Review//: Quyền lực thứ tư

Sách đi mượn nên mình dự định đọc nhanh để trả cậu em ở cùng công ty. Đây là một cuốn sách cũ xuất bản từ năm 2000 (tức là cách đây 21 năm), bìa sau có dán giá 40k, chắc được mua từ cửa hàng bán sách cũ nào đó. Sách dày gần 800 trang, và phải mất gần 1 tháng mình mới có thể đọc hết. Lý do cũng giống như “Hai số phận”, cần phải có nền tảng kiến thức về kinh doanh, tài chính, luật pháp để có thể hiểu hết được toàn bộ câu chuyện – vốn đầy tình tiết lắt léo những mưu mẹo, gian dối trong kinh doanh, mua bán, sáp nhập.

Giống như “hai số phận”, Quyền lực thứ tư là câu chuyện dài về cuộc đời hai nhân vật xuất chúng với hai số phận khác nhau. Richard Amstrong sinh ra trong gia đình nghèo xơ xác, phải trải qua bao đau khổ hiểm nguy, nhưng ông đã vượt qua không chỉ với sự thông minh, tài năng mà còn nhờ sự khôn ngoan, mưu mẹo. Townsend thì may mắn sinh ra trong một gia đình giàu có, từ nhỏ đã ham mê cá cược hơn là việc học tập, sau đó cũng nhờ vào sự tài năng và sự “lươn lẹo” của mình (ông nhận ra mình luôn đỏ mặt khi nói dối), ông đã giữ lại cơ nghiệp của cha và từng bước tạo dựng nên đế chế truyền thông hùng mạnh trải dài từ châu Úc, châu Âu đến châu Mỹ.
Có thể tổng kết những điểm giống và khác nhau giữa hai nhân vật chính vốn là hai kẻ thù không đội trời chung như sau:

Điểm chung thứ nhất, đó là sự quyết đoán và tham vọng không bao giờ dừng lại. Họ tham lam, lấn át hết tất cả mọi thứ, bằng bất kỳ giá nào để so kè nhau trên thường trường.
Thứ hai, cả hai thất bại trong việc cân bằng công việc, cuộc sống và gia đình: Amstrong không nhớ mình có mấy đứa con, Townsend đã bỏ trốn trong ngày thành hôn ngay trước mặt người vợ sắp cưới đầu tiên của mình.
Thứ ba là xung quanh họ đều có những người tài năng và trung thành: những người bạn, luật sư, thư ký kể cả người lái xe.
Thứ tư là tầm nhìn thiên tài và tài năng kinh doanh vốn đã được thể hiện khi họ còn trẻ.
Thứ năm: họ không có thì giờ cho ngay chính bản thân mình, dù là chỉ một vài phút tận hưởng nho nhỏ. Amstrong ăn như thuồng luồng, Townsend ăn mặc còn xoàng xĩnh hơn cả lái xe riêng của mình.
Thứ sáu: họ mờ mắt vì tham vọng đến mức không còn một xu dính túi (dù Townsend may mắn hơn khi thoát được).

Sự khác nhau giữa họ là ở chỗ: Amstrong tự tay xây dựng lên cơ nghiệp của mình, Townsend thì thừa kế cơ nghiệp của cha và phát triển nó thành một đế chế truyền thông. Amstrong luôn độc đoán, mưu mô, quỷ quyệt như “một con quái vật”, còn Townsend thì đỡ hơn về các khoản đó (như dáng vẻ thư sinh của ông) và lại được nhiều người xung quanh giúp đỡ, đặc biệt là vợ chính thức của ông, Kate hay Breadford, người phụ nữ quyền lực nhất đối với Townsend, người đã cứu ông khỏi sự phá sản.

Quyền lực thứ tư giúp người đọc hiểu thêm nhiều hơn về thương trường khốc liệt của ngành báo chí truyền thông. Câu chuyện diễn ra từ những năm 20 của thế kỷ XX với sự bùng nổ của sách và báo giấy, rồi sau đó đến ngành phát thanh và truyền hình cho đến những năm 90 của thế kỷ XX- khi internet vẫn chưa phát triển. Tiến trình đó diễn ra khốc liệt với sự lớn mạnh và lụi tàn của các công ty truyền thông, cùng những vụ sáp nhập, mua bán từ lớn đến nhỏ. Nhưng cho dù ở giai đoạn nào, truyền thông cũng vẫn thể hiện được thứ quyền lực to lớn mà người ta vẫn gọi là quyền lực thứ tư. Thứ quyền lực ấy dẫn dắt dư luận, xây dựng và hủy hoại bất cứ thứ gì mà ngôn từ của nó đề cập đến. Nếu như địa điểm quyết định thành bại trong kinh doanh thì độ phủ là yếu tố then chốt trong truyền thông. Đọc cuốn sách, người đọc hiểu thêm về xã hội tư bản Mỹ trong thế kỷ XX: những con người không thể tìm ra được thời gian nghỉ ngơi , tiền luôn là trên hết và giá trị tình cảm đi xuống nghiêm trọng. Có điều đặc biệt trong nền kinh tế Mỹ là luật sư không bao giờ hết việc, việc kiện tụng gây ra nhiều rắc rối nên không ai dám làm trái luật, đặc biệt là câu chuyện có đề cập kha khá tới việc bản quyền phát hành (mình sẽ nghiên cứu nhiều hơn về vấn đề này ở Việt Nam).

Đọc cuốn sách rất khó tránh khỏi việc bị chóng mặt về các tình tiết đan xen liên tục. Mạch chuyện diễn tiến với tốc độ cao, đậm chất tiểu thuyết Mỹ. Nếu người đọc là người có kinh nghiệm trong kinh doanh đặc biệt là mua bán sáp nhập có thể đọc cuốn sách khá nhanh mà không cần phải tìm hiểu thêm trên google. Tóm lại đây là một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, khó mà rời ra để đến hôm sau đọc tiếp được. Hiện sách không bán trên Tiki, shopee, người đọc có thể tìm mua sách trên fahasa hoặc các hiệu sách trên phố Đinh Lễ.

Cung ma kết

"Có phải em thuộc cung ma kết không?"
"Đúng rồi, chị cũng cung ma kết à?"
"Không, vì chị thấy mọi người đều bảo em rất nghiêm túc."
...
Hay có người nói tôi rất là "hộp" (theo nghĩa đóng kín).

Từ khuôn mặt, lời nói, giọng điệu, không phải là tôi cố tỏ ra mà là, một cách rất tự nhiên, cho dù tôi có đang rất thoải mái thì tất cả đều mang vẻ nghiêm túc. Đó là ý kiến người khác vẫn nói. Còn khi soi gương kiểm tra lại mình, tôi lại thấy điều ngược lại, thêm vào đó là chút tự hào, mình đâu đến nỗi nghiêm nghị vậy. Chẳng nhẽ cùng là một tôi, cái mà tôi tự nhìn thấy và cái mà mà mọi người nhìn vào tôi lại khác nhau đến vậy. Hay chiếc gương được thiết kế ra để nịnh chủ nhân của nó, vậy thì tôi biết tin vào điều gì đây?


Sự nghiêm túc không phải là thứ năng lượng tốt và tích cực. Cho dù việc nói rằng hãy nghiêm túc, hãy nghiêm chỉnh trước vấn đề thì đó cũng chính là biểu hiện của sự căng thẳng. Và khi căng thẳng, ta sẽ mất đi cảm giác yêu quý mọi thứ xung quanh, bắt đầu lười biếng ngay cả việc hít một hơi thật sâu để lấy lại tinh thần trước khó khăn. Vấn đề vì thế mà lớn dần lên, trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, biểu hiện ra ngoài của sự căng thẳng ấy khiến cho xung quanh ta cũng bị mất năng lượng tích cực. Sự lộn xộn, quần áo xộc xệch, mọi người xa lánh... đó là biểu hiện mà bất cứ ai khi chú ý hơn đều có thể thấy. Hài hước một chút sẽ cứu vãn tất cả.

Hài hước chính là tự thả lỏng chính mình thay vì gò bó vào một khuôn mẫu cố định. Và ta chỉ hài hước khi bản thân có nhiều năng lượng, kiểm soát tốt bản thân và không lo sợ bị cười nhạo. 

Khi tinh thần cân bằng trở lại, tôi mới hay để ý kỹ hơn khuôn mặt mình trong gương. Dường như mọi cái nhìn về bản thân tôi đều vô nghĩa, chỉ có điều, khi tôi nghĩ về chính bản thân mình, có lẽ tôi đã không quan tâm nhiều đến những việc quan trọng hơn. Chính sự bí bách đó đã làm lên một tôi đơn độc, khô khan và thèm khát một hòn đảo xa cách với thế giới. Hoặc nếu tự đặt một câu hỏi quan trọng thì câu hỏi sẽ là: có phải tôi cảm thấy tự ti về việc quan trọng mà mình luôn muốn làm và luôn xếp nó sang một bên để làm những việc được xã hội đánh giá cao hơn?


Tôi nghĩ về những nhà thơ và cái cách mà họ vẫn luôn nói lên tiếng nói từ trái tim mình trong cuộc sống bộn bề này. Họ có thể bị coi là ngoài lề cuộc sống nhưng họ không bao giờ tin là mình đang ở ngoài lề cuộc sống của chính mình. Họ đang làm những việc quan trọng, để cho tôi hay ai đó khi đọc được những vần thơ ấy có thể cảm thấy tâm hồn mình được cứu rỗi. Tôi khâm phục họ với sứ mệnh mà họ mang đến.

Cuối cùng thì những gì tôi muốn thay đổi không phải là cung ma kết (với cách lý giải mà tôi cho là có tính giải trí là nhiều)   hay sự nghiêm túc mà mọi người vẫn nói. Điều mà tôi muốn thay đổi đó chính là cách nhìn về chính bản thân mình. "Bạn là tất cả những gì bạn nghĩ", đúng, chính là như thế, khi tôi tự tin nhìn chính mình trong gương với sự chỉn chu cùng những điều tươi đẹp mà tôi luôn nghĩ đến.

Vậy chúng ta nhận được gì từ việc đọc sách (2)

Việc đọc sách giống như việc nhìn một cái cây từ khi nảy mầm đến lúc lớn lên. Một khi đã hiểu được cái cây ấy, chúng ta sẽ biết cách làm cho nó trở nên tươi tốt. Từ đó ta biết dùng nó là phục vụ cho chính mình và cho xã hội.

Diễn giả nói về những người tù đọc sách. Một điều thần kỳ là không cần đến những hình phạt hay chương trình cải tạo mới, những người tù năng đến thư viện hay mượn sách thư viện về đọc thì có sự chấp hành tốt hơn, thời gian cải tạo nhanh hơn, siêng năng lao động và luôn muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Điều này được giải thích một phần nào đó từ sự suy nghiệm, thay vì những lời khuyên hay mệnh lệnh, đọc sách đem lại cho họ khoảng thời gian tĩnh lặng để nhìn nhận mọi thứ. Ngoài sự thức tỉnh, đối với người bình thường, việc đọc nhiều sách càng khiến họ hiểu rằng, tri thức chỉ là tương đối, mọi thứ đều có thể bị phủ định và những điều mới mẻ vẫn liên tục được khám phá và sáng tạo ra. Càng nhìn được sự vật sự việc ở nhiều góc cạnh, con người lại càng trở nên sáng suốt và điềm tĩnh hơn. Và như một thói quen, họ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nói và hành động.


Nền giáo dục mà luôn hướng con người đến với chân lý đã định sẵn trong sách giáo khoa, những lời dạy của giáo viên luôn là đúng đắn nhất, thì đó là nền giáo dục tạo ra những con robot lười suy nghĩ và sáng tạo. Chẳng có gì dễ dàng hơn là cứ đi theo lối cũ, nhanh nhất, dễ dàng nhất và từ đó tạo ra những con người sống như một cái máy. Giáo viên không cho phép học sinh phản biện, cha mẹ luôn nhất nhất con cái phải nghe theo lời mình thì đó là cách giáo dục độc hại. Những học sinh “cá biệt” – luôn phản biện, không chấp nhận chân lý – lại mang những mầm mống của sự thông minh và sáng tạo. Vì thế nền giáo dục cần đồng thời làm hai việc: một là kiểm soát suy nghĩ và hành vi, việc thứ hai là kích thích suy nghĩ và hành vi cho học sinh. Đừng để những tài năng bị thui chột vì những định kiến và chân lý lỗi thời, kích thích học sinh yêu thích môn học để từ đó để chúng tìm tòi, sáng tạo, chính là việc của những người giáo viên cũng như các bậc phụ huynh hiện tại. Vậy trong nền giáo dục, ngoài sách giáo khoa thì sách khác đóng vai trò gì? Đó là tài liệu tham khảo mở rộng, mang đến chân trời tri thức mới với sự hấp dẫn thú vị để đem đến cho học sinh tình yêu với bất cứ môn học nào. Từ đó, tài năng sẽ sớm được phát hiện, ươm mầm và phát triển trong tương lai. Đó là sự thành công của giáo dục.

Chúng ta hay mỉa mai những người có thói quen đọc sách là những “mọt sách”. Điều này cũng giống như bất cứ việc đánh giá sai lầm nào nếu chỉ nhìn vào bề ngoài. Ta không thể đánh giá một tảng băng thấp mà không biết phần chìm của nó, cũng như con mèo nghịch ngợm một cái đuôi mà không biết đằng sau bức tường là một con rắn hổ mang. Sử cũ đã ghi lại những con người kiệt xuất như Gia Cát Lượng, Nguyễn Trãi, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm…họ đều là những người quân sư ham học, thông tỏ nhiều điều về lịch sử và thực tế chính trị. Đó là đại diện cho những con người trí thức muốn đem trí tuệ của mình để thay đổi hoàn cảnh của cả quốc gia, dân tộc. 

Khi nhìn con trẻ, chúng ta chợt hiểu ra những gì mình đang có đều bắt đầu từ những câu hỏi tại sao. Cho dù đó là những câu hỏi ngây ngô, nhưng đó lại là lúc mà ta đang vận dụng mọi giác quan và não bộ đang tư duy. Cha mẹ, thầy cô, những người đi trước, không ai có hết tất cả câu trả lời cho các câu hỏi. Trong khi đó, thế giới xung quanh ta lại hữu hạn, khả năng của 5 giác quan cũng hữu hạn trong cái không gian và thời gian ấy. Vì thế câu trả lời đã được ghi lại ở đâu đó ngoài kia, càng kích thích sự tò mò của ta hơn. Chữ viết xuất hiện chính là cách để lưu lại và truyền bá những kiến thức và kinh nghiệm ở những không thời gian khác nhau. Qua hàng ngàn năm, sách có sứ mệnh ghi lại sự phát triển của nền văn minh loài người. Như đã nói, thông tin trên Internet giống như một món ăn nhanh giàu calo khiến cho người ta nhanh no, nhưng lại độc hại và thiếu dinh dưỡng. Trong khi sách giống như một bữa ăn với đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất, vừa đủ muối, vừa đủ đường, nhưng cần con người ngồi thưởng thức với sự thảnh thơi. Những bữa ăn như vậy mới mang đến cho con người sức khỏe tốt nhất. Đọc sách không mang lại giá trị hữu hình trước mắt nhưng nếu mưa dầm thấm lâu, thói quen này sẽ mang đến cho con người não bộ và tâm hồn khỏe mạnh. Và với tinh thần ung dung, hạnh phúc, chúng ta cũng dễ dàng đạt được sức khỏe tốt.


Vậy phương pháp đọc sách nào là tốt. Diễn giả nói về việc đào giếng. Muốn giếng sâu thì ban đầu người ta phải đào giếng rộng. Đọc sách cũng vậy, muốn đạt được tầm hiểu biết sâu, thì khi bắt đầu người ta nên đọc rộng, rồi sau đó họ sẽ chọn lọc và lựa chọn ra những điều mà mình quan tâm nhất. Rồi dần dần họ sẽ đạt tới được sự hiểu biết và hình thành nên trí tuệ sâu sắc. Càng đọc nhiều cái mà mình quan tâm, họ lại càng đọc nhanh hơn, hiểu nhanh hơn, như một kỹ năng được rèn luyện hàng ngày.  

Và một điều nữa, chúng ta có công nhận rằng, nếu xung quanh có những người bạn ham đọc sách thì việc tiếp xúc với họ luôn mang đến sự thú vị và hấp dẫn mới mẻ phải không?

cảm xúc ngày đầu tuần

Sáng thứ hai, bầu trời vẫn âm u như những ngày trước. Bất chợt một tia nắng hiếm hoi chiếu tới rồi nhanh chóng bị những đám mây ...