Chúng ta nhận được gì tự việc đọc sách? (1)

Trước hết ta có thể đi sơ qua về việc đọc sách cũng như xu hướng tương lai của ngành xuất bản ở Việt Nam.

Cafe Trung Nguyên 52 Hai Bà Trưng chắc chắn dành cho những vị khách thích không gian yên tĩnh, trầm lắng. Nằm phía sau thư viện Quốc Gia, đây là không gian mà một phần nào đó giống cho nơi gặp gỡ trong tương lai giữa ngành công nghiệp cafe đang phát triển mạnh mẽ và ngành công nghiệp tri thức vẫn còn đang chờ đợi bùng nổ. Sách tuy không nhiều, được bày có lẽ để trang trí nhiều hơn là để dễ dàng cho khách chọn lựa. Ánh đèn vàng dịu, màu đen của giá sách, bàn ghế càng khiến cho không gian bên trong thêm phần lịch lãm, sâu lắng. 

Trong buổi tọa đàm về sách ở Việt Nam, diễn giả hỏi một câu hỏi đã quá quen thuộc với bất cứ ai làm việc trong ngành sách: "Bây giờ tôi hỏi các bạn đang ngồi đây, có bao nhiêu bạn có bố mẹ, anh chị em thường xuyên đọc sách? Hay những ai có cô dì chú bác, ông bà và thậm chí là bạn bè, hàng xóm thường xuyên đọc sách thì hãy giơ tay?" Chỉ có một hai cánh tay nào giơ lên. Tác giả cười tươi như kiểu đó tôi biết ngay mà. Trong những người có mặt ở đây, thậm chí những người thường xuyên đọc sách có khi còn ít hơn và quanh họ thì hầu như không có mấy ai quan tâm đến sách. Như vậy thị trường sách ở Việt Nam nhỏ bé đến như vậy ư? Con đường nào để ngành công nghiệp này phát triển đây?


Nhật Bản có dân số rơi vào khoảng 126 triệu dân, có 3000 nhà xuất bản lớn nhỏ, trong khi ở Việt Nam với 100 triệu người, số lượng đang dừng ở 60. Năm 2018, doanh thu toàn ngành xuất bản ở Nhật đạt 9 tỷ euro với số lượng bản sách phát hành ra là 942 triệu bản, số lượng đầu sách mới ra là xấp xỉ 72 nghìn đầu (trung bình là 200 đầu sách phát hành/ngày). Năm 1977, ở xuất bản tại Nhật đạt đến đỉnh cao là 1,6 tỷ bản sách được bán ra (nguồn: Internet). 9 tỷ euro (tương đương với 225 nghìn tỷ VNĐ) là một con số khổng lồ, tuy nhiên cũng tại thời điểm năm 2018, doanh thu này lại đang trên đường giảm sút do sự phát triển bùng nổ của Internet với lượng thông tin khổng lồ và các loại hình giải trí đa dạng. Như một tất yếu, các nhà xuất bản ở đây cũng phải tìm mọi cách để tồn tại để phát triển trong hoàn cảnh khó khăn mới. Hiệp hội xuất bản Nhật Bản hiện gồm 413 thành viên (trong số hơn 3000 nhà xuất bản lớn nhỏ) có văn phòng tại tòa nhà Publisher club building, nằm ở trung tâm Tokyo. Trọng tâm hiện tại của hiệp hội là thúc đẩy việc xuất khẩu bản quyền sách của Nhật ra thế giới.  

Việt Nam đang là nước nhập siêu bản quyền sách từ nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn, Trung Quốc.  Cũng giống như Nhật Bản, Hàn Quốc thời kỳ đầu mới phát triển, họ cũng là nước nhập siêu văn hóa và khoa học từ nước ngoài, đặc biệt là phương Tây và Mỹ. Ban đầu cũng là sự bỡ ngỡ, ồ ạt, đa dạng, tuy nhiên sau một thời gian ngắn, những thứ được du nhập được bắt đầu được chọn lọc theo những tiêu chí phù hợp với văn hóa và thị trường trong nước. Từ nền tảng chọn lọc và thích nghi, các quốc gia này bắt đầu sáng tạo lên những thứ cho riêng mình mà ngày nay đã được xuất khẩu trở lại ra thế giới. Nhưng bí mật đằng sau sự phát triển của ngành xuất bản các quốc gia này là gì? Đó chính là thói quen đọc và viết.


Nhật Bản, tuy có dân số già, nhưng đây là nơi mà người ta có thể viết bất cứ điều gì để được xuất bản. Ở Mỹ thì nổi tiếng với hình ảnh những nhà hùng biện trước đám đông, hay các sinh viên chất vấn lẫn nhau trong các cuộc thi. Để viết được, nói được thì cần phải đọc, mà để viết hay và nói hay thì lại càng phải đọc nhiều thể loại hơn và càng phải trải nghiệm nhiều hơn. Diễn giả hỏi rằng: ở Việt Nam liệu bạn có thể tìm được ở đâu một quyển sách nói về đọc diễn văn trong đám cưới hay không? Chắc chắn 120% là không, thậm chí nhiều người còn cho điều đó là ngớ ngẩn. Nhưng Nhật Bản thì có, một hiệu sách lớn có thể đáp ứng hầu hết những nhu cầu của người mua. Sự chuyên nghiệp là họ nghiêm túc đối diện với mọi vấn đề của đời sống và từ đó tìm mọi cuốn sách để học hỏi, nghiên cứu.

Càng đọc và suy ngẫm nhiều, người đọc lại càng muốn truyền tải thông điệp của mình nhiều hơn. Từ đó tạo nên thói quen viết, trao đổi. Tất cả các vấn đề mà họ biết và có kinh nghiệm đều được chia sẻ và truyền tải. Từ một nhóm nhỏ ban đầu, họ sẽ được thúc đẩy truyền tải thông điệp đến những nhóm lớn hơn. Từ đó các tác phẩm được xuất bản, được phân phối và truyền thông. Nền kinh tế càng phát triển, nhu cầu đọc và truyền tải thông điệp ngày càng mạnh mẽ hơn, nhờ đó ngành xuất bản cũng ngày càng phát triển. Việc tạo nên một hệ sinh thái cho việc “đọc – suy ngẫm – nói – viết” chính là một yếu tố cơ bản cho sự phát triển của ngành công nghiệp xuất bản của một Quốc gia. Hiện Việt Nam có rất nhiều diễn đàn để bàn luận các vấn đề về lịch sử, kinh tế, triết học… Tuy nhiên chưa có đơn vị nào đầu tư đúng mức cho sự phát triển của những diễn đàn này để chúng có thể mở rộng ra toàn xã hội. Bên cạnh đó đã có một số đơn vị xuất bản trực tuyến có lợi nhuận như Waka hay Ipub. Tuy các tác phẩm vẫn chỉ dừng lại ở thể loại truyện dài hay tản văn, nhưng có thể thấy các bạn trẻ Việt cũng có nhiều ham mê về đọc và viết. Tất cả đều đang ở bước đầu và cũng giống như chọn lọc tự nhiên, những tác phẩm có giá trị sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển để định hướng cho người viết tiếp tục con đường ngày càng chuyên nghiệp hơn của họ. 

Có một khó khăn chung cho ngành xuất bản trên toàn thế giới đó là sự phát triển bùng nổ của Internet và các phương tiện giải trí khác. Internet chứa kho dữ liệu khổng lồ, bất cứ điều gì cần tìm hiểu, trên Internet đều có, nhưng nó cũng là một bãi rác cũng khổng lồ không kém. Nếu như sách (sách giấy, ebook, audio book…) cần có sự kiểm định về nội dung, cần sự nghiên cứu, kinh nghiệm của có khi cả một lịch sử dài để tạo nên tác phẩm thì Internet có quá nhiều thứ được cóp nhặt và hầu hết đều được xuất bản tự do nên không thể đạt được chất lượng tốt về mặt nội dung. Bên cạnh đó đọc trên internet ngay cả ebook hay audio book giống như là ta đang tiêu dùng thông tin hơn là một sự thực hành tư duy – vốn chỉ diễn ra khi ta tập trung và không bị sao nhãng khi đọc một cuốn sách giấy. Tác hại của ham mê game, hay xem những video nhảm trên youtube hoặc ngồi lâu trước màn hình Tivi để giết thời gian đã được khoa học chứng minh rõ ràng: chúng không phục vụ cho tư duy chủ động. Vậy nên thói quen đọc ở đây không phải là chỉ đọc đơn thuần, nó là thói quen đọc với sự tập trung, suy ngẫm và đánh giá. Dù không thực hành trên thực tế, nhưng khi đọc sách, tức là ta đang ở bước đầu tiên của thực hành đó là tư duy trong não bộ. Đây là điều mà các thông tin trên Internet vốn có nhiều thứ gây mất tập trung không thể làm được. Khả năng tập trung chính là một trong những yếu tố tạo nên thành công. 


Điều cuối cùng, người Việt đang ưa chuộng những sách gì? Có thể nhìn ngay trên Tiki, những cuốn sách thuộc top bán chạy thường là sách kỹ năng, sách tâm linh, tiểu thuyết. Trong khi đó, tại Nhật Bản, sách thuộc top bán chạy là những cuốn sách tri thức nền tảng như lịch sử, triết học, y học, kinh tế, chính trị… Mình không đánh giá sách kỹ năng, tiểu thuyết đặc biệt là những dòng sách từ Trung Quốc là không có giá trị, nhưng dường như từ tên sách và trang bìa, tất cả cố gắng chạy theo xu hướng của giới trẻ là thích “mỳ ăn liền”, trẻ, đẹp, nhanh gọn nhẹ, không phải nghĩ. Tuy nhiên, có thể thấy nhiều sách về lịch sử Việt Nam và thế giới hay những cuốn sách về triết học hay kinh tế từ dễ đến khó vẫn đang được âm thầm tái bản thường xuyên dù không cần đến sự thổi phồng quá mức của truyền thông. Điều này cho thấy, các sản phẩm của thị trường xuất bản đang dần được chọn lọc cẩn thận hơn, người đọc sẽ dần hướng đến những tác phẩm có giá trị hơn và cần suy ngẫm nhiều hơn.

Do đó việc đánh giá làm việc trong ngành xuất bản là thu nhập thấp, sách khó bán, không ai đọc… là sai lầm của những người không tìm thấy những giá trị từ sách, hoặc đã đọc nhầm những cuốn sách vô giá trị. Ngay trong gia đình, cha mẹ cần có một không gian đọc sách cho con, ở nhà trường, giáo viên thay vì chỉ dạy từ sách giáo khoa, cần tham khảo thêm những từ những cuốn sách có giả trị để khởi dậy lên niềm đam mê từ học sinh. Sinh viên cần được tạo điều kiện để thường xuyên trao đổi, phản biện về các vấn đề được đưa ra. Hội xuất bản Việt Nam cần liên kết các nhà xuất bản, các công ty liên kết phát hành để tạo ra môi trường để hệ sinh thái “Đọc – suy ngẫm – viết – nói” của người đọc được phát triển. Và như các ngành công nghiệp khác, trước khi nói tới việc xuất khẩu bản quyền ra thế giới, với thị trường 100 triệu dân, ngành xuất bản Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Do đó, người làm sách không nên bi quan mà cần tiếp tục làm ra nhiều điều có giá trị hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và thích ứng với môi trường công nghệ hiện tại.

Áo số 9

Sự nghiệp bóng đá bắt đầu với chiếc áo số 9 kèm quần đùi hoa chạy tung tăng trên sân, khiến nhiều người tưởng thanh niên ở bãi biển nào đi lạc vào đây.😆


Đã từng chơi các vị trí tiền đạo, tiền vệ, trung vệ, kể cả thủ môn, nên cái gì cũng biết một ít, nhưng chốt lại không biết mình giỏi ở vị trí nào (biết nhiều quá cũng khổ). Bị cận nhưng cũng nhảy lên không chiến đầy mạnh mẽ xong xin dừng trận đấu để nhờ thủ môn đội bạn tìm hộ cho cái kính bị bắn đi đâu mất.

Cũng từng vùi dập một số đội và cũng bị một số đội vùi dập nhưng đa số là ngang cơ. Đá có thắng có thua, còn chẳng may có vài tình huống bóp team thì như cơm bữa. Có trận chung kết hết hiệp 1 đang dẫn 3-0, cùng anh em hò reo cầm cúp giơ lên như những nhà vô địch, sang hiệp 2 bị đội bạn dập lại bốn quả, anh em trở thành đội về nhì mà chưa kịp hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Đúng là trong bất cứ việc gì, 30 chưa phải là tết, vui thôi đừng vui quá.😂


Sinh viên đi đá bóng lúc nào cũng tinh thần giao lưu, thắng thua không quan trọng, mà quan trọng là ai trả tiền sân.  Không biết có anh em trong đội bóng H4 nào còn nhớ khoảnh khắc ôm nhau như điên khi ăn mừng bàn thắng không? 😚

Laika cafe: trẻ trung, năng động và thông điệp vì môi trường.

Một trong những điều đặc biệt của Laika cafe là: ống hút giấy. Có thể đây là lý do cùng với vị trí hai mặt tiền trên phố Trung Hòa mà đồ uống ở đây không hề rẻ (45-49k/ly đồ uống). Quán phục vụ cafe, trà hỗn hợp, sinh tố nước ép, đặc biết có cafe trứng và cacao trứng. Tuy nhiên vì đến vào buổi chiều nên mình không chọn cafe, mà đồ uống có trứng thì hết nên tạm gọi cốc trà cacao matcha thêm trân châu đen. Đồ uống thì với kẻ không biết thưởng thức như mình thì thấy cũng không có gì đặc biệt. Ngoài ống hút giấy thì quán có không gian thiết kế và trang trí bên trong và bên ngoài khá đặc trưng.

Bề ngoài của Laika cafe khá đơn giản, nước sơn màu xanh ngọc nhạt cùng khung gỗ giả kê mái làm cho quán trông giống với một cửa hàng mặt phố thời bao cấp. Tầng 1 rất thoáng, không có gì ngăn cách với bên ngoài ngoài hàng rào gỗ thấp. Ngồi bên trong mà khách hàng vẫn có cảm giác gần gũi với việc ngồi vỉa hè hơn là các quán cafe khác vốn thường được dựng kín bởi tường kính. Vào mùa hè thì chưa rõ quán sẽ sử dụng điều hòa như thế nào. Bên trong thì mọi thứ được bày biện theo phong cách trẻ trung và bình dân đúng kiểu Việt Nam. Luôn có khoảng không gian hay một chậu cây nhỏ ngăn cách giữa các vị trí ngồi, điều này vẫn đảm bảo sự riêng tư nhất định cho khách hàng. Bàn ghế được xếp quây tròn lại, các chỗ ngồi sắp xếp linh hoạt chứ không trật tự hàng lối để tiết kiệm mọi không gian như những nơi khác. Nếu ai tìm một chốn sang trọng, bận rộn hay một nơi tĩnh lặng để ngắm nhìn phố xá thì không hợp, còn nếu vào với mục đích gặp gỡ bạn bè, họp nhóm vui vẻ thì đây là lựa chọn không tồi. 

Điều đầu tiên chào đón khách hàng là đàn cá koi ở... dưới chân. Đó là một hồ cá nhỏ, có cầu gỗ để khách bước qua. Màu sắc đặc trưng ở đây là màu vàng, từ áo đồng phục nhân viên, ánh sáng bàn ghế, màu sơn tường bên trong. Đây là một loại màu sắc gợi lên sự tươi vui, trẻ trung, năng động. Thật khó để tập trung làm việc với màu sắc như thế này, nhưng lại phù hợp để ngồi cà kê hay sáng tạo ra những ý tưởng vui vẻ. Tầng 1 bàn ghế khá nhỏ và thấp, tầng 2 thì chỗ ngồi đa dạng hơn với ghế salon, gối ôm, bàn ghế cao phù hợp để ngồi thư giãn hay làm việc với máy tính. Ban công trên tầng được sắp xếp với bàn tròn, ghế khung màu xanh đậm giả kim loại gợi cảm giác về những thập niên 20 - 30, đây là địa điểm thu hút các bạn trẻ vào chụp ảnh check in.


Đến Laika, nhìn các bạn trẻ, mình cũng thấy cần phải trẻ trung năng động trở lại. Bên cạnh đó, cuộc trò chuyện với một người bạn cũng khiến mình học được nhiều điều. Yếu tố quan trọng thu hút khách của quán cafe chính là phong cách của quán cafe đó. Cũng như bất cứ công việc kinh doanh nào khác, phong cách ấy chính là biểu hiện của triết lý riêng và xuyên suốt từ điều nhỏ nhất. Triết lý cũng biểu hiện ra từ cái cúi người chào khách hay thông điệp không rác thải nhựa từ hành động thực tế. Cũng như trong cuộc sống, triết lý tạo ra nền tảng và giúp ta đi đúng hướng và tránh được sự rối loạn. Ta sẽ không cần phải mất nhiều công sức để cân nhắc những lựa chọn. Nhưng triết lý bắt đầu từ đâu? liệu có phải là từ khi ta bắt đầu quan tâm đến mơ ước của mình sau những trải nghiệm trong cuộc sống? Và triết lý lại đặt ra một thách thức: đó là sự kiên trì để thực hiện ước mơ ấy.

Tọa đàm//: "Trong khi chờ đợi Godot" - Đi tìm ý nghĩa từ sự phi lý.

Nếu như ai đã xem bộ phim ngắn "who are you" trên youtube hẳn sẽ có sự liên tưởng về sự tương phản giống mình. Một chiếc hộp không có gì bên trong, biểu thị cho sự trống rỗng, nhưng chính nhờ sự trống rỗng ấy mà nhân vật the writer có thế tự mình tìm ra rất nhiều ý tưởng. Nhưng tác phẩm "trong khi chờ đợi Godot" lại ở mặt ngươc lại, đầy ắp những hành động, lời thoại nhưng lại để lại trong lòng người đọc một sự trống rỗng, sự trống rỗng của việc chờ đợi trong vô vọng. Với những lời giới thiệu, hẳn phải là một người đọc can đảm mới có thể đọc cuốn sách này và đối diện với những sự vô nghĩa đến phi lý bên trong. Bạn có thể xem vở kịch trên youtube hoặc mua sách do Nhã Nam phát hành.

Buổi tọa đàm diễn ra tại trung tâm văn hóa Pháp trên phố Tràng Tiền, có hai diễn giả ở Việt Nam, một diễn giả đang ở  Mỹ và khoảng hơn năm mươi bạn đọc đến dự. Ngay từ ngoài cửa, sắc vàng ấm áp đã tràn ngập: ánh đèn, màu sơn tường, màu vàng từ những kệ sách ở trong phòng. Trong hơn một tiếng đồng hồ, các diễn giả bàn luận rất sôi nổi về tác giả Samuel Beckett, tóm tắt lại vở kịch, các quan điểm và bàn về thể loại phi lý trong kịch nói và văn học. Lâu rồi mình mới cảm nhận được sự nhiệt tình lan tỏa từ các diễn giả đến vậy. Cả khán phòng có đa số là các bạn trẻ và có những người đã luống tuổi, tuy chiếm số ít.


Với nghệ thuật phi lý có thể tiêu biểu một số tác giả mà ta đã biết như Kafka, Haruki Murakami, Italo calvino với các tác phẩm mà nhiều người biết đến như: Vụ án, nhảy nhảy nhảy, cuộc săn cừu hoang, 1980, nếu một đêm đông có người lữ hành, nam tước trên cây... Và giờ đây, buổi tọa đàm bàn luận về Samuel Beckett với tác phẩm chuyển thể từ vở kịch "trong khi chờ đợi Godot". Dường như mỗi tác giả thế hệ trước lại ảnh hưởng đến những tác giả thế hệ sau. Nghệ thuật phi lý đi ngược lại với sự logic hay nhận thức thông thường. Do đó các tác phẩm thường không có cốt chuyện, đặc trưng nhân vật khá mờ nhạt. Thay vào đó, tác giả tập trung vào các lời nói và hành động, thường là khá dài dòng và khó hiểu. Điều làm lên sự phi lý chính là nhìn bề ngoài thì lời nói và hành động không liên quan gì đến nhau, cũng không liên quan gì đến mạch chuyện. Tất cả mọi chi tiết đều mang theo ẩn ý, một nghệ thuật và một triết lý ngầm ẩn nhằm chống lại một thế lực nào đó hay thể hiện một vài quan điểm nào đó về cuộc sống. Người xem từ đó có thể chia ra thành nhiều loại: chán nản ra về, cố gắng nán lại xem bí ẩn là gì, và trầm tư suy ngẫm. Để trải nghiệm những tác phẩm phi lý này, người đọc cần chuẩn bị cho mình một tâm thế đối diện với: nỗi sợ hãi, sự buồn chán và hiện thực trần trụi của cuộc sống con người. Đây không phải là loại hình để giải trí mà mang tính thách thức cao. 

Không ai biết Godot là ai, ngay cả chính tác giả. Kể từ khi ra đời, vở kịch đã gây ra nhiều tranh cãi và quan điểm trái chiều. Rất nhiêu quan điểm về tác phẩm được đưa ra, từ đơn giản đến phức tạp, điều đó minh chứng cho một điều rằng, văn chương nhiều khi lại là sự thách thức thời đại chứ không đơn giản là những tác phẩm dẫn dắt người đọc với cốt chuyện rõ ràng. Theo mình nghĩ thì vở kịch đã được viết nhanh chóng trong một trạng thái vô thức (có thể trong nỗi tuyệt vọng và trống rỗng chẳng hạn) tác giả đã không chỉnh sửa nhiều nhằm bóc trần một cách thô sơ nhất những gì đang diễn ra trong con người và giữa con người với nhau.


Godot có thể là bất cứ ai, bất cứ điều gì mà người đọc tự lý giải ra cho mình. Một vở kịch không hề yên lặng như sự trống rỗng vốn có mà đầy ắp những lời thoại và hành động. Nhưng thật kỳ lạ thay, tất cả được thiết kế ra chỉ để càng làm tăng thêm mức độ của sự trống rỗng. Godot không đến, hai nhân vật cũng chẳng nhúc nhích lấy một vài bước chân ra khỏi khung cảnh của mình. Họ cứ chờ đợi ngày qua ngày, với một niềm tin mơ hồ rằng Godot sẽ đến (thậm chí họ còn không tưởng tượng ra Godot là người thế nào). Hy vọng và rồi thất vọng, nó giống như ta không làm gì có giá trị, chỉ ngồi đó nguyện cầu cho điều may mắn sẽ tới. Rồi, nó tạo nên những con người khổ đau, buồn bã. 

Biên tập viên có đề cập đến một nhân vật Lucky, vốn là người nô lệ, phải chăng anh ta chính là người may mắn nhất trong vở kịch này như chính cái tên của mình. Anh ta có một cuộc sống mà bất cứ ai nhìn vào cũng khinh thường. Nhưng một điều quan trọng là Lucky không hề cảm thấy khổ sở: anh ta thoải mái ăn lại chỗ xương gà của chủ nhân mà không lời phàn nàn. Lucky sống kiếp nô lệ của mình với sự chấp nhận, tự tìm kiếm niềm vui và không trông chờ gì vào ngày mai. Cùng lắm thì mai kia, anh ta lại bị bán cho một người chủ mới và tiếp tục cuộc sống nô lệ của mình. Biên tập viên đã đặt ra câu hỏi: phải chăng chính việc chẳng có gì để chờ đợi lại là điều may mắn? Lucky chấp nhận cuộc sống hiện tại như một lẽ hiển nhiên. Xét trên giới hạn của vở kịch thì ta có thể thấy được sự hợp lý của ý kiến trên. Tất nhiên mình không hoàn toán tán đồng với cái nhìn đó.

Giống "Vụ án" của F.Kafka, cuốn sách không quá dầy, nhưng cũng đòi hỏi người đọc sự kiên nhẫn nhất định. Mình đã mất hơn 1 tuần để đọc "vụ án" nhưng quả thực cũng chỉ thấu được một vài điều trong tác phẩm. Để đọc những cuốn sách thể loại phi lý như thế này thì ta nên tham gia một buổi tọa đàm nào đó để có được cái nhìn đa chiều hơn. Từ đó người đọc sẽ đón nhận tác phẩm với một suy nghĩ khác thay vì từ bỏ. Bản thân mình đã quyết định chưa mua cuốn sách vì giống như "vụ án" của F.Kafka, thể loại văn học phi lý chưa phù hợp với nhu cầu của mình. 

Trích đoạn đối thoại giữa Estragon và Vladimir:
"Chúng ta có thể bắt đầu lại tất cả theo cách nào đó."
"Nó nên là cách dễ dàng."
"Nó là sự bắt đầu, nó nên khác đi."
"Bạn có thể bắt đầu từ bất cứ điều gì."
"Đúng vậy, nhưng ta cần phải đưa ra quyết định"... 

Họ bắt đầu rất nhiều: những cuộc thảo luận, tranh cãi, đùa giỡn ...  tuy nhiên vẫn đó là việc bắt đầu chờ đợi Godot mà không có hồi kết.

Review//: Lấy nước đường xa

Lấy nước đường xa – Cố gắng thêm chút nữa, điều kỳ diệu sẽ tới.

Lâu rồi mình mới đọc một cuốn sách dành cho thiếu nhi và đây là cuốn sách dễ đọc, gây xúc động và truyền cảm hứng tốt. Với hai câu chuyện đan xen, cuốn sách xứng đáng được đánh giá cao trên Amazon.

Đất nước Sudan năm 1985 xảy ra cuộc nội chiến giữa chính phủ miền Bắc và quân nổi dậy miền Nam không theo đạo Hồi. Vùng đất Nam Sudan tự trị năm 2008 lại chênh vênh bên bờ vực nội chiến giữa người Dinka và người Nuer. Thời sự vẫn đưa tin về những chiến sĩ mũ nồi xanh đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, nhưng phải đọc đến cuốn sách này, mình mới có thể cảm nhận được sự thống khổ của người dân đất nước ấy.

Nước là một thứ hiếm hoi ở đất nước Sudan trong hàng bao nhiêu thế hệ. Hàng ngày cô bé Nya phải đi một quãng đường dài từ sáng sớm, xách theo những can nhựa rỗng, để đi lấy nước từ một cái hồ vẩn đục và đầy đất cát. Nhưng đó là thứ quý giá nhất để duy trì sự sống cho gia đình và cả ngôi làng của cô bé. Trên con đường đi lấy nước thì Nya phải đối mặt với nắng nóng và cơn khát cháy cổ. Khi đến hồ, cô bé lấy gáo múc thứ nước đục đó và uống lấy uống để cho đã khát. Nhưng con đường về nhà lại gian nan hơn, những can nước đã đầy ắp, một cô bé yếu ớt vì đói nghèo phải mang những can nước đầy trở về nhà trước khi trời tối. Mùa cạn họ phải di chuyển đến hồ nước khác, dùng tay đào sâu xuống lớp bùn, và ngồi đợi cho nước thấm dần xuống hố nhỏ sâu bằng cánh tay đó cho đến khi đầy để lấy nước về sử dụng. Cuộc sống của Nya ngày qua ngày là như vậy, không có thời gian để đi học, nghèo đói bao trùm gia đình cô, cuộc sống tương lai cũng mịt mù với con đường đi lấy nước xa xôi và uống những thứ nước đầy bùn đất. 


Salva được sống trong gia đình đầy đủ hơn tất cả những người nghèo đói khác ở ngôi làng của mình. Nhưng rồi vào một ngày đi học bình thường, cuộc sống của cậu bỗng hóa thành bi kịch. Xung quanh cậu khi đó là tiếng súng nổ, tiếng máy bay gầm thét, tiếng thầy giáo hò hét học sinh nằm xuống, và hàng ngàn người bỏ chạy. Ngôi làng trở thành chiến trường và Salva lạc mất những người thân yêu của mình. Kể từ đó, mỗi ngày là một cực hình với cậu bé 11 tuổi bởi đói khát và cô đơn, cậu phải đi bộ một quãng đường xa xôi với niềm hy vọng nhỏ nhoi: đến được trại tị nạn ở Ethiopia. Nỗi khốn khổ khiến cho con người ta không còn cách nào ngoài việc lo cho chính mình, Salva may mắn không bị bỏ lại khi bị coi là kẻ vô dụng. Sự sợi hãi càng nhân lên khi trước mắt cậu là những người hấp hối trên sa mạc mà không ai có đủ nước để cứu giúp. Những bi kịch không thôi đeo bám lấy Salva, nhưng tất cả lại chẳng hề làm cậu gục ngã, ngược lại chúng khiến cậu càng thêm mạnh mẽ. Rồi từ Ethiopia, Salva lại cũng những người bạn vượt quãng đường xa để đến Kenya. Cuộc sống ở trại tị nạn có đồ ăn nhưng vẫn là những tháng ngày buồn chán và không có tương lại. Tuy vậy, Salva vẫn không ngừng học tập và lao động. Và rồi vận may cũng đã đến với người thanh niên 20 tuổi không biết từ bỏ. 

Nhiều người dân thiếu nước uống ở Nam Sudan phải mang theo bệnh tật vì thứ nước vẩn đục: em của Nya bị ốm, cha của Salva phải phẫu thuật vì thủng dạ dày... Hình ảnh dòng nước trong vắt phun lên từ miệng giếng giống như một điều kỳ diệu với Nya và những người dân trong làng. Niềm hy vọng đã trở thành hiện thực và đó chính là nơi gặp gỡ của hai câu chuyện, hai số phận.

Salva là người Dinka, Nya là người Nuer. Người Dinka và Nuer có mối thù gay gắt, giao tranh dai dẳng khiến cho nhiều người chết và sống trong khổ sở. Nhưng những người trẻ ở Nam Sudan vẫn không thôi hy vọng xóa bỏ hận thù và hàn gắn những vết thương. 

Trong khó khăn, Salva chỉ cần lẩm nhẩm câu thần chú trong đầu: hôm nay cố gắng thêm một chút nữa thôi, rồi ngày mai sẽ khác, cuối cùng cậu đã vượt qua và nắm lấy cơ hội lớn nhất của cuộc đời mình. Cuốn sách nhỏ, với ngôn ngữ khá nhẹ nhàng, không có nhiều cao trào. Vì thế sách phù hợp cho những cô bé và cậu bé ở tuổi đang cắp sách đến trường. Đọc sách các em có thể học được nhiều điều: hạnh phúc này thật quý giá và trong khó khăn, hãy kiên nhẫn đừng từ bỏ, niềm hy vọng dù nhỏ nhoi cũng sẽ thành hiện thực.

Chùa Tam Chúc - địa điểm tham quan, vãng cảnh.

Điểm giữ mình nán lại lâu nhất chính là phòng triển lãm Phật Giáo tại tầng 1, Điện Tam Thế. Phòng khá dài, bên ngoài có chỗ ngồi cho khách thập phương nghỉ ngơi. Bên trong khá yên tĩnh, với diện tích khoảng 800 m2, sàn được trải thảm, khách đi vào cần bỏ giày dép bên ngoài. Giữa phòng trưng bày các tượng phật hay các bảo vật, được sưu tầm từ nhiều niên đại và từ nhiều nước khác nhau. Nhưng điều thu hút sự chú ý của mình lại chủ yếu đến từ những bức ảnh lớn và những lời chú thích được treo dọc theo những bức tường. Những bức ảnh chụp lại những công trình kiến trúc, những bức tượng hay bảo vật liên quan đến những ngôi chùa cổ ở Việt Nam có niên đại bắt đầu từ thời nhà Tuỳ (thời Bắc Thuộc) cách đây gần hơn 1500 năm cho đến thời nhà Nguyễn. Lịch sử giống như một dòng chảy với tầng tầng lớp lớp không thời gian xếp vào nhau. Để biết được những gì đã bắt đầu như thế nào, cần một khả năng "xuyên không", vốn chỉ có trong phim viễn tưởng. Hơn 1500 năm phát triển của Phật giáo cũng như tiến trình phát triển của tư tưởng văn hoá của người Việt xưa được trải dài ra trong căn phòng rộng không quá 800m2 này. Có những công trình đã bị phá huỷ chỉ còn lại những vết tích như tháp chùa Dạm được phục dựng 3D, chuông Quy Điền vạc Phổ Minh (Đại Việt tứ đại khí)... Có những cổ vật còn kha khá nguyên vẹn như cột kinh Lăng Nghiêm (thời vua Lê Đại Hành), tượng Kim Cương, bia Sùng Thiện Diên Linh từ thời Lý hay tượng vua Mạc Thái Tổ... Và có những cổ vật như bức tượng Phật nghìn mắt nghìn tay - tuyệt tác thời Lê Trung Hưng vẫn đang lưu lạc tại Pháp, chúng ta vẫn chỉ biết đến qua những bức ảnh và những lời chú giải. 

Một vị trí đẹp để ngắm cảnh là lên đến chùa Ngọc trên núi Thất Tinh. Chùa cũng không quá cao, chỉ cần leo khoảng 300 bậc đá. Từ đây nhìn ra hồ Tam Chúc, giống như một vịnh Hạ Long trên cạn được thu nhỏ lại. Khung cảnh phía sau thì không có gì đặc biệt ngoài những khoảng đất trống và núi non trùng điệp phía xa.
Có một điều tiếc là mình không tìm thấy đường đưa đến ngôi chùa cổ. Dù đổ nát hay chỉ còn là phế tích, thì chúng cũng gợi lên một cảm giác nào đó về thời xa xưa cho các vị khách thập phương. Chùa Tam Chúc ngoài những bức tượng Phật, những cột kinh khổng lồ và điện đài nguy nga thì vẫn có nhiều hạng mục chưa hoàn thành, phải kể đến có lẽ sẽ có một vài khu resort riêng nữa. Với tiền bạc và công nghệ hiện đại, người ta có thể xây nhiều nhiều nữa những công trình bề thế tuy nhiên tiếc là nét cổ kính của không gian xưa thì không còn. 


Đến đây vé xe điện là 90k/người, còn vé đi tàu thuyền là 200k/người (có ghé thăm các đảo). Để đi thăm quan hết khu quần thể và nghỉ ngơi ăn uống như mình là hết hơn 3 tiếng đồng hồ. Với những người thích các địa điểm cổ kính hay các di tích lịch sử, theo cá nhân mình thì chùa Tam Chúc không có nhiều điều đặc biệt.

cảm xúc ngày đầu tuần

Sáng thứ hai, bầu trời vẫn âm u như những ngày trước. Bất chợt một tia nắng hiếm hoi chiếu tới rồi nhanh chóng bị những đám mây ...