Vậy chúng ta nhận được gì từ việc đọc sách (2)

Việc đọc sách giống như việc nhìn một cái cây từ khi nảy mầm đến lúc lớn lên. Một khi đã hiểu được cái cây ấy, chúng ta sẽ biết cách làm cho nó trở nên tươi tốt. Từ đó ta biết dùng nó là phục vụ cho chính mình và cho xã hội.

Diễn giả nói về những người tù đọc sách. Một điều thần kỳ là không cần đến những hình phạt hay chương trình cải tạo mới, những người tù năng đến thư viện hay mượn sách thư viện về đọc thì có sự chấp hành tốt hơn, thời gian cải tạo nhanh hơn, siêng năng lao động và luôn muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Điều này được giải thích một phần nào đó từ sự suy nghiệm, thay vì những lời khuyên hay mệnh lệnh, đọc sách đem lại cho họ khoảng thời gian tĩnh lặng để nhìn nhận mọi thứ. Ngoài sự thức tỉnh, đối với người bình thường, việc đọc nhiều sách càng khiến họ hiểu rằng, tri thức chỉ là tương đối, mọi thứ đều có thể bị phủ định và những điều mới mẻ vẫn liên tục được khám phá và sáng tạo ra. Càng nhìn được sự vật sự việc ở nhiều góc cạnh, con người lại càng trở nên sáng suốt và điềm tĩnh hơn. Và như một thói quen, họ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nói và hành động.


Nền giáo dục mà luôn hướng con người đến với chân lý đã định sẵn trong sách giáo khoa, những lời dạy của giáo viên luôn là đúng đắn nhất, thì đó là nền giáo dục tạo ra những con robot lười suy nghĩ và sáng tạo. Chẳng có gì dễ dàng hơn là cứ đi theo lối cũ, nhanh nhất, dễ dàng nhất và từ đó tạo ra những con người sống như một cái máy. Giáo viên không cho phép học sinh phản biện, cha mẹ luôn nhất nhất con cái phải nghe theo lời mình thì đó là cách giáo dục độc hại. Những học sinh “cá biệt” – luôn phản biện, không chấp nhận chân lý – lại mang những mầm mống của sự thông minh và sáng tạo. Vì thế nền giáo dục cần đồng thời làm hai việc: một là kiểm soát suy nghĩ và hành vi, việc thứ hai là kích thích suy nghĩ và hành vi cho học sinh. Đừng để những tài năng bị thui chột vì những định kiến và chân lý lỗi thời, kích thích học sinh yêu thích môn học để từ đó để chúng tìm tòi, sáng tạo, chính là việc của những người giáo viên cũng như các bậc phụ huynh hiện tại. Vậy trong nền giáo dục, ngoài sách giáo khoa thì sách khác đóng vai trò gì? Đó là tài liệu tham khảo mở rộng, mang đến chân trời tri thức mới với sự hấp dẫn thú vị để đem đến cho học sinh tình yêu với bất cứ môn học nào. Từ đó, tài năng sẽ sớm được phát hiện, ươm mầm và phát triển trong tương lai. Đó là sự thành công của giáo dục.

Chúng ta hay mỉa mai những người có thói quen đọc sách là những “mọt sách”. Điều này cũng giống như bất cứ việc đánh giá sai lầm nào nếu chỉ nhìn vào bề ngoài. Ta không thể đánh giá một tảng băng thấp mà không biết phần chìm của nó, cũng như con mèo nghịch ngợm một cái đuôi mà không biết đằng sau bức tường là một con rắn hổ mang. Sử cũ đã ghi lại những con người kiệt xuất như Gia Cát Lượng, Nguyễn Trãi, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm…họ đều là những người quân sư ham học, thông tỏ nhiều điều về lịch sử và thực tế chính trị. Đó là đại diện cho những con người trí thức muốn đem trí tuệ của mình để thay đổi hoàn cảnh của cả quốc gia, dân tộc. 

Khi nhìn con trẻ, chúng ta chợt hiểu ra những gì mình đang có đều bắt đầu từ những câu hỏi tại sao. Cho dù đó là những câu hỏi ngây ngô, nhưng đó lại là lúc mà ta đang vận dụng mọi giác quan và não bộ đang tư duy. Cha mẹ, thầy cô, những người đi trước, không ai có hết tất cả câu trả lời cho các câu hỏi. Trong khi đó, thế giới xung quanh ta lại hữu hạn, khả năng của 5 giác quan cũng hữu hạn trong cái không gian và thời gian ấy. Vì thế câu trả lời đã được ghi lại ở đâu đó ngoài kia, càng kích thích sự tò mò của ta hơn. Chữ viết xuất hiện chính là cách để lưu lại và truyền bá những kiến thức và kinh nghiệm ở những không thời gian khác nhau. Qua hàng ngàn năm, sách có sứ mệnh ghi lại sự phát triển của nền văn minh loài người. Như đã nói, thông tin trên Internet giống như một món ăn nhanh giàu calo khiến cho người ta nhanh no, nhưng lại độc hại và thiếu dinh dưỡng. Trong khi sách giống như một bữa ăn với đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất, vừa đủ muối, vừa đủ đường, nhưng cần con người ngồi thưởng thức với sự thảnh thơi. Những bữa ăn như vậy mới mang đến cho con người sức khỏe tốt nhất. Đọc sách không mang lại giá trị hữu hình trước mắt nhưng nếu mưa dầm thấm lâu, thói quen này sẽ mang đến cho con người não bộ và tâm hồn khỏe mạnh. Và với tinh thần ung dung, hạnh phúc, chúng ta cũng dễ dàng đạt được sức khỏe tốt.


Vậy phương pháp đọc sách nào là tốt. Diễn giả nói về việc đào giếng. Muốn giếng sâu thì ban đầu người ta phải đào giếng rộng. Đọc sách cũng vậy, muốn đạt được tầm hiểu biết sâu, thì khi bắt đầu người ta nên đọc rộng, rồi sau đó họ sẽ chọn lọc và lựa chọn ra những điều mà mình quan tâm nhất. Rồi dần dần họ sẽ đạt tới được sự hiểu biết và hình thành nên trí tuệ sâu sắc. Càng đọc nhiều cái mà mình quan tâm, họ lại càng đọc nhanh hơn, hiểu nhanh hơn, như một kỹ năng được rèn luyện hàng ngày.  

Và một điều nữa, chúng ta có công nhận rằng, nếu xung quanh có những người bạn ham đọc sách thì việc tiếp xúc với họ luôn mang đến sự thú vị và hấp dẫn mới mẻ phải không?

4 nhận xét:

  1. He he, nên tui siêng vô blog này hơn để xem bạn Hồng Anh có sách gì :"D

    Trả lờiXóa
  2. Đọc sách để được cả thế giới mà. Anh cũng không thể hình dung nổi nếu không có chữ thì con người và xã hội sẽ như thế nào(!)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là không có chữ viết thì sẽ không có nền văn minh nào cả ạ. 🙂

      Xóa

Anhnh.thienloc@gmail.com

cảm xúc ngày đầu tuần

Sáng thứ hai, bầu trời vẫn âm u như những ngày trước. Bất chợt một tia nắng hiếm hoi chiếu tới rồi nhanh chóng bị những đám mây ...