Cảm xúc ngắn về Hoàng thành Thăng Long

Tháng 1 năm Giáp Tý (544), Lý Bí lên ngôi, xưng là Nam Việt Đế, lấy niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân. Ông chính là vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam. Sau đó cách ông vài trăm năm, có một vị vua xưng đế khác là Đinh Tiên Hoàng đế - với tên nước là Đại Cồ Việt đóng đô ở Hoa Lư. Việc xưng danh Hoàng Đế chính là thể hiện sự tối cao ngang bằng với hoàng đế của triều đại phong kiến Trung Hoa. Một điều nữa, kể từ khi Lý Thái Tổ rời đô về Thăng Long, suốt gần 1000 năm lịch sử, nước ta luôn có tên là Đại Việt. Điều này khác với Trung Quốc, tên nước đi kèm với tên các triều đại như: Đại Tống, Đại Nguyên, Đại Minh hay Đại Thanh. Điều này cho thấy một niềm tin mạnh mẽ, xuyên suốt và cho đến ngày nay, từ thời của Nam Việt Đế Lý Bí rằng, các vị vua và những thần dân luôn coi mình là người Việt – vốn là những người thuộc các vùng đất Bách Việt xưa kia ở phía Nam Sông Dương Tử vì chiến tranh loạn lạc, vì bị cướp mất đất đai mà phải di tản về phương Nam, sống cùng với cư dân Lạc Việt vốn đã định cư từ lâu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Một đất nước lấy lại chủ quyền với tên gọi là Vạn Xuân, Đại Cồ Việt hay Đại Việt này chính là vùng đất cuối cùng của những người Việt và không bị Hán Hóa trong suốt hàng nghìn năm lịch sử của sự xâm lược và đô hộ. Vùng đất này chính là nơi kết lại tinh hoa trí tuệ của các dân tộc Việt cho đến ngày nay, cũng là nơi mang đầy những tâm tư hoài niệm của bao thế hệ về tổ tiên hạnh phúc no ấm cho đến khi bị những kẻ xâm lược đến cướp phá. Thăng Long thành với suốt chiều dài lịch sử 1000 năm chính là trung tâm, là nơi tụ hội của trí tuệ và niềm tin của người Việt. Từ thời của Nam Việt Đế, dù là các vị đế vương đa số có gốc từ phương Bắc, nhưng đều đến từ đất Bách Việt xưa, họ luôn đau đáu một nỗi niềm về việc xây dựng lại cơ đồ của người Việt, xây dựng lại một nền văn minh Việt tiên tiến, sánh ngang với những nền văn minh khác.


Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

                           Bà Huyện Thanh Quan

Đến khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, hẳn bạn cũng sẽ giống như tôi, chúng ta đều có cùng một cảm giác là tiếc nuối. Kinh thành tráng lệ xưa nay còn đâu. Giờ chỉ còn lại cổng Đoan Môn, đôi bệ đá rồng nơi điện Kính Thiên. Những gì còn lại của một thủa vàng son chỉ còn là vô số những viên gạch nung, giếng nước, những mảnh vỡ hoa văn chạm khắc tinh xảo. Đó là những viên gạch xám thời Tống Bình – Đại La, những viên gạch đất nung vẫn còn giữ lại màu đỏ thời Lý – Trần và gạch vồ thời Lê. Thành cửa Bắc, Đoan Môn, đôi Rồng đá điện Kính Thiên được giữ lại từ thời Lê sơ. Khu bảo tàng vẫn lưu giữ được một thanh gươm nhỏ bị gãy và một vài mảnh thân của một tượng rồng lớn thời Lý là vật đặc biệt còn sót lại, còn lại đa số là đồ gốm sứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản… có thể đã được các vua chúa từ xưa sử dụng. Sang di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, thì cảm giác thật hụt hẫng. Không còn nhiều nhưng di tích còn lại của ngày xưa, những gì còn lại chỉ có những bệ đá, móng sỏi vốn được dùng để kê cột, được giải thích là những cung điện rộng lớn khi xưa. Không có một thiết kế 3D nào mô tả lại những cung điện ấy. Không có tranh vẽ hay bất cứ thứ gì được cha ông để lại, chỉ có những mô tả ngắn gọn trong sử sách của các sử gia xưa kia. Vậy là Thành Thăng Long nguy nga – biểu tượng của nước Đại Việt thời trung đại khi xưa mãi mãi chỉ còn trong sử sách. Có lẽ không chỉ có tôi, bất cứ ai đến đây cũng mong muốn được nhìn thấy nhiều hơn những gì còn lại. Có thể là một vài thanh gươm, một ngai vàng, một vài bộ trang phục, những bức tranh hay những vật báu… tất cả chỉ để làm vơi đi trí tò mò về một cung đình xưa, về cuộc sống và những cuộc chiến tranh đã đi qua.


Thời Tần Thủy Hoàng, Trung Quốc đã có đến 40 triệu dân, quá đủ để gây dựng lên một đế chế hùng mạnh, đủ xây lên Vạn Lý Trường Thành và một đội quân đất nung hùng hậu bảo vệ lăng mộ nhà vua. Đại Việt cũng từng được coi là một đế chế thời vua Lê Thánh Tông. Đó là đỉnh cao phát triển thời phong kiến quân chủ. Có thể nói nước ta thời trung cổ có thể nhỏ bé hơn Trung Hoa nhưng không hề kém so với bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới thời đó. Thời đỉnh cao của chế độ phong kiến qua đi có những quốc gia chọn lựa đi theo con đường khai sáng mới nhưng lại có những quốc gia tiếp tục con đường cũ. Và rồi lịch sử mỗi nơi lại tiếp tục. Chúng ta không thể trách cha ông, bởi đó là lựa chọn tất yếu để giữ sự tồn vong của dân tộc trước áp lực quá lớn của đế chế phương Bắc và hoàn cảnh lịch sử không cho phép. Nhưng vẫn đó những tiềm năng để nước Việt trở lại mạnh mẽ hơn.


Hãy đến đây để cảm nhận năng lượng của những thời đại oai hùng đã qua. Thời đại của những vị vua, những bậc hiền tài hay những vị anh hùng, tất cả họ để đã từng đến đây họp bàn việc nước, từng sống ở đây, từng mang những ưu tư về thời cuộc. Lịch sử nghìn năm của dân tộc cũng hội tụ ở đây, và cảm giác vụt nhanh như mới chỉ là ngày hôm qua. Và như một điều vĩnh cửu, đó là niềm kiêu hãnh và tự hào mà bất cứ người Việt nào cũng có thể được khơi dậy, bởi năng lượng ấy đã nằm sẵn trong chúng ta rồi.

2 nhận xét:

  1. DVD mong được một lần thăm Thăng Long Thành!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thăng Long Thành, Văn Miếu, Hồ Hoàn Kiếm... có rất nhiều nơi ạ.
      Cháu cũng rất mong một ngày được gặp chú ngoài Hà Nội. :)

      Xóa

Anhnh.thienloc@gmail.com

cảm xúc ngày đầu tuần

Sáng thứ hai, bầu trời vẫn âm u như những ngày trước. Bất chợt một tia nắng hiếm hoi chiếu tới rồi nhanh chóng bị những đám mây ...