúng là trong bất cứ việc gì, 30 chưa phải là tết, vui thôi đừng vui quá.😂


Sinh viên đi đá bóng lúc nào cũng tinh thần giao lưu, thắng thua không quan trọng, mà quan trọng là ai trả tiền sân.  Không biết có anh em trong đội bóng H4 nào còn nhớ khoảnh khắc ôm nhau như điên khi ăn mừng bàn thắng không? 😚

Laika cafe: trẻ trung, năng động và thông điệp vì môi trường.

Một trong những điều đặc biệt của Laika cafe là: ống hút giấy. Có thể đây là lý do cùng với vị trí hai mặt tiền trên phố Trung Hòa mà đồ uống ở đây không hề rẻ (45-49k/ly đồ uống). Quán phục vụ cafe, trà hỗn hợp, sinh tố nước ép, đặc biết có cafe trứng và cacao trứng. Tuy nhiên vì đến vào buổi chiều nên mình không chọn cafe, mà đồ uống có trứng thì hết nên tạm gọi cốc trà cacao matcha thêm trân châu đen. Đồ uống thì với kẻ không biết thưởng thức như mình thì thấy cũng không có gì đặc biệt. Ngoài ống hút giấy thì quán có không gian thiết kế và trang trí bên trong và bên ngoài khá đặc trưng.

Bề ngoài của Laika cafe khá đơn giản, nước sơn màu xanh ngọc nhạt cùng khung gỗ giả kê mái làm cho quán trông giống với một cửa hàng mặt phố thời bao cấp. Tầng 1 rất thoáng, không có gì ngăn cách với bên ngoài ngoài hàng rào gỗ thấp. Ngồi bên trong mà khách hàng vẫn có cảm giác gần gũi với việc ngồi vỉa hè hơn là các quán cafe khác vốn thường được dựng kín bởi tường kính. Vào mùa hè thì chưa rõ quán sẽ sử dụng điều hòa như thế nào. Bên trong thì mọi thứ được bày biện theo phong cách trẻ trung và bình dân đúng kiểu Việt Nam. Luôn có khoảng không gian hay một chậu cây nhỏ ngăn cách giữa các vị trí ngồi, điều này vẫn đảm bảo sự riêng tư nhất định cho khách hàng. Bàn ghế được xếp quây tròn lại, các chỗ ngồi sắp xếp linh hoạt chứ không trật tự hàng lối để tiết kiệm mọi không gian như những nơi khác. Nếu ai tìm một chốn sang trọng, bận rộn hay một nơi tĩnh lặng để ngắm nhìn phố xá thì không hợp, còn nếu vào với mục đích gặp gỡ bạn bè, họp nhóm vui vẻ thì đây là lựa chọn không tồi. 

Điều đầu tiên chào đón khách hàng là đàn cá koi ở... dưới chân. Đó là một hồ cá nhỏ, có cầu gỗ để khách bước qua. Màu sắc đặc trưng ở đây là màu vàng, từ áo đồng phục nhân viên, ánh sáng bàn ghế, màu sơn tường bên trong. Đây là một loại màu sắc gợi lên sự tươi vui, trẻ trung, năng động. Thật khó để tập trung làm việc với màu sắc như thế này, nhưng lại phù hợp để ngồi cà kê hay sáng tạo ra những ý tưởng vui vẻ. Tầng 1 bàn ghế khá nhỏ và thấp, tầng 2 thì chỗ ngồi đa dạng hơn với ghế salon, gối ôm, bàn ghế cao phù hợp để ngồi thư giãn hay làm việc với máy tính. Ban công trên tầng được sắp xếp với bàn tròn, ghế khung màu xanh đậm giả kim loại gợi cảm giác về những thập niên 20 - 30, đây là địa điểm thu hút các bạn trẻ vào chụp ảnh check in.


Đến Laika, nhìn các bạn trẻ, mình cũng thấy cần phải trẻ trung năng động trở lại. Bên cạnh đó, cuộc trò chuyện với một người bạn cũng khiến mình học được nhiều điều. Yếu tố quan trọng thu hút khách của quán cafe chính là phong cách của quán cafe đó. Cũng như bất cứ công việc kinh doanh nào khác, phong cách ấy chính là biểu hiện của triết lý riêng và xuyên suốt từ điều nhỏ nhất. Triết lý cũng biểu hiện ra từ cái cúi người chào khách hay thông điệp không rác thải nhựa từ hành động thực tế. Cũng như trong cuộc sống, triết lý tạo ra nền tảng và giúp ta đi đúng hướng và tránh được sự rối loạn. Ta sẽ không cần phải mất nhiều công sức để cân nhắc những lựa chọn. Nhưng triết lý bắt đầu từ đâu? liệu có phải là từ khi ta bắt đầu quan tâm đến mơ ước của mình sau những trải nghiệm trong cuộc sống? Và triết lý lại đặt ra một thách thức: đó là sự kiên trì để thực hiện ước mơ ấy.

Tọa đàm//: "Trong khi chờ đợi Godot" - Đi tìm ý nghĩa từ sự phi lý.

Nếu như ai đã xem bộ phim ngắn "who are you" trên youtube hẳn sẽ có sự liên tưởng về sự tương phản giống mình. Một chiếc hộp không có gì bên trong, biểu thị cho sự trống rỗng, nhưng chính nhờ sự trống rỗng ấy mà nhân vật the writer có thế tự mình tìm ra rất nhiều ý tưởng. Nhưng tác phẩm "trong khi chờ đợi Godot" lại ở mặt ngươc lại, đầy ắp những hành động, lời thoại nhưng lại để lại trong lòng người đọc một sự trống rỗng, sự trống rỗng của việc chờ đợi trong vô vọng. Với những lời giới thiệu, hẳn phải là một người đọc can đảm mới có thể đọc cuốn sách này và đối diện với những sự vô nghĩa đến phi lý bên trong. Bạn có thể xem vở kịch trên youtube hoặc mua sách do Nhã Nam phát hành.

Buổi tọa đàm diễn ra tại trung tâm văn hóa Pháp trên phố Tràng Tiền, có hai diễn giả ở Việt Nam, một diễn giả đang ở  Mỹ và khoảng hơn năm mươi bạn đọc đến dự. Ngay từ ngoài cửa, sắc vàng ấm áp đã tràn ngập: ánh đèn, màu sơn tường, màu vàng từ những kệ sách ở trong phòng. Trong hơn một tiếng đồng hồ, các diễn giả bàn luận rất sôi nổi về tác giả Samuel Beckett, tóm tắt lại vở kịch, các quan điểm và bàn về thể loại phi lý trong kịch nói và văn học. Lâu rồi mình mới cảm nhận được sự nhiệt tình lan tỏa từ các diễn giả đến vậy. Cả khán phòng có đa số là các bạn trẻ và có những người đã luống tuổi, tuy chiếm số ít.


Với nghệ thuật phi lý có thể tiêu biểu một số tác giả mà ta đã biết như Kafka, Haruki Murakami, Italo calvino với các tác phẩm mà nhiều người biết đến như: Vụ án, nhảy nhảy nhảy, cuộc săn cừu hoang, 1980, nếu một đêm đông có người lữ hành, nam tước trên cây... Và giờ đây, buổi tọa đàm bàn luận về Samuel Beckett với tác phẩm chuyển thể từ vở kịch "trong khi chờ đợi Godot". Dường như mỗi tác giả thế hệ trước lại ảnh hưởng đến những tác giả thế hệ sau. Nghệ thuật phi lý đi ngược lại với sự logic hay nhận thức thông thường. Do đó các tác phẩm thường không có cốt chuyện, đặc trưng nhân vật khá mờ nhạt. Thay vào đó, tác giả tập trung vào các lời nói và hành động, thường là khá dài dòng và khó hiểu. Điều làm lên sự phi lý chính là nhìn bề ngoài thì lời nói và hành động không liên quan gì đến nhau, cũng không liên quan gì đến mạch chuyện. Tất cả mọi chi tiết đều mang theo ẩn ý, một nghệ thuật và một triết lý ngầm ẩn nhằm chống lại một thế lực nào đó hay thể hiện một vài quan điểm nào đó về cuộc sống. Người xem từ đó có thể chia ra thành nhiều loại: chán nản ra về, cố gắng nán lại xem bí ẩn là gì, và trầm tư suy ngẫm. Để trải nghiệm những tác phẩm phi lý này, người đọc cần chuẩn bị cho mình một tâm thế đối diện với: nỗi sợ hãi, sự buồn chán và hiện thực trần trụi của cuộc sống con người. Đây không phải là loại hình để giải trí mà mang tính thách thức cao. 

Không ai biết Godot là ai, ngay cả chính tác giả. Kể từ khi ra đời, vở kịch đã gây ra nhiều tranh cãi và quan điểm trái chiều. Rất nhiêu quan điểm về tác phẩm được đưa ra, từ đơn giản đến phức tạp, điều đó minh chứng cho một điều rằng, văn chương nhiều khi lại là sự thách thức thời đại chứ không đơn giản là những tác phẩm dẫn dắt người đọc với cốt chuyện rõ ràng. Theo mình nghĩ thì vở kịch đã được viết nhanh chóng trong một trạng thái vô thức (có thể trong nỗi tuyệt vọng và trống rỗng chẳng hạn) tác giả đã không chỉnh sửa nhiều nhằm bóc trần một cách thô sơ nhất những gì đang diễn ra trong con người và giữa con người với nhau.


Godot có thể là bất cứ ai, bất cứ điều gì mà người đọc tự lý giải ra cho mình. Một vở kịch không hề yên lặng như sự trống rỗng vốn có mà đầy ắp những lời thoại và hành động. Nhưng thật kỳ lạ thay, tất cả được thiết kế ra chỉ để càng làm tăng thêm mức độ của sự trống rỗng. Godot không đến, hai nhân vật cũng chẳng nhúc nhích lấy một vài bước chân ra khỏi khung cảnh của mình. Họ cứ chờ đợi ngày qua ngày, với một niềm tin mơ hồ rằng Godot sẽ đến (thậm chí họ còn không tưởng tượng ra Godot là người thế nào). Hy vọng và rồi thất vọng, nó giống như ta không làm gì có giá trị, chỉ ngồi đó nguyện cầu cho điều may mắn sẽ tới. Rồi, nó tạo nên những con người khổ đau, buồn bã. 

Biên tập viên có đề cập đến một nhân vật Lucky, vốn là người nô lệ, phải chăng anh ta chính là người may mắn nhất trong vở kịch này như chính cái tên của mình. Anh ta có một cuộc sống mà bất cứ ai nhìn vào cũng khinh thường. Nhưng một điều quan trọng là Lucky không hề cảm thấy khổ sở: anh ta thoải mái ăn lại chỗ xương gà của chủ nhân mà không lời phàn nàn. Lucky sống kiếp nô lệ của mình với sự chấp nhận, tự tìm kiếm niềm vui và không trông chờ gì vào ngày mai. Cùng lắm thì mai kia, anh ta lại bị bán cho một người chủ mới và tiếp tục cuộc sống nô lệ của mình. Biên tập viên đã đặt ra câu hỏi: phải chăng chính việc chẳng có gì để chờ đợi lại là điều may mắn? Lucky chấp nhận cuộc sống hiện tại như một lẽ hiển nhiên. Xét trên giới hạn của vở kịch thì ta có thể thấy được sự hợp lý của ý kiến trên. Tất nhiên mình không hoàn toán tán đồng với cái nhìn đó.

Giống "Vụ án" của F.Kafka, cuốn sách không quá dầy, nhưng cũng đòi hỏi người đọc sự kiên nhẫn nhất định. Mình đã mất hơn 1 tuần để đọc "vụ án" nhưng quả thực cũng chỉ thấu được một vài điều trong tác phẩm. Để đọc những cuốn sách thể loại phi lý như thế này thì ta nên tham gia một buổi tọa đàm nào đó để có được cái nhìn đa chiều hơn. Từ đó người đọc sẽ đón nhận tác phẩm với một suy nghĩ khác thay vì từ bỏ. Bản thân mình đã quyết định chưa mua cuốn sách vì giống như "vụ án" của F.Kafka, thể loại văn học phi lý chưa phù hợp với nhu cầu của mình. 

Trích đoạn đối thoại giữa Estragon và Vladimir:
"Chúng ta có thể bắt đầu lại tất cả theo cách nào đó."
"Nó nên là cách dễ dàng."
"Nó là sự bắt đầu, nó nên khác đi."
"Bạn có thể bắt đầu từ bất cứ điều gì."
"Đúng vậy, nhưng ta cần phải đưa ra quyết định"... 

Họ bắt đầu rất nhiều: những cuộc thảo luận, tranh cãi, đùa giỡn ...  tuy nhiên vẫn đó là việc bắt đầu chờ đợi Godot mà không có hồi kết.

Review//: Lấy nước đường xa

Lấy nước đường xa – Cố gắng thêm chút nữa, điều kỳ diệu sẽ tới.

Lâu rồi mình mới đọc một cuốn sách dành cho thiếu nhi và đây là cuốn sách dễ đọc, gây xúc động và truyền cảm hứng tốt. Với hai câu chuyện đan xen, cuốn sách xứng đáng được đánh giá cao trên Amazon.

Đất nước Sudan năm 1985 xảy ra cuộc nội chiến giữa chính phủ miền Bắc và quân nổi dậy miền Nam không theo đạo Hồi. Vùng đất Nam Sudan tự trị năm 2008 lại chênh vênh bên bờ vực nội chiến giữa người Dinka và người Nuer. Thời sự vẫn đưa tin về những chiến sĩ mũ nồi xanh đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, nhưng phải đọc đến cuốn sách này, mình mới có thể cảm nhận được sự thống khổ của người dân đất nước ấy.

Nước là một thứ hiếm hoi ở đất nước Sudan trong hàng bao nhiêu thế hệ. Hàng ngày cô bé Nya phải đi một quãng đường dài từ sáng sớm, xách theo những can nhựa rỗng, để đi lấy nước từ một cái hồ vẩn đục và đầy đất cát. Nhưng đó là thứ quý giá nhất để duy trì sự sống cho gia đình và cả ngôi làng của cô bé. Trên con đường đi lấy nước thì Nya phải đối mặt với nắng nóng và cơn khát cháy cổ. Khi đến hồ, cô bé lấy gáo múc thứ nước đục đó và uống lấy uống để cho đã khát. Nhưng con đường về nhà lại gian nan hơn, những can nước đã đầy ắp, một cô bé yếu ớt vì đói nghèo phải mang những can nước đầy trở về nhà trước khi trời tối. Mùa cạn họ phải di chuyển đến hồ nước khác, dùng tay đào sâu xuống lớp bùn, và ngồi đợi cho nước thấm dần xuống hố nhỏ sâu bằng cánh tay đó cho đến khi đầy để lấy nước về sử dụng. Cuộc sống của Nya ngày qua ngày là như vậy, không có thời gian để đi học, nghèo đói bao trùm gia đình cô, cuộc sống tương lai cũng mịt mù với con đường đi lấy nước xa xôi và uống những thứ nước đầy bùn đất. 


Salva được sống trong gia đình đầy đủ hơn tất cả những người nghèo đói khác ở ngôi làng của mình. Nhưng rồi vào một ngày đi học bình thường, cuộc sống của cậu bỗng hóa thành bi kịch. Xung quanh cậu khi đó là tiếng súng nổ, tiếng máy bay gầm thét, tiếng thầy giáo hò hét học sinh nằm xuống, và hàng ngàn người bỏ chạy. Ngôi làng trở thành chiến trường và Salva lạc mất những người thân yêu của mình. Kể từ đó, mỗi ngày là một cực hình với cậu bé 11 tuổi bởi đói khát và cô đơn, cậu phải đi bộ một quãng đường xa xôi với niềm hy vọng nhỏ nhoi: đến được trại tị nạn ở Ethiopia. Nỗi khốn khổ khiến cho con người ta không còn cách nào ngoài việc lo cho chính mình, Salva may mắn không bị bỏ lại khi bị coi là kẻ vô dụng. Sự sợi hãi càng nhân lên khi trước mắt cậu là những người hấp hối trên sa mạc mà không ai có đủ nước để cứu giúp. Những bi kịch không thôi đeo bám lấy Salva, nhưng tất cả lại chẳng hề làm cậu gục ngã, ngược lại chúng khiến cậu càng thêm mạnh mẽ. Rồi từ Ethiopia, Salva lại cũng những người bạn vượt quãng đường xa để đến Kenya. Cuộc sống ở trại tị nạn có đồ ăn nhưng vẫn là những tháng ngày buồn chán và không có tương lại. Tuy vậy, Salva vẫn không ngừng học tập và lao động. Và rồi vận may cũng đã đến với người thanh niên 20 tuổi không biết từ bỏ. 

Nhiều người dân thiếu nước uống ở Nam Sudan phải mang theo bệnh tật vì thứ nước vẩn đục: em của Nya bị ốm, cha của Salva phải phẫu thuật vì thủng dạ dày... Hình ảnh dòng nước trong vắt phun lên từ miệng giếng giống như một điều kỳ diệu với Nya và những người dân trong làng. Niềm hy vọng đã trở thành hiện thực và đó chính là nơi gặp gỡ của hai câu chuyện, hai số phận.

Salva là người Dinka, Nya là người Nuer. Người Dinka và Nuer có mối thù gay gắt, giao tranh dai dẳng khiến cho nhiều người chết và sống trong khổ sở. Nhưng những người trẻ ở Nam Sudan vẫn không thôi hy vọng xóa bỏ hận thù và hàn gắn những vết thương. 

Trong khó khăn, Salva chỉ cần lẩm nhẩm câu thần chú trong đầu: hôm nay cố gắng thêm một chút nữa thôi, rồi ngày mai sẽ khác, cuối cùng cậu đã vượt qua và nắm lấy cơ hội lớn nhất của cuộc đời mình. Cuốn sách nhỏ, với ngôn ngữ khá nhẹ nhàng, không có nhiều cao trào. Vì thế sách phù hợp cho những cô bé và cậu bé ở tuổi đang cắp sách đến trường. Đọc sách các em có thể học được nhiều điều: hạnh phúc này thật quý giá và trong khó khăn, hãy kiên nhẫn đừng từ bỏ, niềm hy vọng dù nhỏ nhoi cũng sẽ thành hiện thực.

Chùa Tam Chúc - địa điểm tham quan, vãng cảnh.

Điểm giữ mình nán lại lâu nhất chính là phòng triển lãm Phật Giáo tại tầng 1, Điện Tam Thế. Phòng khá dài, bên ngoài có chỗ ngồi cho khách thập phương nghỉ ngơi. Bên trong khá yên tĩnh, với diện tích khoảng 800 m2, sàn được trải thảm, khách đi vào cần bỏ giày dép bên ngoài. Giữa phòng trưng bày các tượng phật hay các bảo vật, được sưu tầm từ nhiều niên đại và từ nhiều nước khác nhau. Nhưng điều thu hút sự chú ý của mình lại chủ yếu đến từ những bức ảnh lớn và những lời chú thích được treo dọc theo những bức tường. Những bức ảnh chụp lại những công trình kiến trúc, những bức tượng hay bảo vật liên quan đến những ngôi chùa cổ ở Việt Nam có niên đại bắt đầu từ thời nhà Tuỳ (thời Bắc Thuộc) cách đây gần hơn 1500 năm cho đến thời nhà Nguyễn. Lịch sử giống như một dòng chảy với tầng tầng lớp lớp không thời gian xếp vào nhau. Để biết được những gì đã bắt đầu như thế nào, cần một khả năng "xuyên không", vốn chỉ có trong phim viễn tưởng. Hơn 1500 năm phát triển của Phật giáo cũng như tiến trình phát triển của tư tưởng văn hoá của người Việt xưa được trải dài ra trong căn phòng rộng không quá 800m2 này. Có những công trình đã bị phá huỷ chỉ còn lại những vết tích như tháp chùa Dạm được phục dựng 3D, chuông Quy Điền vạc Phổ Minh (Đại Việt tứ đại khí)... Có những cổ vật còn kha khá nguyên vẹn như cột kinh Lăng Nghiêm (thời vua Lê Đại Hành), tượng Kim Cương, bia Sùng Thiện Diên Linh từ thời Lý hay tượng vua Mạc Thái Tổ... Và có những cổ vật như bức tượng Phật nghìn mắt nghìn tay - tuyệt tác thời Lê Trung Hưng vẫn đang lưu lạc tại Pháp, chúng ta vẫn chỉ biết đến qua những bức ảnh và những lời chú giải. 

Một vị trí đẹp để ngắm cảnh là lên đến chùa Ngọc trên núi Thất Tinh. Chùa cũng không quá cao, chỉ cần leo khoảng 300 bậc đá. Từ đây nhìn ra hồ Tam Chúc, giống như một vịnh Hạ Long trên cạn được thu nhỏ lại. Khung cảnh phía sau thì không có gì đặc biệt ngoài những khoảng đất trống và núi non trùng điệp phía xa.
Có một điều tiếc là mình không tìm thấy đường đưa đến ngôi chùa cổ. Dù đổ nát hay chỉ còn là phế tích, thì chúng cũng gợi lên một cảm giác nào đó về thời xa xưa cho các vị khách thập phương. Chùa Tam Chúc ngoài những bức tượng Phật, những cột kinh khổng lồ và điện đài nguy nga thì vẫn có nhiều hạng mục chưa hoàn thành, phải kể đến có lẽ sẽ có một vài khu resort riêng nữa. Với tiền bạc và công nghệ hiện đại, người ta có thể xây nhiều nhiều nữa những công trình bề thế tuy nhiên tiếc là nét cổ kính của không gian xưa thì không còn. 


Đến đây vé xe điện là 90k/người, còn vé đi tàu thuyền là 200k/người (có ghé thăm các đảo). Để đi thăm quan hết khu quần thể và nghỉ ngơi ăn uống như mình là hết hơn 3 tiếng đồng hồ. Với những người thích các địa điểm cổ kính hay các di tích lịch sử, theo cá nhân mình thì chùa Tam Chúc không có nhiều điều đặc biệt.

Hồ tây ngày không khí lạnh về

Tưởng chừng như gần cuối tháng 3 sẽ là khoảng thời gian cuối cùng của mùa xuân trong năm. Nhưng không phải. Một đợt không khí lạnh mới lại tràn về mang theo thứ không khí xám xịt bao trùm lên Hà Nội. Ngày hôm qua người ta còn cảm nhận những cơn mưa, không phải mưa phùn mà cũng không phải mưa rào, một dạng mưa lâm thâm ở giữa hai kiểu mưa đó. Đó là một dạng mưa khiến con người bối rối kiểu vừa mặc áo mưa xong thì trời lại tạnh mà vừa cởi áo mưa ra xong thì trời lại mưa. 

Hồ Tây gần buổi chiều tối gió lạnh đủ khiến cho những tán lá cây ven vỉa hè nghiêng ngả. Những vị khách quen ngồi quán cà phê ngoài trời cũng phải rút vào trong mà ngắm nhìn hồ qua cửa kính. Nhưng vẫn có những người vẫn lại yêu thích cái lạnh này mà chọn yên vị trên một chiếc ghế đá ven hồ. Khoảng không mênh mông phía trước có sức hút kỳ lạ. Con người vốn thích những nơi rộng rãi, thoáng đãng tầm nhing như vậy, nơi vốn ở những thành phố lớn có rất ít. Gió vẫn mạnh, len lỏi trong từng lớp áo. Mặt hồ nhấp nhô những con sóng nhưng những phím đàn piano đang nhảy nhót. Sự vắng vẻ vốn là một thứ xa xỉ ở đây, và giờ đây cũng thế, vẫn có những cặp đôi ngồi tâm sự, chia sẻ hơi ấm cho nhau, và những con người yêu vận động cũng không ngừng qua lại. Tôi cũng đã từng có khoảng thời gian sống ở gần đây. Tôi đi làm và sống khép kín đến mức một con đường rộng rãi mở ra hồ Tây ngay gần chỗ ở của mình mà không biết. Con đường được tạo ra được 4, 5 tháng cho đến khi có người bạn chuyển đến ở cùng nói với tôi về điều đó. 

Từ đó, chạy bộ 2 cây số ra hồ trở thành thói quen khó bỏ của tôi cho đến khi tôi tìm được công việc mới và chuyển ra chỗ trọ khác. Một mình, tất nhiên là như vậy, bởi tôi luôn muốn cảm nhận một mình, suy nghĩ một mình mà không muốn bị ai đó làm gián đoạn. Có vẻ ích kỷ nhỉ, nhưng đó là thứ sở thích thật khó khăn để từ bỏ. Rồi có những ngày tháng tôi cầm theo bánh mỳ đi bộ ra hồ một cách vô định. Ở đó tôi nghĩ về nhiều điều, về quá khứ và hiện tại. Có khi tôi mang sách ra đọc, khi thì mang sổ ra để viết... đó là khi tôi có nhiều thời gian sau khi nghỉ việc. Và rồi khi có được công việc mới, vì đi làm xa nên không có thời gian ra hồ nhiều nữa. Đến khi chuyển chỗ ở cho gần công ty thì phải rất lâu sau tôi mới có dịp dừng lại bên hồ mà cảm nhận lại những điều mình từng có ở đây. Đây cũng là một trong những nơi mà tôi từng hẹn hò. Nhưng bạn gái, và cũng là vợ tôi bây giờ, hình như không có cảm giác giống tôi khi cả hai cùng ngồi trên chiếc ghế đá bên hồ mà tôi đã từng quen ngồi thì phải. Cô ấy bận rộn với việc chia sẻ những câu chuyện hàng ngày hơn là ngồi im lặng mà cảm nhận như tôi. Vậy mà tôi lại không tìm kiếm những cô gái giống mình khi ngồi bên hồ. Thật hay.

Ghế đá trước đây tôi hay ngồi đã được thay thế bằng ghế gỗ có khung sắt, được phủ lớp sơn bóng sạch sẽ hơn. Ghế được làm dài hơn đủ ngồi vừa cho hai cặp đôi hoặc cho ai đó có thể nằm nghỉ ngơi. Bên cạnh, cột đèn vẫn vậy,  tỏa ánh sáng vàng dịu vào buổi tối khi tôi ngồi đó một mình hay ở bên cạnh người đã là vợ tôi trong một lần hẹn hò trước đây. Cũng đã tầm 7,8 năm đã trôi qua, những suy nghĩ của tôi vẫn như được lưu lại cùng với khung cảnh này. 

Cảm ơn bạn Sonata, bản nhạc thật tuyệt, tưởng tượng những phím piano đang nhảy nhót giống như những hạt mưa tí tách ngoài hiên. Sau đó là tiếng saxophon tươi sáng khiến ai lắng nghe cũng cảm thấy mình đang được refresh lại. Tuyệt vời hơn là được thưởng thức nó khi ta đang ngồi lại chốn cũ, tận hưởng khoảng không gian thoáng đãng và ôn lại những kỹ niệm đã qua. 

cảm xúc ngày đầu tuần

Sáng thứ hai, bầu trời vẫn âm u như những ngày trước. Bất chợt một tia nắng hiếm hoi chiếu tới rồi nhanh chóng bị những đám mây ...