Trước hết ta có thể đi sơ qua về việc đọc sách cũng như xu hướng tương lai của ngành xuất bản ở Việt Nam.
Cafe Trung Nguyên 52 Hai Bà Trưng chắc chắn dành cho những vị khách thích không gian yên tĩnh, trầm lắng. Nằm phía sau thư viện Quốc Gia, đây là không gian mà một phần nào đó giống cho nơi gặp gỡ trong tương lai giữa ngành công nghiệp cafe đang phát triển mạnh mẽ và ngành công nghiệp tri thức vẫn còn đang chờ đợi bùng nổ. Sách tuy không nhiều, được bày có lẽ để trang trí nhiều hơn là để dễ dàng cho khách chọn lựa. Ánh đèn vàng dịu, màu đen của giá sách, bàn ghế càng khiến cho không gian bên trong thêm phần lịch lãm, sâu lắng.
Trong buổi tọa đàm về sách ở Việt Nam, diễn giả hỏi một câu hỏi đã quá quen thuộc với bất cứ ai làm việc trong ngành sách: "Bây giờ tôi hỏi các bạn đang ngồi đây, có bao nhiêu bạn có bố mẹ, anh chị em thường xuyên đọc sách? Hay những ai có cô dì chú bác, ông bà và thậm chí là bạn bè, hàng xóm thường xuyên đọc sách thì hãy giơ tay?" Chỉ có một hai cánh tay nào giơ lên. Tác giả cười tươi như kiểu đó tôi biết ngay mà. Trong những người có mặt ở đây, thậm chí những người thường xuyên đọc sách có khi còn ít hơn và quanh họ thì hầu như không có mấy ai quan tâm đến sách. Như vậy thị trường sách ở Việt Nam nhỏ bé đến như vậy ư? Con đường nào để ngành công nghiệp này phát triển đây?
Nhật Bản có dân số rơi vào khoảng 126 triệu dân, có 3000 nhà xuất bản lớn nhỏ, trong khi ở Việt Nam với 100 triệu người, số lượng đang dừng ở 60. Năm 2018, doanh thu toàn ngành xuất bản ở Nhật đạt 9 tỷ euro với số lượng bản sách phát hành ra là 942 triệu bản, số lượng đầu sách mới ra là xấp xỉ 72 nghìn đầu (trung bình là 200 đầu sách phát hành/ngày). Năm 1977, ở xuất bản tại Nhật đạt đến đỉnh cao là 1,6 tỷ bản sách được bán ra (nguồn: Internet). 9 tỷ euro (tương đương với 225 nghìn tỷ VNĐ) là một con số khổng lồ, tuy nhiên cũng tại thời điểm năm 2018, doanh thu này lại đang trên đường giảm sút do sự phát triển bùng nổ của Internet với lượng thông tin khổng lồ và các loại hình giải trí đa dạng. Như một tất yếu, các nhà xuất bản ở đây cũng phải tìm mọi cách để tồn tại để phát triển trong hoàn cảnh khó khăn mới. Hiệp hội xuất bản Nhật Bản hiện gồm 413 thành viên (trong số hơn 3000 nhà xuất bản lớn nhỏ) có văn phòng tại tòa nhà Publisher club building, nằm ở trung tâm Tokyo. Trọng tâm hiện tại của hiệp hội là thúc đẩy việc xuất khẩu bản quyền sách của Nhật ra thế giới.
Việt Nam đang là nước nhập siêu bản quyền sách từ nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn, Trung Quốc. Cũng giống như Nhật Bản, Hàn Quốc thời kỳ đầu mới phát triển, họ cũng là nước nhập siêu văn hóa và khoa học từ nước ngoài, đặc biệt là phương Tây và Mỹ. Ban đầu cũng là sự bỡ ngỡ, ồ ạt, đa dạng, tuy nhiên sau một thời gian ngắn, những thứ được du nhập được bắt đầu được chọn lọc theo những tiêu chí phù hợp với văn hóa và thị trường trong nước. Từ nền tảng chọn lọc và thích nghi, các quốc gia này bắt đầu sáng tạo lên những thứ cho riêng mình mà ngày nay đã được xuất khẩu trở lại ra thế giới. Nhưng bí mật đằng sau sự phát triển của ngành xuất bản các quốc gia này là gì? Đó chính là thói quen đọc và viết.
Nhật Bản, tuy có dân số già, nhưng đây là nơi mà người ta có thể viết bất cứ điều gì để được xuất bản. Ở Mỹ thì nổi tiếng với hình ảnh những nhà hùng biện trước đám đông, hay các sinh viên chất vấn lẫn nhau trong các cuộc thi. Để viết được, nói được thì cần phải đọc, mà để viết hay và nói hay thì lại càng phải đọc nhiều thể loại hơn và càng phải trải nghiệm nhiều hơn. Diễn giả hỏi rằng: ở Việt Nam liệu bạn có thể tìm được ở đâu một quyển sách nói về đọc diễn văn trong đám cưới hay không? Chắc chắn 120% là không, thậm chí nhiều người còn cho điều đó là ngớ ngẩn. Nhưng Nhật Bản thì có, một hiệu sách lớn có thể đáp ứng hầu hết những nhu cầu của người mua. Sự chuyên nghiệp là họ nghiêm túc đối diện với mọi vấn đề của đời sống và từ đó tìm mọi cuốn sách để học hỏi, nghiên cứu.
Càng đọc và suy ngẫm nhiều, người đọc lại càng muốn truyền tải thông điệp của mình nhiều hơn. Từ đó tạo nên thói quen viết, trao đổi. Tất cả các vấn đề mà họ biết và có kinh nghiệm đều được chia sẻ và truyền tải. Từ một nhóm nhỏ ban đầu, họ sẽ được thúc đẩy truyền tải thông điệp đến những nhóm lớn hơn. Từ đó các tác phẩm được xuất bản, được phân phối và truyền thông. Nền kinh tế càng phát triển, nhu cầu đọc và truyền tải thông điệp ngày càng mạnh mẽ hơn, nhờ đó ngành xuất bản cũng ngày càng phát triển. Việc tạo nên một hệ sinh thái cho việc “đọc – suy ngẫm – nói – viết” chính là một yếu tố cơ bản cho sự phát triển của ngành công nghiệp xuất bản của một Quốc gia. Hiện Việt Nam có rất nhiều diễn đàn để bàn luận các vấn đề về lịch sử, kinh tế, triết học… Tuy nhiên chưa có đơn vị nào đầu tư đúng mức cho sự phát triển của những diễn đàn này để chúng có thể mở rộng ra toàn xã hội. Bên cạnh đó đã có một số đơn vị xuất bản trực tuyến có lợi nhuận như Waka hay Ipub. Tuy các tác phẩm vẫn chỉ dừng lại ở thể loại truyện dài hay tản văn, nhưng có thể thấy các bạn trẻ Việt cũng có nhiều ham mê về đọc và viết. Tất cả đều đang ở bước đầu và cũng giống như chọn lọc tự nhiên, những tác phẩm có giá trị sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển để định hướng cho người viết tiếp tục con đường ngày càng chuyên nghiệp hơn của họ.
Có một khó khăn chung cho ngành xuất bản trên toàn thế giới đó là sự phát triển bùng nổ của Internet và các phương tiện giải trí khác. Internet chứa kho dữ liệu khổng lồ, bất cứ điều gì cần tìm hiểu, trên Internet đều có, nhưng nó cũng là một bãi rác cũng khổng lồ không kém. Nếu như sách (sách giấy, ebook, audio book…) cần có sự kiểm định về nội dung, cần sự nghiên cứu, kinh nghiệm của có khi cả một lịch sử dài để tạo nên tác phẩm thì Internet có quá nhiều thứ được cóp nhặt và hầu hết đều được xuất bản tự do nên không thể đạt được chất lượng tốt về mặt nội dung. Bên cạnh đó đọc trên internet ngay cả ebook hay audio book giống như là ta đang tiêu dùng thông tin hơn là một sự thực hành tư duy – vốn chỉ diễn ra khi ta tập trung và không bị sao nhãng khi đọc một cuốn sách giấy. Tác hại của ham mê game, hay xem những video nhảm trên youtube hoặc ngồi lâu trước màn hình Tivi để giết thời gian đã được khoa học chứng minh rõ ràng: chúng không phục vụ cho tư duy chủ động. Vậy nên thói quen đọc ở đây không phải là chỉ đọc đơn thuần, nó là thói quen đọc với sự tập trung, suy ngẫm và đánh giá. Dù không thực hành trên thực tế, nhưng khi đọc sách, tức là ta đang ở bước đầu tiên của thực hành đó là tư duy trong não bộ. Đây là điều mà các thông tin trên Internet vốn có nhiều thứ gây mất tập trung không thể làm được. Khả năng tập trung chính là một trong những yếu tố tạo nên thành công.
Điều cuối cùng, người Việt đang ưa chuộng những sách gì? Có thể nhìn ngay trên Tiki, những cuốn sách thuộc top bán chạy thường là sách kỹ năng, sách tâm linh, tiểu thuyết. Trong khi đó, tại Nhật Bản, sách thuộc top bán chạy là những cuốn sách tri thức nền tảng như lịch sử, triết học, y học, kinh tế, chính trị… Mình không đánh giá sách kỹ năng, tiểu thuyết đặc biệt là những dòng sách từ Trung Quốc là không có giá trị, nhưng dường như từ tên sách và trang bìa, tất cả cố gắng chạy theo xu hướng của giới trẻ là thích “mỳ ăn liền”, trẻ, đẹp, nhanh gọn nhẹ, không phải nghĩ. Tuy nhiên, có thể thấy nhiều sách về lịch sử Việt Nam và thế giới hay những cuốn sách về triết học hay kinh tế từ dễ đến khó vẫn đang được âm thầm tái bản thường xuyên dù không cần đến sự thổi phồng quá mức của truyền thông. Điều này cho thấy, các sản phẩm của thị trường xuất bản đang dần được chọn lọc cẩn thận hơn, người đọc sẽ dần hướng đến những tác phẩm có giá trị hơn và cần suy ngẫm nhiều hơn.
Do đó việc đánh giá làm việc trong ngành xuất bản là thu nhập thấp, sách khó bán, không ai đọc… là sai lầm của những người không tìm thấy những giá trị từ sách, hoặc đã đọc nhầm những cuốn sách vô giá trị. Ngay trong gia đình, cha mẹ cần có một không gian đọc sách cho con, ở nhà trường, giáo viên thay vì chỉ dạy từ sách giáo khoa, cần tham khảo thêm những từ những cuốn sách có giả trị để khởi dậy lên niềm đam mê từ học sinh. Sinh viên cần được tạo điều kiện để thường xuyên trao đổi, phản biện về các vấn đề được đưa ra. Hội xuất bản Việt Nam cần liên kết các nhà xuất bản, các công ty liên kết phát hành để tạo ra môi trường để hệ sinh thái “Đọc – suy ngẫm – viết – nói” của người đọc được phát triển. Và như các ngành công nghiệp khác, trước khi nói tới việc xuất khẩu bản quyền ra thế giới, với thị trường 100 triệu dân, ngành xuất bản Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Do đó, người làm sách không nên bi quan mà cần tiếp tục làm ra nhiều điều có giá trị hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và thích ứng với môi trường công nghệ hiện tại.
Bài viết hay, HAN à! =D>
Trả lờiXóahttps://mkwishes.com/wp-content/uploads/2021/01/Good-Morning-Wednesday-GIF-12.gif
Dạ. cháu cảm ơn chú. :)
XóaRất là thích entry này :"D
Trả lờiXóaCảm ơn bạn Đốm. Dạo này blog bị sao, tớ ko truy cập được nhỉ?
XóaĐúng rồi bạn đã nhận ra cả rồi đấy thôi, bây giờ mấy ai đọc sách, cả thế gian này nơi đâu cũng thế cả, không còn người đọc, không còn người mua sách nữa, các nhà xuất bản không nuôi nổi chính mình, thu nhập thấp, sách khó bán, không ai đọc…
Trả lờiXóaBài viết thật cầu kỳ, nhất là những trăn trở về cái sự chết dần chết mòn của nền văn hóa đọc.
Thăm em và chia sẻ cùng em!
Em thì đang đầy lạc quan về ngành công nghiệp sách và sách điện tử đây anh. :D
XóaChúc anh buổi tối vui nha. :)
Đọc sách nó cũng có di truyền nữa đó nha, sống trong một gia đình mà ai cũng thích đọc sách thì mình chắc chắn cũng có thói quen như vậy. Mà cũng có thể gọi là truyền cảm hứng ^^
Trả lờiXóaMiss sống trong một gia đình lớn như vậy đó, ông Ngoại hay ngồi cái ghế bố trước nhà đọc sách, ba má mỗi người cũng có những cuốn sách mình thích, ba thậm chí còn viết nữa, chị Chấm vừa đọc vừa viết, em gái cũng vậy, mấy đứa nhỏ hàng xóm cũng mượn tới mượn lui, còn tỏ vẻ ngưỡng mộ khi em gái có thẻ thư viện để mượn thoải mái....
Công nghệ rõ ràng rất phát triển nhưng quanh mình đâu đó vẫn còn rất nhiều người có thói quen và sở thích đọc mỗi ngày...
Thật tốt cậu nhỉ ^^
Sách làm cho con người tích cực hơn rất nhiều. Thật vui khi trong gia đình có người có thói quen đọc sách và truyền cảm hứng cho những người khác.
XóaChúc chị buổi tối vui nha. :)