Review sách “Ám ảnh từ kiếp trước”


Toàn bộ cuốn sách là hành trình chữa lành cho nhân vật Catherine của tiến sỹ Brian L.Weiss. Catherine thường xuyên gặp ác mộng, có nhiều nỗi sợ không thể lý giải và gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống và tình yêu. Cô đến gặp bác sỹ qua lời giới thiệu của bạn bè với mong muốn được chữa lành. Nhưng mọi thứ vượt xa mong đợi của cả cô và bác sỹ Brian. Họ đã cùng đi qua nhiều kiếp sống và chính bác sỹ cũng lãnh hội được nhiều bài học của những bậc thầy vô hình.

Theo như cuốn sách, sau khi cơ thể vật chất chết đi, những linh hồn sẽ đi vào chiều không gian khác và chờ đợi ở đó để đến một kiếp sống mới. Mỗi kiếp sống có một sứ mệnh là trả những món nợ và học những bài học mới để trở nên hoàn hảo hơn. Theo đó linh hồn là bất diệt, mỗi lần chuyển đến một cơ thể mới được sinh ra là một kiếp sống mới lại bắt đầu. Đó có thể là kiếp sống của bất kỳ ai đó, một người nô lệ, một người lính, một người thuộc giới quý tộc... và chúng được sắp xếp để linh hồn có thể tiến hóa. Cuối cùng mọi nỗi sợ hãi, những cơn ác mộng hay khổ đau của Catherine đều được giải thích bởi những kiếp sống trước đó của cô. Catherine đã được chữa lành hoàn toàn và trở thành một con người tích cực và đầy trí tuệ. 

Cuốn sách thực sự đã khiến mình thay đổi. Không còn bám chấp, ghen tỵ mà cảm thấy yêu cuộc sống, chấp nhận những gì đang diễn ra và cố gắng làm những điều mà mình thực sự mong muốn. Chúng ta cũng không nên quá đau khổ khi ai đó mất đi, bởi linh hồn họ đã đến một giai đoạn chuyển tiếp, và sẽ đến với một cuộc sống mới mẻ hơn. Và có thể trong một kiếp sống khác, chúng ta lại  gặp lại họ nhưng là với mối quan hệ khác.



Cho dù khoa học chưa chứng minh được tiền kiếp hay linh hồn có tồn tại, nhưng nó cũng giống như giới hạn nhận thức của con người. Bởi chúng ta luôn bị dẫn dắt bởi ý thức và quan niệm của số đông. Quan trọng không phải là ta tin hay không tin, mà ta luôn để cho tâm trí mình rộng mở để đón nhận những điều khiến cho cuộc sống của mình trở nên tích cực hơn.

Đây là đoạn trích mà mình thấy là hay nhất: "Nếu một phần của con người là bất diệt thì và có rất nhiều chứng cứ cũng như lịch sử đã cho thấy như thế, vậy tại sao chúng ta đang làm những điều tồi tệ đến vậy cho chính mình? Tại sao chúng ta dẫm lên và cố vượt qua người khác vì cái "được"cá nhân trong khi chúng ta đang trượt mất bài học của chính mình? Cuối cùng, tất cả chúng ta dường như sẽ đi đến cùng một nơi, dù với những tốc độ khác nhau. Không ai vĩ đại hơn ai."

(Ngoài nội dung hay thì một nhược điểm nhỏ là sách thiếu hình ảnh nên có chút cảm giác nhàm chán nếu đọc lâu)

Thành Xương Giang

“Dừng chân ngắm cảnh xanh vời vợi

Ráng sớm vừa lên sao đã thưa

Suy nghĩ ban mai nhiều đấy chứ

Bình sinh ham muốn đã tan chưa?

Ngắm no mặt nước trăng ngàn dặm

Dài nhỉ, gió thu, chày rộn khua

Xưa nay vẫn lẽ trời sinh hóa

Muôn học sầu riêng biển biếc thừa”

Xương Giang cảm hoài – vua Lê Thánh Tông (Ngô Văn Phú dịch)

Bờ cỏ lau xào xác trong cơn gió heo may. Tháng chín, thời tiết đi vào ngày thu, mới qua canh ba nên vẫn hãy còn tối đen như mực. Sương đêm ẩm ướt se lạnh. Thái úy quấn lại khăn quanh cổ cho đỡ lạnh, vấn tóc ngồi lặng im. Ngài vẫn đang suy nghĩ tính toán rất lung cho ngày hôm nay. Rồi, một cách nhanh chóng, Ngài đứng dậy, mặc giáp trụ, đội mũ đâu mâu, dắt gươm và bước ra ngoài. Ngài cho truyền gọi tướng lĩnh các khu lại để họp bàn và chốt lại kế hoạch thêm một lần nữa. Lác đác ánh lửa mở tỏ soi các khu lều. Quân binh đi tuần tra thấy ngài thì dừng lại cúi chào. Phía xa, bức tường lũy cao mới đắp thêm im lìm tạo thành một dải đen khổng lồ hòa trong đêm. Đã mấy ngày nay, địch đã án binh bất động, theo như kế hoạch viện binh sẽ tới trong vài ngày nữa.

Suốt chín tháng qua là chín tháng giao tranh liên tục bất phân thắng bại. Trận thắng Tốt Động – Chúc Động khiến danh tiếng nghĩa quân vang xa, là tấm gương cho anh em binh lính nơi các trận địa khác. Tội ác của quân Minh thật không kể xiết: cướp bóc của dân, lấp ruộng trồng cỏ cho ngựa ăn, đạp đổ văn bia, phá nát đền miếu, đốt hết sách vở khắp nơi….Lũ giặc bạo tàn giờ rút chạy vào các thành, co cụm sợ hãi như lũ chuột. Ở thành Đông Quan nơi vẫn còn chứa hơn 5 vạn đại binh của quân Minh, Chủ tướng vẫn cho vây ráp, không đánh mà ra sức dụ hàng. Việc công thành hoàn toàn có thể thành công với lực lượng hiện có. Nhưng đổi lại, với một thành trì kiên cố bậc nhất, sự thương vong lớn là không thể tránh khỏi. Và đó không phải kế sách hay, chi bằng cô lập hạ hết những thành vệ tinh khác, khiến cho quan quân nhà Minh ở Đại Việt thông tin không thông suốt mà sinh náo loạn. Việc chia nhỏ mà đánh mới là cao kiến. Mười vạn viện binh giặc đang trên đường tới. Nhưng các huynh đệ nơi tuyến đầu đang chiến đấu không biết mệt mỏi. Tin thắng trận ở Chi Lăng báo về, Liễu Thăng đã rơi đầu. Nhưng bọn Thôi Tụ và Hoàng Phúc với 5 vạn quân còn lại vẫn ra sức đánh và đã vượt ải, chỉ còn vài ngày nữa là đến Đông Quan để phá vây. Quân sĩ đường xa mỏi mệt, chắc chắn hắn sẽ dừng chân hội quân tại nơi hiểm yếu này. Thái Úy mới đến đây tiếp quản quân doanh, với lực lượng viện binh kèm thêm khí giới, vài thớt voi, thêm trăm ngựa. Nhiệm vụ là phải bằng mọi giá hạ cái thành kiên cố này.

Các tướng Lê Sát, Lê Thụ, Lê Lý, Lê Lãnh và Lê Triện lãnh nhiệm vụ đánh thành Xương Giang đã chín tháng qua. Hàng chục trận giao chiến trực diện đã diễn ra mà bất phân thắng bại. Nhiều đêm, giặc ra ngoài thành quyết liều chết để mở đường máu thoát thân nhưng đều thất bại. Lý Nhiệm vẫn ngoan cố như cách y chửi bới Thái Phúc khi được dụ hòa, còn định dùng súng bắn kẻ đồng hương. Nghĩa quân nhiều lần ráp thành, nhưng hỏa khí của giặc còn mạnh, lực lượng còn gần vạn quân, kèm hào sâu, chông nhiều nên chưa hạ được. Sương sớm buổi sáng mờ ảo làm nhòe đi những ánh lửa lập lòe. Các vệ quân, voi, ngựa chiến liên tục di chuyển yên lặng trong đêm. Thái Úy hít một hơi thật sâu, sáng nay sẽ là cuộc tổng tấn công quyết định, ngài cần giữ cho tâm trạng thư thái và đốc thúc anh em binh lính. Đoạn ngài tiến đến nhóm lính cận vệ. Họ đã ở bên ngài ròng rã suốt bao năm qua. Đội lính đứng nghiêm, ngài tiến đến chỉnh lại giáp trụ, mũ đâu mâu, đặt tay lên vai từng người.

“Thái Úy mỏi mệt, xin hãy đề phòng chướng khí buổi sáng.” – một người quỳ gối nói.

“Không, ta đang rất khỏe. Lương ăn đã được cấp hết chưa?”

“Dạ thưa Thái Úy, chúng tôi đã nhận lương từ sáng sớm rồi ạ”

“Tốt, trận chiến này gian nan nhưng tất thắng. Hãy đảm bảo sức khỏe.”

“Vâng thưa Thái Úy.”

“Cho ngựa.”

“Tuân lệnh”



Ngựa đến, ngài cùng nhóm cận vệ đi một vòng quanh khu doanh, kiểm tra kho lương đang cấp phát, yêu cầu các vệ quân kiểm tra khí giới, đạn dược, tập dượt hàng ngũ chuẩn bị cho trận chiến vào đúng giờ đã định. Trời vẫn còn tối, những ánh đèn dầu rải rác khắp nơi như vì sao đang sà xuống trong đêm đen. Binh lính đã dựng trại vây thành ở đây khá lâu, hẳn ai ai cũng đã sốt ruột chờ một trận sống mái quyết định. Doanh chỉ huy cách không xa, hàng ngựa dài đã đứng ngoài, tất cả các tướng lĩnh đang đợi sẵn bên trong. Thái úy đi vào, tâm trí ngài nhanh chóng quay lại với trận đồ. Có thêm một vài tin tình báo mới, kế hoạch sẽ thay đổi chút ít, dân binh đã được huy động thêm để đào hào, thọc thẳng vào những chỗ hiểm yếu. Các tướng lĩnh tỏ ra căng thẳng, trận này bắt buộc phải thắng dù phải đổi lại những thương vong lớn. Đám quân của Thôi Tụ và Hoàng Phúc sẽ đến đây hội quân trong 4- 5 ngày tới. Tuy nhiên tin tức vào ra thành tuyệt đối bị chặn, bọn Lý Nhậm chỉ đang cầu may chờ đợi, không biết đường nào để tính toán. Ngày giờ đã định, các tướng đồng thanh hiệp lực quyết một trận sống mái. Rồi ai nấy nhanh chóng trở về quân doanh của mình, đốc thúc binh lính bí mật dàn trận theo như kế hoạch.

Thái Úy đốc ngựa ra phía đầu chiến lũy. Trời đã sáng dù mặt trời vẫn khuất lấp sau những đám mây dầy. Kền kền bay cao trên không chờ đợi một bữa ăn thịnh soạn mới. Vùng đất xưa là ruộng đồng trải dài xanh rì nay mọc đầy cây dại cỏ lau rậm rạp, nhấp nhô chông nhọn. Cây cối tốt tươi ngày trước đã bị quân Minh đốn hạ nhằm tăng tầm nhìn, khiến cho xung quanh trống trải, trơ trọi. Tòa thành giờ hiện rõ phía trước, thô kệch, đìu hiu che chắn cho đám quân Minh hèn nhát. Cờ xí ám màu thuốc súng đen xạm, rách nát phất phơ trong gió. Thành được đắp bằng đất, cao chừng 4m, có nhiều lỗ châu mai và bốn pháo đài bốn góc. Bốn cửa được dựng dầm bằng gỗ cứng, cánh cửa gỗ dày, kiên cố. Xung quanh thành được đào hào sâu, nhiều chông tre nứa được cắm lô nhô phía dưới. Đám giặc nhấp nhổm phía trên thành trông sang. Chín tháng giao tranh ròng rã, xác binh lính cả bên ta và bên giặc vẫn còn rải rác, trong những đám cỏ lau um tùm kia. Dưới chân thành vẫn còn đó những chiến cụ, xe ngựa, thang mây gãy nát sau những lần ráp thành thất bại. Chín tháng trời, lũ giặc cầm cự với lương ăn ngày càng hiếm đi, chờ đợi được giải cứu. Chủ tướng đã chủ trương coi dụ hàng là thượng sách tránh cảnh binh đao, lại mở lòng dung thứ cho lũ giặc vốn đã rệu rã. Nhưng giờ giặc vẫn còn ngoan cố, đại quân không thể kiên trì thêm với chúng nữa.

Gần giờ xuất binh, Thái Úy đứng trên chiến lũy, nhìn lại trận địa, nhanh chóng truyền lệnh trấn chỉnh hàng ngũ. Súng thần công, đạn đá đã được chuẩn bị đầy ắp. Lính pháo thủ đã vào vị trí, sẵn sàng nổ súng. Trận địa bố trí trải dài đến hơn một cây số. Binh lính trong tay ngài có đến hơn vạn người. Tất cả liên tục đập gươm giáo vào khiên, hô to thị uy thanh thế. Quân Minh vẫn im thin thít phía bên kia chiến tuyến. Lý Nhậm quả là một viên tướng cứng rắn. Nhưng càng cứng rắn hắn lại càng tiến gần hơn vào chỗ chết.

"Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược”. Lời của chủ tướng văng vẳng bên tai vị Thái úy. Hai mươi năm qua, giặc Minh gian trá lấy danh “phù Trần diệt Hồ” đến đây để cướp nước, tàn phá thêm cơ nghiệp họ Trần. Chúng phá đổ miếu tự, hạ nhục uy danh tổ tiên, đàn áp tôn thất, gia đình ngài. Ròng rã bao năm đất nước chỉ thấy máu chảy đầu rơi, nhân dân lầm than cơ cực. Tội ác thật không kể xiết, khắp muôn nơi lòng đầy căm giận. Giờ xung trận sắp điểm, Thái úy nhìn quanh, tất cả đang im lặng chờ đợi. Ngài hô to:

“Hỡi ba quân, bọn giặc Ngô đã tàn phá quê hương ta, giết hại huynh đệ, gia đình chúng ta. Sống mà làm tôi tớ cho chúng nó thì thật nhục nhã, thà chết để trả thù nhà, để lại tiếng thơm ngàn năm về trí làm trai mới là hiển hách. Chúa thượng đã qua bao phen hiểm nguy dựng cờ đánh giặc, quyết chiến thắng để xây dựng lại giang sơn Đại Việt. Anh em hăng hái xông pha giết giặc sẽ trở thành nghĩa sĩ, gia đình sẽ được ban thưởng trọng hậu.”

“Bình Định Vương muôn năm, Chúa thượng muôn năm” – Binh sỹ từng lớp giơ cao vũ khí hô to. Trong ánh mặt trời, gươm giáo sáng lóa cả một rải rộng lớn.

“Giờ đã điểm, tất cả hàng ngũ chỉnh tề, anh em chuẩn bị giết giặc lập công.”

“Giết, giết, giết…” - Nghĩa quân hô to vang động cả một vùng

Thái Úy đánh hồi trống, theo đó các hồi trống thúc quân cũng vang theo bốn bề. Súng thần công gầm vang nhả đạn. Đạn lửa, tên lửa bắn phá vào thành rào rào như mưa. Đoàn quân nhất tề xông lên quyết chiến. Cả trận địa ầm ầm tiếng súng nổ hòa lẫn cùng tiếng hò reo và ngựa phi nước đại. Phía bên kia quân Minh bắt đầu nhốn nháo. Cả tòa thành chìm trong khói lửa đen kịt…

---

“…Tháng 9, ngày mồng 8, bọn Thái úy Trần Hãn, Tư mã Lê Sát, thiếu úy Lê Triện1, Lê Lý đánh lấy được thành Xương Giang.

Khi ấy, viên chỉ huy nhà Minh là Kim Dận cho là thành này nằm ngay trên đường về của quân Minh, nên cùng với tên quan mới bổ đến là Lý Nhậm liều chết cố thủ. Trãi qua hơn 6 tháng trời cầm cự với các quân Khoái Châu, Lạng Giang, chúng vừa đánh vừa giữ, khiến quan quân không thể lên được thành. Vua sai bọn Hãn đắp đất, mở đường đánh nhau với giặc, dùng câu liêm, giáo dài, nỏ cứng, tên lửa, súng lửa, bốn mặt đánh vào, thành cuối cùng bị hạ. Bọn Dân, Nhậm đều tự sát. Đem ngọc lụa và con gái bắt được của giặc ban hết cho quân sĩ. Tổng binh Vương Thông được tin, làm hai bài văn tế. Được hơn 10 ngày thì viện binh giặc tới nơi, nhưng thành đã bị hạ…

(Đại Việt sử ký toàn thư - Kỷ nhà Lê)


Trong quán bún bò Huế

 Tôi ốp vội hai bàn tay tê cóng vào bát bún đang bốc khói. Hơi ấm lan tỏa vào từng đầu ngón tay rồi đến lòng bàn tay một cách nhanh nhanh chóng. Cảm giác của bàn tay chạm vào bát bún đã quay trở lại. Hà Nội về ban trưa nhiệt độ cũng chỉ dao động vào khoảng 11-14 độ C. Trên đường phố, ai đi xe máy, ngoài chiếc áo khoác to sụ cũng đều quấn khăn kín cổ và đi găng tay. Thời tiết một màu xám xịt của mây mù đã mấy ngày nay. Vỉa hè một vài người nhóm lại đốt lửa xoa tay sưởi ấm. Quán nước ngoài trời trông tiêu điều, vắng vẻ, phập phồng mái bạt che. Quán bún bò Huế giờ này cũng đã tấp nập người ra vào, đông người cũng làm cho quán trở nên ấm áp hơn. Tôi nhớ cảm giác ở văn phòng mùa này thường bật điều hòa 28 – 30 độ và tôi chỉ cần mặc một chiếc áo len mỏng. Nhưng sự tự tin đó nhanh chóng biến mất khi mở cửa ban công tòa nhà, cơn lạnh đột ngột ập tới, khiến ta chẳng kịp hít thở mà đóng vội cửa vào. Ở đây cũng thế, mỗi lần cánh cửa mở ra là cơn lạnh giá lại được dịp tràn vào, vì thế ai cũng cố gắng tránh ngồi gần cửa. Tôi tự tin dù rét mấy cũng không đi găng tay, để luyện tập một cách nào đó khả năng chịu rét. Ngày xưa, trái đất lạnh hơn nhiều, tổ tiên mình đâu có điều kiện giữ ấm như bây giờ mà vẫn khỏe mạnh đấy thôi. Tuy nhiên, giờ tôi mới để ý mu bàn tay mình đang khô nẻ vì lạnh.



Lạnh đi kèm với cơn đói, tôi dốc hết giá, húng, rau chuối, trộn đều rồi ăn bún sồn sột, phồng mồm trợn má như trong phim Hàn Quốc. Sợi bún to mềm, tôi cũng chẳng có thói quen nhai kỹ, cứ vậy mà nuốt vào bụng. Sau khi cảm nhận được thức ăn đã đi vào hệ tiêu hóa, tôi mới ngẩng đầu lên nhìn quanh. Xung quanh khá ồn ào, các cặp đôi ngồi vừa ăn vừa trêu đùa, mấy bà mẹ đang nạt con, một vài nhóm cười đùa nói chuyện ầm ĩ về điều gì đó. Không có gì đặc biệt, khi đang chuẩn bị tiếp tục đánh chén tiếp bát bún còn dở, mắt tôi dừng lại.

Một thanh niên dáng khá mập mạp, đeo kính, quấn khăn kín cổ đang chuẩn bị thìa và đũa để tận hưởng bát bún của mình. Trông cậu ta khá chậm chạp và ngồi một mình ngay chỗ cửa ra vào quán. Có lẽ tôi nên gọi cậu ta là Nam hay gì đó. Ý tôi là gán cho cậu ta một cái tên để dễ diễn tả. Có vẻ cửa mở ra đóng vào cũng chẳng liên quan gì đến cậu ta thì phải. Nam đang dùng đũa gẩy gẩy những sợi bún to, dùng thìa đảo bát bún cho đều một cách thành thạo rồi bắt đầu tận hưởng bát bún của mình. Cậu húp nước rồi gắp từng sợi bún một đưa lên thìa. Cậu làm mọi cách để sợi bùn nằm gọn trong chiếc thìa, kể cả có phải dùng để răng cắn đứt cho gọn, múc nước cho ngập bún rồi mới đưa lên miệng thưởng thức, không quên gắp thêm giá, hành ăn kèm. Cứ liên tục chậm chạp như vậy, mặc kệ người vào ra, kệ giá rét cũng cứ thế ra vào, mặc kệ tôi đang vô duyên nhìn cậu ta tận hưởng bát bún bò. Đang ăn rồi như quên điều gì đó, lúc này Nam mới ngẩng đầu lên. Cậu giơ tay lên một, hai, ba, bốn lần, mỗi lần lại nhìn theo nhân viên phục vụ đang chạy loạn trong quán. Cậu ta có thể gọi, nhưng dường như chưa biết gọi như thế nào, có lẽ đang đắn đo nên gọi chị hay em. Vì nhân viên chạy bàn trong quán toàn nữ. Rồi cuối cùng cũng có người dừng lại.

-         Anh cần gì ạ?

-         Nức… nước – Nam cố gắng nói ra điều cậu muốn, bàn tay nắm nắm lại rồi chỉ vào miệng.

-         À anh đợi một chút – cô nhân viên nhìn xuống bàn biết ngay cậu ta cần gì.

Vậy ra Nam chậm chạp thật, thậm chí cậu ta còn nói không tròn vành rõ chữ nữa. Sau cuộc đối thoại nho nhỏ mà khó khăn đó, Nam có ngay một cốc nước, cậu gật đầu cảm ơn rồi tiếp tục cuộc hành trình của mình với bát bún. Vẫn những động tác kỳ lạ, chầm chậm đó, khác hẳn mà lại lạc lõng giữa chốn ồn ào này, trong tôi dậy lên cảm giác kỳ lạ. Cậu ấy cô đơn trong thế giới của riêng mình và đang dành hết tâm trí để tận hưởng bát bún đó. Còn tôi, khi nhìn xuống bát bún còn đang lộn xộn của mình, tôi còn chẳng để ý rằng mình đang ăn một bát bún bò Huế nữa.



Có thể Nam sinh ra đã như vậy hay đã phải trải qua một biến cố nào đó trong cuộc sống, nên với cậu một bát bún bò Huế thôi cũng vô cùng giá trị. Có thể cuộc sống lấy đi của cậu một điều gì đó nhưng lại mang đến cho cậu một tâm thái kỳ lạ, tách biệt mình với xung quanh và cả cơn gió rét để có thể tận hưởng từng chút hương vị của mọi thứ. Khi ăn, tôi không để ý đến món ăn, mà đầu óc lại suy nghĩ vẩn vơ đến những điều khác. Tôi để ý những người ra vào, các cặp đội họ dành tình cảm cho nhau ra sao. Tôi để ý nhóm kia đang bàn chuyện gì, chuyện làm ăn nào hay nói xấu người khác.  Hay những đứa trẻ vẫn cứ ngang bướng như thế, không để yên cho bố mẹ chúng được ăn một cách thoải mái. Và rồi tôi lại nghĩ đến hiện tại, tương lai, đến công việc, cuộc sống. Cũng như bao người tôi đến ăn là để thưởng thức nhưng rồi lại chẳng biết nên tả lại món ăn đó như thế nào, hay ho ra sao, khác gì với những quán khác.

Tôi không tự nhận mình hơn kém ai và cũng có lẽ cậu thanh niên kia cũng không phải là một Nam nào đó mà tôi đang nghĩ. Tôi chỉ đang tự chất vấn chính mình: có phải tôi đã quá quan tâm đến cảm giác của người khác mà quên mất cảm giác của chính mình không?

Giao lưu tác giả cuốn “Thưởng trà dưới mái hiên nhà”

Hôm vừa rồi có vị sư Trụ trì đến thăm công ty. Thầy có hỏi cả công ty có biết trà và chè khác gì nhau. Người thì nói là chè thì được trồng ở Thái Nguyên, từ lá chè được sao khô pha nước sôi xong thưởng thức thì gọi là chè. Còn trà thì chắc là cao cấp hơn, với trong Nam phân biệt chè là lá tươi, còn trà là khi được sao lên hay là trà được chế biến, dệt hương thêm nhiều hương vị khác... Thầy nói sai hết, trà và chè chẳng khác gì nhau. Chẳng qua ở ngay đây thôi, như vùng Thạch Thất, người ta hay nói nhầm nguyên âm a với e, hay ày với ài. Bảo sao chùa Sài ở Sài Sơn thì đọc thành chùa Thày đến giờ cả nước ai cũng gọi là chùa Thầy. Hơn nữa 90% người Việt phát âm sai "tr" và "ch", 10% còn lại thì chưa thấy đâu. Thầy tính cũng hài hước nhưng có lẽ đó là cách giải thích hợp lý nhất tính đến hiện tại. 

Nghệ thuật Trà đạo nổi tiếng ở Nhật Bản luôn đòi hỏi sự tinh tế kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Đó là đại diện cho một văn hóa của Nhật, với họ trà là lối dẫn nhập đến cõi thiền hoặc một cõi tinh thần nào đó của người Nhật. Thiền thì chắc chắn phải thong thả, ung dung rồi. Ở Việt Nam không có trà đạo, mà tất cả những gì liên quan đến trà đều dung dị, mộc mạc. Thực ra ở đâu cũng vậy, trà đạo bản chất không cần cầu kỳ về dụng cụ hay kỹ thuật pha chế, nó nằm ở tinh thần của người pha trà và thưởng trà. Ở Việt Nam đó là tinh thần trọng thị, tôn kính hay sự gần gũi thân mật giữa con người với nhau. 
Như vị sư trụ trì đã nói trà với chè không khác gì nhau. Hãy đưa tất cả trở về với bản chất nguyên thủy của trà: một thứ thức uống, để giải khát và để thưởng thức. Sự khác nhau trong chế biến và thưởng thức chính là những bối cảnh khác nhau: thiền, thanh nhàn, mưu sinh... Trà hay chè, đối với người Việt là thứ kết dính con người, như bạn bè, thành viên trong gia đình, hàng xóm, cộng đồng rộng lớn. Bên chén trà, người ta hàn huyên tâm sự trao nhau đủ thứ thông tin.  Hoặc có người tìm đến trà để tìm đến sự thanh tịnh nhẹ nhàng sau ngày dài làm việc và tránh xa chốn xô bồ mỏi mệt. Vậy nên đừng cố gắng tách biệt trà khỏi đời sống hãy để trà là con đường dẫn nhập đến tinh thần thoải mái, tự do.

Ngày đông giá rét, nếu có đi qua phố Tông Đản ta có thể ghé vào quán "Thưởng trà" - phòng 310, số 2 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chủ quán là hai vợ chồng Việt Bắc - Lê Ngọc Linh, cũng là đồng tác giả sách về trà Việt Nam: " Thưởng trà dưới mái hiên nhà". Trong đó anh Việt Bắc chính là chuyên gia lăn lộn với trà Việt từ bao năm nay. Quán nằm trên tầng 3, tầng 1 là hàng ăn, bạn có thể hỏi chủ quán, họ sẽ chỉ lên. Quán không quá rộng, nhưng với đủ các loại trà, cùng hương trầm nhẹ nhàng, đủ đem đến cho bạn sự ấm áp, thanh tịnh. 

-----

"Ngay lúc này, hãy rời mắt khỏi những dòng chữ vô bổ, nhìn về phía con đường, thứ đang đập vào mắt ta tức khắc chính là những cảnh đời mưu sinh vội vã, khi những vệt mồ hôi còn chưa ráo, hay đôi bàn tay còn co quắp bấu lấy làn hơi ấm phà ra từ đôi môi hé mở cũng tím đi vì giá buốt, thì một tách trà với lóng lánh đá bên trong, hay cốc lớn trà nóng để đôi tay lạnh quắp có thể vồ lấy chẳng phải đó là sự an ủi dịu dàng nhất hay sao. Hãy để trà bình dị và ân cần bên ta dọc đường mưu sinh." (Trích Thưởng trà dưới mái hiên nhà)

Cảm xúc ngắn về Hoàng thành Thăng Long

Tháng 1 năm Giáp Tý (544), Lý Bí lên ngôi, xưng là Nam Việt Đế, lấy niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân. Ông chính là vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam. Sau đó cách ông vài trăm năm, có một vị vua xưng đế khác là Đinh Tiên Hoàng đế - với tên nước là Đại Cồ Việt đóng đô ở Hoa Lư. Việc xưng danh Hoàng Đế chính là thể hiện sự tối cao ngang bằng với hoàng đế của triều đại phong kiến Trung Hoa. Một điều nữa, kể từ khi Lý Thái Tổ rời đô về Thăng Long, suốt gần 1000 năm lịch sử, nước ta luôn có tên là Đại Việt. Điều này khác với Trung Quốc, tên nước đi kèm với tên các triều đại như: Đại Tống, Đại Nguyên, Đại Minh hay Đại Thanh. Điều này cho thấy một niềm tin mạnh mẽ, xuyên suốt và cho đến ngày nay, từ thời của Nam Việt Đế Lý Bí rằng, các vị vua và những thần dân luôn coi mình là người Việt – vốn là những người thuộc các vùng đất Bách Việt xưa kia ở phía Nam Sông Dương Tử vì chiến tranh loạn lạc, vì bị cướp mất đất đai mà phải di tản về phương Nam, sống cùng với cư dân Lạc Việt vốn đã định cư từ lâu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Một đất nước lấy lại chủ quyền với tên gọi là Vạn Xuân, Đại Cồ Việt hay Đại Việt này chính là vùng đất cuối cùng của những người Việt và không bị Hán Hóa trong suốt hàng nghìn năm lịch sử của sự xâm lược và đô hộ. Vùng đất này chính là nơi kết lại tinh hoa trí tuệ của các dân tộc Việt cho đến ngày nay, cũng là nơi mang đầy những tâm tư hoài niệm của bao thế hệ về tổ tiên hạnh phúc no ấm cho đến khi bị những kẻ xâm lược đến cướp phá. Thăng Long thành với suốt chiều dài lịch sử 1000 năm chính là trung tâm, là nơi tụ hội của trí tuệ và niềm tin của người Việt. Từ thời của Nam Việt Đế, dù là các vị đế vương đa số có gốc từ phương Bắc, nhưng đều đến từ đất Bách Việt xưa, họ luôn đau đáu một nỗi niềm về việc xây dựng lại cơ đồ của người Việt, xây dựng lại một nền văn minh Việt tiên tiến, sánh ngang với những nền văn minh khác.


Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

                           Bà Huyện Thanh Quan

Đến khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, hẳn bạn cũng sẽ giống như tôi, chúng ta đều có cùng một cảm giác là tiếc nuối. Kinh thành tráng lệ xưa nay còn đâu. Giờ chỉ còn lại cổng Đoan Môn, đôi bệ đá rồng nơi điện Kính Thiên. Những gì còn lại của một thủa vàng son chỉ còn là vô số những viên gạch nung, giếng nước, những mảnh vỡ hoa văn chạm khắc tinh xảo. Đó là những viên gạch xám thời Tống Bình – Đại La, những viên gạch đất nung vẫn còn giữ lại màu đỏ thời Lý – Trần và gạch vồ thời Lê. Thành cửa Bắc, Đoan Môn, đôi Rồng đá điện Kính Thiên được giữ lại từ thời Lê sơ. Khu bảo tàng vẫn lưu giữ được một thanh gươm nhỏ bị gãy và một vài mảnh thân của một tượng rồng lớn thời Lý là vật đặc biệt còn sót lại, còn lại đa số là đồ gốm sứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản… có thể đã được các vua chúa từ xưa sử dụng. Sang di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, thì cảm giác thật hụt hẫng. Không còn nhiều nhưng di tích còn lại của ngày xưa, những gì còn lại chỉ có những bệ đá, móng sỏi vốn được dùng để kê cột, được giải thích là những cung điện rộng lớn khi xưa. Không có một thiết kế 3D nào mô tả lại những cung điện ấy. Không có tranh vẽ hay bất cứ thứ gì được cha ông để lại, chỉ có những mô tả ngắn gọn trong sử sách của các sử gia xưa kia. Vậy là Thành Thăng Long nguy nga – biểu tượng của nước Đại Việt thời trung đại khi xưa mãi mãi chỉ còn trong sử sách. Có lẽ không chỉ có tôi, bất cứ ai đến đây cũng mong muốn được nhìn thấy nhiều hơn những gì còn lại. Có thể là một vài thanh gươm, một ngai vàng, một vài bộ trang phục, những bức tranh hay những vật báu… tất cả chỉ để làm vơi đi trí tò mò về một cung đình xưa, về cuộc sống và những cuộc chiến tranh đã đi qua.


Thời Tần Thủy Hoàng, Trung Quốc đã có đến 40 triệu dân, quá đủ để gây dựng lên một đế chế hùng mạnh, đủ xây lên Vạn Lý Trường Thành và một đội quân đất nung hùng hậu bảo vệ lăng mộ nhà vua. Đại Việt cũng từng được coi là một đế chế thời vua Lê Thánh Tông. Đó là đỉnh cao phát triển thời phong kiến quân chủ. Có thể nói nước ta thời trung cổ có thể nhỏ bé hơn Trung Hoa nhưng không hề kém so với bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới thời đó. Thời đỉnh cao của chế độ phong kiến qua đi có những quốc gia chọn lựa đi theo con đường khai sáng mới nhưng lại có những quốc gia tiếp tục con đường cũ. Và rồi lịch sử mỗi nơi lại tiếp tục. Chúng ta không thể trách cha ông, bởi đó là lựa chọn tất yếu để giữ sự tồn vong của dân tộc trước áp lực quá lớn của đế chế phương Bắc và hoàn cảnh lịch sử không cho phép. Nhưng vẫn đó những tiềm năng để nước Việt trở lại mạnh mẽ hơn.


Hãy đến đây để cảm nhận năng lượng của những thời đại oai hùng đã qua. Thời đại của những vị vua, những bậc hiền tài hay những vị anh hùng, tất cả họ để đã từng đến đây họp bàn việc nước, từng sống ở đây, từng mang những ưu tư về thời cuộc. Lịch sử nghìn năm của dân tộc cũng hội tụ ở đây, và cảm giác vụt nhanh như mới chỉ là ngày hôm qua. Và như một điều vĩnh cửu, đó là niềm kiêu hãnh và tự hào mà bất cứ người Việt nào cũng có thể được khơi dậy, bởi năng lượng ấy đã nằm sẵn trong chúng ta rồi.

cảm xúc ngày đầu tuần

Sáng thứ hai, bầu trời vẫn âm u như những ngày trước. Bất chợt một tia nắng hiếm hoi chiếu tới rồi nhanh chóng bị những đám mây ...