YÊN TỬ

"Cõi trần vui đạo cứ tùy duyên,

đói bụng thì ăn mệt ngủ liền

Báu vật trong nhà thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm khỏi hỏi thiền."

                               - Phật Hoàng Trần Nhân Tông -

“Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ” do một họa sư người Việt hay Trần Giám Như người nhà Nguyên vẽ đến nay vẫn chưa đi đến thống nhất. Nếu như theo dõi trên Wikipedia thì những lời bình của các danh sĩ đương thời không hề nhắc đến Trần Giám Như, đơn giản chỉ có một con dấu lạc khoản ghi tên ông được đóng lại trước khi được đưa vào cung nhà Thanh. Hoặc cũng có khi ông và họa sư người Việt vô danh ấy là một. Cũng giống như nhiều vấn đề lịch sử, câu chuyện xung quanh danh tác này vẫn đang bị phủ lên một màn sương mờ. Trong tranh thể hiện Thượng hoàng Trần Nhân Tông trong bộ trang phục của một vị sư, tai to, mày dài, tay lần tràng hạt. Thần thái bình an của ông đã toát lên vẻ đẹp yên bình cho cả bức họa. Trong đoàn chào đón có vua Trần Anh Tông cùng quan văn võ và đội tùy tùng đông đảo. Bức họa theo phong cách thủy mặc của Trung Hoa với không gian gồm mây núi và những cây cổ thụ - vốn là cây tùng đặc trưng trong quần thể lăng, chùa và rừng quốc gia Yên Tử.



Chùa Hoa Yên trầm mặc giữa lưng chừng núi. Từ sân chùa nhìn lên thì thấy vào mùa này mây mù đã phủ kín cả đỉnh núi. Tuyến cáp treo liên tục lên xuống và biến mất vào trong màn mây trắng xóa. Từ sân chùa có thể nhìn ra xung quanh bốn bề rộng mênh mông, được bao quanh bởi rặng núi nhấp nhô, bên phải và bên trái được phủ xanh bởi rừng cây thuộc khu bảo tồn rừng quốc gia Yên Tử. Phía trước chùa có những cây đại, cây tùng tuổi đời hàng trăm năm. Có lẽ khi vua Trần Nhân Tông giảng đạo, ngài đã thấy mây giăng xung quanh mà đặt tên chùa là Vân Yên. Rồi khi vua Lê Thánh Tông đến thưởng ngoạn, có nhiều hoa, nhiều mây mà vua cho trùng tu và đặt tên là Hoa Yên. Để đi lên chùa, chúng ta sẽ đi qua và dừng chân lại ở tháp tổ Huệ Quang. Tháp do vua Trần Anh Tông và Đệ nhị Tổ Pháp Loa cùng các tăng môn Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xây dựng vào năm Kỷ Dậu (1309). Tháp có năm tầng, tầng một có tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông - vốn là vị vua sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Tháp tổ có chứa bên trong xá lợi của ông. Khu vực lăng được trùng tu vào thời Lê. Vẫn còn đó bệ đá vân mây được lưu giữ từ thời Trần. Nếu bỏ qua cáp treo, tiếng nhạc, những đồ lễ vật hay những vị khách khác, ta như đang sống trong thời điểm cách đây 700 năm. Một thời điểm với niềm tự hào đang cao ngất sau hai lần chiến thắng giặc Nguyên Mông, khi mà hào khí Đông A vẫn đang hừng hực khắp giang sơn. Hãy yên lặng để có thể hít thở bầu không khí cổ kính, lắng nghe và tưởng tượng cuộc sống của xưa kia.



Cần đi thêm khoảng 500m nữa để đi đến tuyến cáp treo thứ hai. Đây là tuyến cáp sẽ đưa bạn đến lối đi lên chùa Đồng, vốn nằm trên đỉnh núi Yên Tử. Đúng như nhìn thấy ban đầu, tuyến cáp đi thẳng vào làn mây vốn đã phủ kín đỉnh núi. Du khách không thể nhìn ngắm xung quanh vì mây mù trắng xóa bao trùm. Xuống đến nơi, ta có thể trực tiếp chạm vào mây, hít thở thứ không khí mát lạnh mà dưới đồng bằng không thể có được. Từ đây mây sẽ theo bạn đi đến tận đỉnh núi. Đến gần với tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, bạn sẽ đi qua tượng cổ An Kỳ Sinh. Nghe nói tượng cổ đã đứng ở đây hàng nghìn năm, tượng có dáng một đạo sĩ đang chắp tay, trải qua năm tháng tượng đã mòn, rêu phủ lên nhiều. Không rõ tượng do bàn tay con người tạc hay do tự nhiên tạo ra rồi ai đó đã dựng lên. Cái này bạn có thể lên google tìm kiếm thêm thông tin, sẽ có khá nhiều truyền thuyết bí ẩn xung quanh. Đi đến những bậc thang rộng, thấp thoáng trong sương mù là bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông – một bức tượng đồng nguyên khối, cao hơn 12m, đã được ghi vào kỷ lục Châu Á. Sương mù càng làm nổi bật lên sự uy nghi của Phật Hoàng, như Đức phật trên những tầng mây nhìn xuống thế gian. Lối đi lên bắt đầu hiểm trở hơn, càng lên cao sẽ không còn những bậc đá an toàn nữa, thay vào đó là những phiến đá lớn lởm chởm, những bậc nhỏ được con người tạo ra để du khách có thể đi lên dễ hơn, nhưng vẫn phải cẩn thận. Thời tiết mây mù ẩm ướt nếu đi những giày đế trơn rất dễ bị trượt ngã. Và rồi chùa Đồng hiện ra trên đỉnh núi. Ở đây có thể nhìn thấy Bắc Giang ở phía tây nhưng xung quanh đã trắng xóa một màu rồi. Chùa Đồng trước là một am thờ nhỏ được đúc bằng đồng từ thời Lê – Trịnh, tuy nhiên đã bị gió bão quật đổ. Chùa hiện tại mới được làm gần đây, cũng được đúc bằng đồng nguyên khối và cũng là chùa bằng đồng lớn nhất Châu Á. Hai bên chùa có quả chuông và khánh đồng. Ở độ cao hơn 1000 mét này, trời lạnh hơn rất nhiều, mưa cũng bắt đầu rơi như mưa phùn ở dưới đồng bằng, nếu không đội mũ, nước sẽ động lại như sương tuyết ở trên tóc. Ở trên đỉnh núi, xung quanh chỉ là màu trắng xóa, dưới chân là thấp thoáng những phiến đá lô nhô. Nhưng đây hẳn là trải nghiệm mới mẻ và thú vị đối với những ai chưa từng leo núi đến độ cao này.



Khi đi xuống du khách nên cần thận nhìn vào biển chỉ dẫn. Đi qua tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông  sẽ có 3 lối đi. Một lối chéo bên phải, một lối đi thẳng và một lối rẽ trái. Tuy nhiên biển chỉ dẫn chỉ có 2 mũi tên là đi thẳng và đi chéo nên du khách khá dễ nhầm với lối đi xuống bộ và lối đi về trạm cáp treo (thực tế là mình đã bị nhầm). Thực ra đi cáp treo sẽ đỡ mệt, nhưng ta lại mất đi cái thú “tắm rừng”. Đi bộ, đi qua rừng trúc, rừng tùng với những bậc đá cũ hay bắt gặp rễ cây lớn nổi trên mặt đất, sẽ mang lại những tưởng tượng thật hơn về cuộc sống những vị sư ngày xưa. Từ đó mới hiểu ra được phần nào rằng tại sao trường phái thiền trúc lâm lại được sáng tạo ra từ đây mà không phải nơi nào khác. Thiền viện trúc lâm hay còn gọi là chùa Lân, tên chữ là Long Động Tự, chùa được vua Trần Nhân Tông tôn tạo năm 1293, từng là một chùa lớn, khang trang để nhà vua đến đây giảng đạo, độ tăng. Chùa bị phá hủy thời chống Pháp, chỉ còn 23 mộ tháp cổ vẫn còn nguyên vẹn. Chùa được tôn tạo, xây dựng lại vào năm 2002 với sự khởi xướng của hòa thượng Thích Thanh Từ, Viện trưởng thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Trong sân chùa có quả cầu lớn có tên là Như ý báo ân Phật, được ghi nhận kỷ lục là quả cầu đá hoa cương lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó chùa có cây đa cổ thụ 700 năm tuổi, cành lá xum xuê, bên cạnh là phòng trưng bày một số mẫu vật khảo cổ như gạch ngói, bát, tượng rồng, một số công cụ sắt… từ thời Lý, Trần, Lê rất giống với những cổ vật ở Hoàng Thành Thăng Long. Có một hình ảnh ấn tượng là lũ chim bồ câu xà xuống mổ thóc dưới gốc cây đa cổ thụ. Ánh nắng buổi sáng xuyên qua những tán lá cây, khiến cho cảnh tượng lung linh, có lẽ đã quen thuộc từ hàng trăm năm nay. Một chú chim bồ câu đi theo vị sư thầy vào trong chánh điện, cái đầu ngúc ngoặc, chân đi mạnh mẽ đầy tự tin. Hình ảnh tạo một cảm giác yên bình kỳ lạ mà bất cứ ai cũng cảm thấy trong lòng. Ngoài ra có một điều khá thú vị là bức tượng Bồ Đề Đạt Ma quảy phía sau lưng một chiếc giày. Không nhiều người biết được lý do tại sao (lại lên Google nhé), chỉ biết một chiếc khác được thờ tại chùa Thiếu Lâm ở Trung Hoa theo như truyền thuyết.

Người Việt có nhiều danh sĩ tài giỏi, nhưng những thư cảo, tác phẩm đều bị tàn phá hoặc bị giặc Minh cướp mất. Bởi hầu hết những lời bình đều là các danh sĩ thời nhà Minh, nên liệu có thể làm tăng thêm tính tin cậy cho giả thiết rằng tác giả là một người Việt, bức tranh được vẽ vào thời của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông rồi bị lấy đem sang Trung Quốc trong thời kỳ giặc Minh đô hộ? Hoàn toàn có thể.  Năm 1922, Vua Phổ Nghi – vị vua cuối cùng của triều nhà Thanh đã bí mật tuồn ra hơn 1300 bảo vật trong đó có bức họa, đến năm 1949, bức họa mới được đem về lưu trữ tại bảo tàng Liêu Ninh. Năm 2012, bản phục chế của bức họa được bán với giá 1,8 triệu USD. Vậy là lịch sử đã đi qua được gần 700 năm, những gì còn lại xung quanh vị vua yêu nước và anh minh trong lịch sử vẫn còn lưu dấu vết trên núi Yên tử hùng vĩ, và Ngài vẫn còn hiện lên sinh động với thần thái yên bình trong bức tranh vô giá mà hậu thế đang được chiêm ngưỡng.  

6 nhận xét:

  1. Đã lâu không gặp.

    Hihi. Viết gì mà to tát quá, mình ngồi chơi thôi chứ không biết gì để bàn, ^^

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. kk. Đã lâu không gặp. Khách đến chơi thôi là chủ nhà đã rất vui rồi. :D

      Xóa
    2. Bức ảnh thứ 3 của cậu nó làm Miss nhớ mình lúc 7 tuổi. Lúc ấy xem tập cuối của bộ phim Dương Gia Tướng, cảnh cuối là cả nhà ra trận hết còn mỗi Dương Văn Quảng ở nhà với ông quản gia già, lúc đó thấy sự cô đơn, chia cắt sinh ly và ám ảnh mãi không ngủ được. Bức ảnh của cậu nó làm Miss có cảm giác như lúc đó, cô đơn, bơ vơ, sợ hãi giữa cuộc đời rộng lớn, nhiều biến cố. .
      Một bức ảnh đầy hồn.

      Xóa
    3. Hôm đó mưa với mây trắng xóa nên em không chụp được ảnh chùa Đồng trên đỉnh núi.
      Ảnh này là chùa Đồng em lấy trên mạng về đó chị. ^^

      Xóa
  2. Mong có một ngày, DVD được lên núi Yên Tử!

    Trả lờiXóa

Anhnh.thienloc@gmail.com

cảm xúc ngày đầu tuần

Sáng thứ hai, bầu trời vẫn âm u như những ngày trước. Bất chợt một tia nắng hiếm hoi chiếu tới rồi nhanh chóng bị những đám mây ...