CỖ MÁY TRI GIÁC




Facebook nhắc lại kỷ niệm với một người bạn cũ cách đây đã 7 năm. Bạn hỏi “Tuần này có về không vậy? ”. Muốn, thực sự muốn về nhà, nhưng thời gian ấy liệu mình có thể cảm thấy hạnh phúc để trở về?. Đó là thời gian của sự lạc lối, của cái tôi bị bỏ lại phía sau vòng quay của xã hội, của bản ngã vẫn quanh quẩn đâu đó không thể nắm bắt.


Khi cầm trên tay một quyển sách còn thơm mùi giấy mới, một cảm giác quen thuộc rằng mình sẽ được chu du đến một vùng đất mới nào đó hay lang thang trong một chuyến phiêu lưu của nhân vật nào đó. Đến với “cỗ máy tri giác” tưởng như ta cần phải là một người làm trong lĩnh vực tự động hóa hay công nghệ thông tin thì mới có thể lĩnh hội được tri thức mang tầm… thế giới hay… một tương lai viễn tưởng xa vời. Nhưng không, bất kỳ ai cũng có thể hiểu được hiện tại, những cỗ máy thông minh vô tri vẫn đang hiện diện xung quanh đóng góp sự hữu ích của chúng vào cuộc sống con người. Và trong tương lai, những mối đe dọa đã ngày một hiển hiện khi những cỗ máy có đươc những tri giác tinh vi cùng những chiều nhận thức đa dạng mà con người không thể lĩnh hội.  Và rồi một xã hội mới hình thành mà trí tuệ nhân tạo được tạo ra để làm hại kẻ đối địch, và cũng chính chúng được tạo ra để bảo vệ con người. Sẽ là những cuộc chiến long trời lở đất của những cỗ máy biết tư duy và cảm nhận. Mạng lưới kết nối của siêu trí tuệ cuối cùng sẽ bỏ lại loài người – những sinh vật đã tạo ra chúng, và trở thành đấng sáng tạo ra một thế giới mới, và cả những vũ trụ mới với những thuật toán tinh vi.


Nhưng một điều quan trọng hơn hết thảy khi lĩnh hội cuốn sách này đó là chúng ta có thể hiểu về chính mình trong sự so sánh con người với những cỗ máy. Con người với sự tư duy và tri giác có thể xác nhận được cái tôi và bản ngã của mình, đó chính là sự khác biệt của con người với tất cả những sinh vật trong tự nhiên và những cỗ máy thông minh. Tìm ra được mục đích của mình, đó chính là một trong những điều khác biệt mà trí tuệ nhân tạo còn phải đợi rất lâu mới có thể làm được. Nhưng con người đã làm được từ những bước chân lạ lẫm đầu tiên trên mặt đất. Trong cỗ máy xã hội, con người là những bánh răng, bạn làm việc chính là những chiếc bánh răng đang chạy để vận hành một cỗ máy lớn. Bạn dừng lại tức là bạn sẽ bị thay thế và bị bỏ rơi. Đó là bi kịch nếu cá nhân nào đó dừng lại và bị bỏ rơi lại, và cũng là bi kịch của con người trong tương lai khi bị máy móc thay thế trong tất cả mọi việc và không thể tìm ra mục đích nào cho chính mình. Vậy ra, với con người thời nào cũng vậy dù lịch sử có luôn thay đổi, thì mục đích và động lực vẫn là điều quan trọng sống còn.

Một cuốn sách mà những triết lý mang giá trị cho mục đích và động lực cũng chính là “hệ điều hành”riêng của mỗi con người. Hệ điều hành đó có thể xấu hoặc tốt nhưng bất kỳ ai cũng cần có nó để thấy mình thực sự đang tồn tại. Có thể ai đó cho rằng đó chỉ là những điều quá xa vời với thực tiễn. Nhưng thực tiễn của hàng ngày hàng giờ mà chúng ta đang trải qua chính là sự suy tư không ngừng nghỉ về những điều cốt lõi của mỗi cá nhân là tôi là ai, tôi đang làm gì và lý do gì mà tôi tồn tại.

Trở lại với câu hỏi “Cuối tuần này có về không?”, liệu bạn có thể trả lời là “có, tất nhiên rồi” để về nhà trong niềm hạnh phúc và lạc quan sau một tuần dài làm việc mệt nhọc. Điều bạn chọn, đó chính là số phận. Và thật may mắn biết mấy cho đến thời điểm hiện tại, không có một cỗ máy trí tuệ nào có thể thay bạn lựa chọn điều đó.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Anhnh.thienloc@gmail.com

cảm xúc ngày đầu tuần

Sáng thứ hai, bầu trời vẫn âm u như những ngày trước. Bất chợt một tia nắng hiếm hoi chiếu tới rồi nhanh chóng bị những đám mây ...