“Con chim xanh biếc
Đậu hờ trên
tay
Yêu anh đến
thế
Giờ thành
mây bay.”
Câu thơ của
nhân vật Lương – một cô bạn gái tốt của Khuê ở cuối chuyện lý giải phần nào về
tựa đề câu chuyện. Thực ra kết chuyện không hề sầu muộn như thế, mà là một
happy ending. Con chim xanh biếc có lẽ ý nghĩa về dấu hiệu của một tình yêu đẹp
hay một niềm hạnh phúc nào đó, nhưng thật may, con chim chỉ có một vài lúc đậu
hờ trên tay chứ không hề bay mất. Bởi tất cả các nhân vật trong câu chuyện, họ
đều xứng đáng với niềm hạnh phúc dành cho mình.
Có lẽ câu
chuyện sẽ hay nếu như mình đang độ tuổi 22 hay 23, vốn là độ tuổi vừa mới ra
trường, mới bước vào ngưỡng cửa cuộc sống tự mưu sinh. Còn hiện tại, mình đã
hơn 30 tuổi rồi, nên có vẻ như truyện này không còn hấp dẫn mình cho lắm. Cách
đây mấy năm mình cũng có đọc cuốn “ngồi khóc trên cây”, nhưng cũng không để lại
nhiều ấn tượng. Nói thực về tác phẩm này, mình nhiều lúc cũng khá nản để đọc tiếp
và đọc tiếp, để rồi kết thúc câu chuyện với không nhiều ấn tượng mạnh như nhưng
câu chuyện trước đây của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Phải nói rằng,
câu chuyện tưởng như chỉ có Quyền là nhân vật chính diện, nhưng về cuối, Quyền
đã thay đổi, trở thành con người tích cực và thành đạt hơn. Còn lại, các nhân vật
trong chuyện đều là những người tốt. Họ sống yêu thương, chan hòa với nhau. Nổi
lên trong đó có những nhân vật có cá tính riêng như Sâm, Khuê, Lương. Câu chuyện
cũng có những tình tiết bất ngờ đan xen, tuy nhiên nhiều lúc đọc thấy hơi rối,
và cách giải quyết của tác giả lại làm giảm đi tính bất ngờ, lôi cuốn. Dù vậy,
tác giả đã đưa vào nhiều triết lý hay về cuộc sống, tình yêu và những đoạn miêu
tả nội tâm nhân vật khá sâu sắc. Tuy nhiên chỉ có một điều rằng: có lẽ nhân vật
Sâm quá tốt chăng, tại sao thích Khuê đến vậy, mà đến lúc Khuê đổ đánh rụp rồi
mà vẫn còn lưỡng lự, chậm chạp, để cho mạch chuyện cứ lê thê theo suy nghĩ của
hai nhân vật này. Kiểu như là người xưa nay hiếm: cơm đến miệng rồi mà không biết…
hưởng.
Nhân vật
Sâm – nhân vật với áo sơ mi, quần tây, nghiêm túc như một ông giáo làng, mở một
nhà hàng nhỏ để kinh doanh. Cách làm việc của Sâm gợi cho người đọc nhiều suy
nghĩ: một cách làm việc đúng quy tắc, đúng tình người, hiếm thấy ở bất cứ một
người sếp nào trong thực tại. Cách làm việc này đôi lúc khiến Khuê khó chịu,
nhưng rồi dần cô cũng hiểu ra. Và cũng chính vì thế là Khuê yêu Sâm, bởi tính
cách chính trực, trong sáng và điềm đạm ở anh. Nhưng phải nói là Sâm cũng cao
tay ngay từ đầu, biết Khuê nhưng tỏ ra không biết, thế mới khiến Khuê yêu như
điếu đổ, từ giận dỗi đến cảm phục (chứ nếu Khuê Sâm ngay từ đầu thì hỏng việc
ngay). Nhưng mọi sự bắt đầu nhập nhằng từ lúc Sâm gặp Tịnh, rồi biết bao chuyện
dở khóc dở cười được kể lại. Đến đây thì, chà, tội nghiệp Khuê, không phát điên
với Sâm mới là lạ.
Khuê là một
mẫu cô gái mà mình thích: mạnh mẽ, chân thành, hết mình vì công việc, hết mình
vì mọi người. Trong sự hiểu nhầm về tình cảm của Sâm và Tịnh, (đọc không hiểu nổi là Sâm cố tình gây hiểu nhầm hay chẳng nhẽ vô tư đến mức vô tình như vậy?), Khuê không hề tỏ ra ghen tức, dù
trong thâm tâm cô chẳng khác nào núi lửa đang phun trào. Khuê vẫn đối xử tốt với
Tịnh, tự trách mình quá ích kỷ, tự bảo mình tránh xa để nhường lại hạnh phúc
cho Tịnh. Đến đây thì mình còn mong Khuê bỏ luôn đi, cuối chuyện đến với Quyền
hay anh mặc áo pull xanh hay pull đỏ nào đó cho đỡ khó chịu. Tất nhiên là không
có chuyện đó xảy ra, ai về với người nấy và theo đúng motip của bao câu chuyện
happy ending khác.
Dù không ấn
tượng về câu chuyện, nhưng đọc mỗi trang sách của Nhà văn, mình lại có thể tưởng
tượng thêm nhiều hơn về cuộc sống của con người Sài Gòn nói riêng và người Nam
Bộ nói chung. Đó là những phẩm chất: hiền lành, chất phác, yêu thương, quan tâm
đến nhau. Ngoài bi kịch của mẹ, bà nội nhân vật Sẹo, thì hầu như mọi mâu thuẫn
đều được giải quyết ổn thỏa với sự cảm thông sâu sắc mà mỗi con người dành cho
nhau. Đóng cuốn sách lại, vẫn đó những gương mặt và tính cách của các nhân vật
từ chính đến phụ, vẫn còn đó với nụ cười luôn trên môi dù cuộc sống có khó khăn
như thế nào đi nữa. Đó chính là cái hay của nhà văn đã U60 – Nguyễn Nhật Ánh, vẫn
như vậy, không hề thay đổi theo thời gian.
Mình vẫn
thích các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bởi nó gắn liền với tuổi học
trò của mình. Bài viết chỉ là góc nhìn chủ quan của một người đọc đã ở độ tuổi
U30, nên không hề có ý chỉ ra những điểm hạn chế của tác phẩm. Ai cũng vậy, đến
một độ tuổi nào đó họ lại có một gu đọc sách hay giải trí riêng. Nếu quay lại
là một cậu sinh viên, hẳn mình sẽ rất thích cuốn sách này. J